Kinh tế Mỹ bứt phá: Cắt giảm lãi suất - Cần thiết hay mạo hiểm?
Ngọc Lan
Junior Editor
Tin vui không ngừng đến với nền kinh tế Hoa Kỳ. Thu nhập người lao động tăng cao, thị trường chứng khoán khởi sắc, tình hình việc làm phát triển mạnh mẽ, và nguồn vốn tín dụng dễ dàng tiếp cận. Điều đáng chú ý là Fed dường như vẫn kiên định với việc "hâm nóng" thêm nền kinh tế thông qua các đợt cắt giảm lãi suất. Dù Chủ tịch Jerome Powell đã khẳng định quá trình này sẽ diễn ra từ từ, nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao phải cắt giảm khi nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ như vậy?
Trong bức tranh tươi sáng này, vẫn còn một điểm đáng lo ngại: lạm phát cơ bản vẫn đang ở mức cao và có xu hướng tăng. Theo báo cáo CPI mới nhất, lạm phát cơ bản - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng vốn hay biến động - đã đạt 3.3%. Mặc dù lạm phát toản phần thấp hơn và đang duy trì ở mức 2.4%, nhưng con số này một phần nhờ vào sự sụt giảm trước đây của chi phí năng lượng - đang có chiều hướng tăng cao do tình hình căng thẳng tại Trung Đông. Đáng chú ý, cuộc khảo sát gần đây của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng về lạm phát của người tiêu dùng đang tăng vọt.
Động thái cắt giảm lãi suất được Fed đưa ra với lý do chính là nhằm kích thích thị trường lao động được cho là đang chững lại. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ 4.1% và 254,000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 9, có thể thấy thị trường chỉ đang hạ nhiệt so với giai đoạn "nóng" năm 2022 và đầu 2023 - thời điểm nền kinh tế bùng nổ hậu đại dịch. Ngay cả khi giả định rằng nền kinh tế cần kích thích (điều này không thực sự cần thiết), không có gì đảm bảo các doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn vốn lãi suất thấp để tạo thêm việc làm. Thay vào đó, họ có thể đổ tiền vào đầu tư công nghệ AI hoặc thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập - những hoạt động thậm chí có thể dẫn đến việc cắt giảm nhân sự.
Một động lực khác đằng sau việc cắt giảm lãi suất là thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chi tiêu người dân đã ở mức rất cao, trong khi nợ hộ gia đình đang chạm mốc kỷ lục 17.8 nghìn tỷ USD. Việc tiếp tục cắt giảm lãi suất chỉ càng khuyến khích xu hướng vay mượn và làm suy yếu văn hóa tiết kiệm trong xã hội.
Đáng chú ý, thách thức lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay không phải là khó tiếp cận tín dụng, mà chính là bóng ma lạm phát đang quay trở lại - một mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng với các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình. Giá cả hàng hóa và dịch vụ leo thang chính là thủ phạm khiến dư nợ thẻ tín dụng tăng vọt. Tương tự trong lĩnh vực bất động sản, giá nhà tăng hơn 50% trong 5 năm qua - mới là rào cản chính đối với người mua nhà, chứ không phải lãi suất vay thế chấp vốn đang ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử. Trong bối cảnh này, kích thích nhu cầu bằng cách hạ lãi suất có thể châm ngòi cho đợt tăng lạm phát mới, triệt tiêu hoàn toàn lợi ích từ việc cắt giảm lãi suất.
Hơn thế nữa, chính sách cắt giảm lãi suất sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập từ tiết kiệm của các hộ gia đình. Người lao động cần một kênh đầu tư an toàn, ổn định để tích lũy quỹ dự phòng và các khoản tiết kiệm ngắn hạn. Người cao tuổi cũng cần điều tương tự để bảo toàn quỹ hưu trí của họ. Sau nhiều năm, họ mới có cơ hội nhận được mức sinh lời thực tế tốt từ tiết kiệm. Việc tước đi cơ hội này là điều đáng phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Vậy ai mới là người thực sự hưởng lợi từ việc cắt giảm lãi suất? Đó là các chủ đầu tư bất động sản thương mại đang lâm vào khó khăn, các quỹ đầu tư tư nhân đang ngập trong nợ nần, và các "công ty zombie" - những doanh nghiệp chỉ đủ khả năng trả lãi vay. Các ngân hàng đang gánh khoản lỗ chưa thực hiện hàng trăm tỷ USD trong danh mục đầu tư chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể. Các nhà đầu cơ tài sản rủi ro hoan nghênh động thái này, bởi khi lãi suất của các kênh đầu tư an toàn như tiền gửi ngân hàng và quỹ thị trường tiền tệ giảm xuống, dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển mạnh mẽ vào cổ phiếu và các kênh đầu tư thay thế rủi ro cao hơn nhằm tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn.
Những người ủng hộ việc cắt giảm lãi suất đang lên tiếng phản đối, cho rằng lãi suất tăng đã biến hoạt động cho vay thành mỏ vàng cho các ngân hàng. Một tiêu đề gần đây trên tờ Financial Times còn gọi đây là "món quà trời cho 1 nghìn tỷ USD" mà Fed trao tặng giới ngân hàng. Song, khoản lợi nhuận bất ngờ này phần nào chỉ phản ánh sự trở lại bình thường của biên lợi nhuận lãi suất, vốn đã chạm đáy trong giai đoạn đại dịch khi Fed hạ lãi suất thực xuống mức âm - một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.
Quả thật, việc chỉ trích các ngân hàng lớn ở Mỹ vì chậm chạp trong việc nâng lãi suất tiền gửi cho khách hàng là có cơ sở, nhất là khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn - nơi đã từ lâu đưa ra mức lãi suất hấp dẫn trên 5%. Tuy nhiên, thủ phạm thực sự ở đây không phải là việc tăng lãi suất - vốn đã mang lại lợi ích cho người gửi tiền - mà chính là vị thế độc tôn trên thị trường và đặc quyền "quá lớn để sụp đổ" của các ngân hàng lớn.
Làn sóng kêu gọi cắt giảm lãi suất, bất chấp những chỉ số kinh tế tích cực, cho thấy xã hội đã trở nên quá quen thuộc với quan niệm rằng hạ lãi suất luôn có lợi cho nền kinh tế. Song như tôi đã từng đề cập, có rất ít bằng chứng thực nghiệm ủng hộ giả định này. Ngược lại, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lãi suất thấp thường đi kèm với những hệ lụy đáng lo ngại như sự độc quyền của doanh nghiệp, bất bình đẳng tài sản, năng suất thấp và sự tích tụ quá mức đòn bẩy tài chính.
Lãi suất cao hơn đã mang đến cho chúng ta một bức tranh kinh tế đầy màu sắc: tăng trưởng GDP vượt ngưỡng 3%, trong khi người dân vừa được hưởng mức lương thực tế tăng, vừa thu về lợi nhuận kha khá từ khoản tiết kiệm. Trong bối cảnh này, Fed không nên vội vàng can thiệp bằng các đợt cắt giảm lãi suất thêm nữa.
Financial Times