Hành động của Fed không phải là tín hiệu tích cực với thị trường chứng khoán
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Thị trường đã chứng kiến những bước ngoặt chính sách của Fed trong nhiều thập kỷ qua. Và họ đã rút ra được kết luận rằng rằng việc cắt giảm lãi suất hiếm khi có lợi cho chứng khoán nếu diễn ra sau khi đường cong lợi suất bị đảo ngược. Thực tế, chỉ có 3 trong số 11 lần Fed mạnh tay cắt giảm lãi suất trùng với thời điểm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng và giá cổ phiếu Mỹ tăng.
Trong nhiều tháng, các nhà kinh tế và chuyên viên phân tích chiến lược đã cho rằng việc Fed "xoay trục" chính sách, chuyển sang cắt giảm lãi suất một cách bền vững sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu hoặc ít nhất là ngăn chúng giảm mạnh. Lewis Krauskopf của Reuters vào tháng 7 năm ngoái đã viết rằng: "Triển vọng cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy cổ phiếu Mỹ khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc bầu cử Mỹ". Cùng tháng đó, hơn 1/3 số người được hỏi trong Khảo sát Quản lý Quỹ Toàn cầu hàng tháng của Bank of America cho rằng: “Chính sách tiền tệ hiện đang quá thắt chặt và ở mức độ mạnh mẽ nhất kể từ tháng 11 năm 2008", đồng thời tiết lộ rằng danh mục đầu tư của họ vẫn "dành phần lớn tỷ trọng cho cổ phiếu và ít nắm giữ trái phiếu" (hay có thể nói: "Nhà đầu tư vẫn lạc quan do kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất", trích báo cáo của Funds Society ngày 19/07/2024). Chuyên viên phân tích Gordon Gottsegen tại Morningstar cho biết: "Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang lạc quan về thị trường chứng khoán trước thềm Fed cắt giảm lãi suất vào tháng tới".
Trên thực tế, lịch sử của ngành tài chính, với việc đồng hành cùng các bước ngoặt chính sách từ Fed, đã cho thấy rằng việc cắt giảm lãi suất hiếm khi có lợi cho thị trường chứng khoán nếu hành động này diễn ra sau khi lợi suất bị đảo ngược (một tín hiệu dự báo suy thoái cho nền kinh tế). Hiện tượng này dần được chú ý nhiều hơn khi ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy cuộc suy thoái tiếp theo của Mỹ đã bắt đầu - hoặc sẽ sớm bắt đầu - bởi vì đường cong lợi suất đã bị đảo ngược kể từ cuối năm 2022 và trạng thái này vẫn tiếp tục.
Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích vẫn không chắc chắn về một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ, vì họ đã không dự báo trước điều đó, hoặc bởi vì nhìn chung họ luôn giữ thái độ nghi ngờ cho đến khi suy thoái thực sự xảy ra. Tương tự, các báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) cũng sẽ có độ trễ nhất định, nhưng sự chậm trễ này đến từ việc NBER sẽ chỉ định thời điểm bắt đầu và kết thúc "chính thức" của mỗi cuộc suy thoái, vì vậy trước khi tuyên bố công khai, cơ quan này sẽ muốn chắc chắn về trạng thái cuối cùng của dữ liệu kinh tế (luôn được cập nhật và sửa đổi thường xuyên). Thật không may, việc "dự báo tương lai" (và ngay cả "dự báo hiện tại" của Fed New York) không giúp ích gì cho những người cần một tầm nhìn dài hạn và thời gian để điều chỉnh trước khi gặp rắc rối.
Tại hội nghị Jackson Hole của Fed vào tháng trước, các quan chức đã báo hiệu một loạt đợt cắt giảm lãi suất sẽ sớm bắt đầu tại các cuộc họp FOMC. Đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 03/2020. Biểu đồ dưới đây cho biết lộ trình lãi suất điều hành so với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trong sáu năm qua và bao gồm dự báo lãi suất điều hành trong một năm tới, được lấy từ thị trường hợp đồng tương lai. Dự báo cho biết NHTW này sẽ cắt giảm 250 điểm cơ bản, hạ lãi suất về mức 2.75%. Lợi suất trái phiếu thường giảm trong bối cảnh cắt giảm lãi suất, vì vậy đường cong lợi suất có thể vẫn bị đảo ngược ít nhất là cho đến tháng 03/2025.
Lãi suất điều hành của Fed (màu xanh) và Lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (màu cam)
Nếu đây là động thái sắp tới của Fed - cắt giảm lãi suất một cách đáng kể và nhanh chóng - thì điều đó cho thấy sự hoảng loạn; thậm chí cả cả sự sợ hãi và sự háo hức trong việc chống lại một cuộc suy thoái mà chính Fed đã góp phần gây ra bởi những đợt tăng lãi suất quá mức, dẫn đến đường cong lợi suất bị đảo ngược.
Việc cắt giảm lãi suất thường khiến thị trường nhận ra vấn đề (suy thoái) sau khi nó đã xảy ra nhưng sẽ không ngăn chặn được vấn đề. Hành động này cũng không kích thích được thị trường chứng khoán. Đúng là mặt bằng lãi suất thấp hơn ( trong dài hạn và ngắn hạn) sẽ có lợi cho chứng khoán trong trường hợp “mọi yếu tố khác đều bình đẳng" (mức lãi suất thấp sẽ khiến hệ số chiết khấu trong mô hình định giá thấp hơn, dẫn đến định giá của cổ phiếu tăng). Thế nhưng, các yếu tố khác, trong đó có tăng trưởng kinh tế suy yếu và kết quả kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp (xảy ra trong thời kỳ suy thoái) đều làm suy yếu giá cổ phiếu. Việc cắt giảm lãi suất đáng kể, nhanh chóng thường không phải là tín hiệu "hạ cánh mềm" của nền kinh tế mà báo hiệu những dấu hiệu suy thoái sắp tới. Việc cắt giảm lãi suất dựa trên nhận thức muộn màng thay vì tầm nhìn dài hạn có thể xác nhận suy thoái nhưng không thể ngăn chặn nó.
Mối quan hệ quan trọng giữa chính sách tiền tệ của Fed, đường cong lợi suất, suy thoái và hiệu suất của cổ phiếu kể từ năm 1968 được minh họa tại biểu đồ dưới đây. Cả tám cuộc suy thoái đều được dự báo một cách đáng tin cậy (từ 12 đến 18 tháng trước khi xảy ra) bởi việc Fed tăng lãi suất dẫn đến đường cong lợi suất bị đảo ngược (khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất dài hạn). Trong tất cả những năm này, không tìm thấy trường hợp suy thoái xảy ra ngay cả khi đường cong lợi suất không bị đảo ngược trước đó và không có trường hợp suy thoái không xảy ra mặc dù đã có đường cong lợi suất bị đảo ngược.
Trong đó, có 11 lần Fed cắt giảm lãi suất một cách liên tục và mạnh mẽ kể từ năm 1968. Tám trường hợp xảy ra sau khi đường cong lợi suất bị đảo ngược và ba trường hợp xảy ra khi đường cong lợi suất không bị đảo ngược trước đó. Trong ba trường hợp trên, vào các giai đoạn 1971-72, 1984-86 và 1995-98, động thái cắt giảm lãi suất của Fed không diễn ra trong thời kỳ suy thoái kinh tế cùng với thời kỳ ảm đạm của thị trường chứng khoán:
- Trường hợp #1 - Vào tháng 09/1971, Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành từ mức 5.75%, xuống còn 3.50% vào tháng 01/1972. Khi việc cắt giảm lãi suất bắt đầu, đường cong lợi suất đang dốc lên (không bị đảo ngược). Chênh lệch lợi suất dài hạn và ngắn hạn là dương 62 điểm cơ bản. Đã có một cuộc suy thoái trước đó (từ tháng 12/1969 đến tháng 11/1970), nhưng trong bối cảnh chu kỳ cắt giảm lãi suất diễn ra vào năm 1971-72, tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục và chỉ số S&P 500 đã tăng 8%.
- Trường hợp #2 - Vào tháng 7 năm 1984, Fed đã khởi xướng một đợt cắt giảm lãi suất khác. Trong khoảng thời gian hai năm, Fed đã giảm lãi suất một cách mạnh mẽ, từ 11.63% xuống 5.88% (tháng 08/1986). Khi việc cắt giảm bắt đầu, đường cong lợi suất đang dốc lên; chênh lệch ở mức dương 106 điểm cơ bản. Đã xuất hiện sự suy thoái trước đó (từ tháng 07/1981 đến tháng 11/1982), nhưng trong giai đoạn cắt giảm lãi suất này, tăng trưởng kinh tế một lần nữa được duy trì, trong khi S&P 500 bùng nổ với mức tăng 44%. Cuộc suy thoái tiếp theo sẽ không diễn ra cho đến tháng 7 năm 1990 (và kéo dài trong thời gian ngắn, đến tháng 03/1991).
- Trường hợp #3 - Vào tháng 4 năm 1995, Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mức đỉnh lúc đó là 6.00% cho xuống còn 4.75% và cuối năm 1998, với mười lần cắt giảm riêng biệt và tổng cộng 1.25 điểm phần trăm trong hơn ba năm rưỡi. Đường cong lợi suất đang dốc lên khi việc cắt giảm bắt đầu (Mức chênh lệch là dương 103 điểm cơ bản). Trong giai đoạn này, nền kinh tế Mỹ rất mạnh: tăng trưởng GDP ở mức tốt trong năm 1996 (tăng 4.4%) và sau đó tăng tốc lên 4.5% vào năm 1997 và 4,9% vào năm 1998. Trong giai đoạn này, S&P 500 đã tăng 125% (tương đương tỷ suất sinh lời 37%/năm).
Mối tương quan giữa lãi suất điều hành của Fed, đường cong lợi suất và hiệu suất của thị trường chứng khoán kể từ năm 1968
Ấn tượng của các nhà kinh tế và nhà phân tích ngày nay rằng việc Fed cắt giảm lãi suất có lợi cho cả tăng trưởng kinh tế và chứng khoán có thể bị sai lệch trong ba trường hợp này - một số ít trường hợp ngoại lệ. Nhưng khi đào sâu hơn vào dữ liệu, có một hiện tượng hấp dẫn đã xuất hiện: không giống như tám trường hợp còn lại, ba lần cắt giảm lãi suất năm 1971-72, 1984-86 và 1995-98 (khi S&P 500 tăng lần lượt 8%, 44% và 125%) không xảy ra sau khi đường cong lợi suất bị đảo ngược (báo hiệu suy thoái).
Bây giờ hãy xem xét về ba cuộc suy thoái lớn của Mỹ xảy ra cùng thời điểm với quyết định cắt giảm lãi suất một cách mạnh mẽ của Fed. Trong những trường hợp này, giá cổ phiếu Mỹ đã giảm mạnh "mặc dù" Fed đã cắt giảm lãi suất. Đây là ba trong số tám trường hợp điển hình của sự suy yếu trong bối cảnh cắt giảm lãi suất kể từ năm 1968 (khi việc cắt giảm lãi suất diễn ra sau khi đường cong lợi suất bị đảo ngược). Đó chính xác là tình hình hiện tại của chúng ta. Đó là một mô hình đáng quan ngại, nhất là đối với những người vẫn lạc quan về thị trường chứng khoán.
Với ba cuộc suy thoái trên:
Trong giai đoạn tháng 08/2007 đến tháng 06/2009, S&P 500 đã giảm 36% (tương đương 20% hàng năm), và giảm 51% từ đỉnh (tháng 10 năm 2007) xuống đáy (tháng 3 năm 2009).
Trong giai đoạn tháng 03/2000 đến tháng 10/2002, S&P 500 đã giảm 38%. Trong khi nếu tính từ mức đỉnh tháng 12/1999 đến mức đáy tháng 02/2003, chỉ số này đã giảm 41%.
Trong giai đoạn từ tháng 06/1974 đến tháng 12/1974, S&P 500 đã giảm 36% ( tương đương 24% hàng năm), trong khi tính từ đỉnh (tháng 10/1973) xuống đáy (tháng 10/1974), chỉ số này giảm 44%.
Xem xét tất cả dữ liệu có liên quan và các khía cạnh nhân quả xung quanh việc Fed cắt giảm lãi suất trong những thập kỷ gần đây, có vẻ lần cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không ngăn chặn được sự suy thoái của nền kinh tế cũng như xu hướng giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Việc đường cong lợi suất bị đảo ngược ở thời điểm trước đó và dấu hiệu gần đây tại thị trường lao động (do tỷ lệ thất nghiệp tăng, theo "Chỉ báo quy tắc Sahm") cho thấy sự suy thoái có thể đã hoặc sắp xảy ra.
Seeking Alpha