Khủng hoảng kinh tế: viễn cảnh khó tránh của châu Âu
Trần Minh Khoa
Junior Analyst
Chính phủ của nhiều nước Châu Âu đang đứng trước hai ngã rẽ trớ trêu. Một bên là khủng hoảng năng lượng, một bên là khủng hoảng tài khóa. Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn quyết định
Đã có nhiều ước tính khác nhau về mức độ ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng năng lượng đối với Châu Âu, với 1 mức tương đối khả thi rơi vào khoảng 6 - 8% GDP. Một giải pháp đương đầu với cú sốc này là để cho giá năng lượng tăng, và sau đó để cho khu vực tự nhân tự điều chỉnh lại. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất gia tăng, do đó dẫn theo hóa đơn sưởi ấm trong nhà cao hơn và thu nhập khả dụng dành cho các hàng hóa và dịch vụ khác giảm đi. Nói một cách khác, nó rất có khả năng sẽ lặp lại cú sốc giá năng lượng vào năm 1979 và cuộc suy thoái theo sau đó.
Lưu ý rằng quy mô của một cuộc suy thoái thường sẽ lớn hơn quy mô của cú sốc giá ban đầu. Khi một số lĩnh vực bắt đầu bị ảnh hưởng, chúng sẽ dần kéo các lĩnh vực khác theo. Giá tài sản do đó mà cũng sẽ giảm theo, gây nên thiệt hại cho việc đầu tư và tiêu dùng. Các nhà kinh tế học đôi khi gọi đây là “lý thuyết chu kỳ kinh doanh thực”, một nhánh kiến thức chuyên nghiên cứu về cách thức một sự kiện tiêu cực ban đầu có thể gây ra những tác động lan truyền đối với nền kinh tế
Lý thuyết này còn được củng cố hơn khi những dữ liệu gần đây đã cho thấy mảng xuất khẩu của Đức đang bị ảnh hưởng nặng nề, mặc dù một phần sự sụt giảm này không hề liên quan đến vấn đề năng lượng.
Ngã rẽ này có vẻ rất nghiệt ngã, nhưng ngả còn lại thì cũng không kém phần đau đớn. Chính phủ các nước có thể ngăn lại được cuộc khủng hoảng năng lượng nhưng mà đổi lại thay, họ sẽ phải chịu một cú sốc tài khóa.
Một chính phủ có thể bỏ tiền ra để bù vào lượng tiền tăng trong hóa đơn năng lượng, điều sẽ khiến cú sốc giá năng lượng như chưa từng xảy ra. Một chính sách như vậy tuy sẽ cực kì khó để thực hiện, nhưng đã có những động thái theo hướng như vậy. Chính phủ Anh cam kết một khoản chi 200 tỷ bảng để bảo vệ nền kinh tế Anh khỏi những cú sốc về giá năng lượng, cho dù nền kinh tế vẫn sẽ chịu ảnh hưởng bởi phần lớn cú sốc giá năng lượng. Trong khi đó, chính phủ Đức cũng đã công bố kế hoạch chi khoảng 200 tỷ euro để tự vệ khỏi những cú sốc giá năng lượng.
Các chính phủ có thể cố gắng hạn chế các cú sốc về giá năng lượng theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, họ có thể hỗ trợ toàn phần cho người tiêu dùng và doanh nghiệp bằng các khoản, hoặc họ có thể đặt mức giá trần và sau đó cố gắng bù lại phần lỗ cho các công ty năng lượng. Bất kể sự kết hợp của các chính sách như thế nào đi nữa thì chi phí tăng thêm sẽ gây ra một lỗ hổng lớn trong ngân sách của chính phủ.
Nếu một chính phủ quyết định chịu toàn bộ chi phí năng lượng tăng thêm, nó sẽ tốn khoảng 6% đến 8% GDP. Hơn nữa, chi phí đó sẽ phải tiếp tục được chi trả hàng năm cho đến khi giá năng lượng đã được ổn định lại. Điều đó sẽ đòi hỏi chính phủ vay nhiều hơn, thuế cao hơn, in tiền nhiều hơn hoặc đồng thời làm tất cả những việc trên.
Tin tốt là việc biến một cuộc khủng hoảng năng lượng thành một cuộc khủng hoảng tài khóa sẽ không khiến cho chi phí năng lượng cao lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Tin xấu thì gồm có hai mặt. Thứ nhất, giữ giá năng lượng ở mức thấp sẽ có ảnh hưởng đến môi trường, khi mà việc khuyến khích giảm thiểu năng lượng sẽ trở nên vô nghĩa. Thứ hai, và quan trọng hơn, một cuộc khủng hoảng tài khóa thì vẫn là một cuộc khủng hoảng. Ngay cả khi chính phủ tránh đi vay thêm, thì với những trở ngại về kinh tế và chính trị, liệu họ còn có thể tăng thuế được thêm bao nhiêu nữa?
Vào cuối những năm 1970, đã không có những động thái chung nào để biến cuộc khủng hoảng giá năng lượng thành một cuộc khủng hoảng tài khóa. Các chính phủ khi đó không nghĩ họ có thể đi vay thành công những khoản tiền lớn đến như vậy, như những gì họ đang làm ở thời điểm hiện tại.
Vì vậy, đây là một thời điểm của sự đổi mới chính sách và ta có thể gọi nó là sự tài khóa hóa các vấn đề kinh tế. Một ví dụ dễ thấy gần đây là khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Thế giới có thể tài khóa hóa các vấn đề của mình đến bao giờ? Và liệu tài khóa hóa có thể giúp thế giới tránh được những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn sau này?
Có thể đây là khởi đầu cho mức nợ siêu cao như một hình thức bảo hiểm cho những điều tồi tệ sau này. Nhưng cũng có thể thị trường trái phiếu đang trên đà nổi dậy để chống lại việc tiếp tục vay nợ như vậy. Việc này có thể sẽ phá hủy cơ chế tài chính của Liên minh châu Âu do quan điểm phổ biến rằng ít nhất một số quốc gia sẽ bắt đầu lạm dụng các đặc quyền được vay vốn của họ. Nên nhớ rằng, lãi suất thực đã bắt đầu tăng trong thời gian gần đấy.
Bloomberg