Kinh tế Nhật Bản có thể suy giảm trong quý III
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Nền kinh tế Nhật Bản có thể suy thoái trong 3 tháng hè do tác động của thương mại ngăn cản đà phục hồi, một kịch bản khiến BoJ và chính phủ phải tiếp tục thận trọng đối với các biện pháp kích thích mới nhất.
Các nhà kinh tế ước tính GDP thực giảm với tốc độ hàng năm 0.4% trong quý III, so với mức tăng trưởng 4.8% trong quý trước.
Nếu số liệu đúng với dự báo thì đây sẽ quý giảm thứ sáu kể từ mùa xuân năm 2020, một kết quả kéo dài cho thấy nền kinh tế vẫn chưa ổn định khi người tiêu dùng phải vật lộn với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, một phần do đồng yên suy yếu.
Một con số mờ nhạt sẽ thuyết phục chính phủ rằng nền kinh tế cần thêm hỗ trợ để đảm bảo đà phục hồi. Đối với Ngân hàng Nhật Bản, tình hình suy thoái có thể làm trầm trọng hơn mối lo ngại rằng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chưa đủ ổn định để đứng vững trước việc chấm dứt lãi suất âm trong những tháng tới, ngay cả khi việc xoay trục chính sách có thể giúp kiềm chế lạm phát.
Dự báo suy giảm có thể được thúc đẩy chủ yếu bởi nhập khẩu phục hồi sau khi giảm mạnh trong quý II, thay vì sự cải thiện rõ rệt trong tiêu dùng trong nước và chi tiêu kinh doanh. Nhập khẩu của Nhật Bản đã giảm 4.4% trong ba tháng tính đến tháng Sáu.
Shumpei Goto, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết: “Căng thẳng chuỗi cung ứng, chẳng hạn như đối với ô tô, đã giảm bớt cho phép các công ty quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường”.
Thương mại có thể sẽ là nguyên nhân lớn nhất khiến GDP sụt giảm trong khi các yếu tố khác trong nền kinh tế phần lớn cho thấy hiệu quả hoạt động trì trệ. Chi tiêu tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 0.3%, trong khi chi tiêu vốn được kỳ vọng tăng 0.1%, sau khi giảm 1% trong quý II.
Mặc dù thời tiết nắng nóng đã thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trong mùa hè đầu tiên không có hạn chế về đại dịch, đà phục hồi dường như không đủ mạnh để bù đắp những khoản giảm ghi nhận trong quý trước. Theo một số nhà kinh tế, lạm phát gia tăng và bảng lương yếu kém đã ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chọn chi nhiều hơn để hỗ trợ người tiêu dùng và các công ty trong bối cảnh xếp hạng phê duyệt của ông tiếp tục giảm.
Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch khoản ngân sách bổ sung trị giá 13.2 nghìn tỷ JPY (87 tỷ USD) vào tuần trước để tài trợ cho gói kinh tế trị giá hơn 17 nghìn tỷ JPY của ông Kishida. Các biện pháp này tập trung vào việc cắt giảm thuế thu nhập và hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhằm giúp người tiêu dùng đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Với lạm phát dai dẳng và một số tín hiệu tiền lương tiếp tục tăng, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda gần đây ngụ ý Nhật Bản đang đạt được tiến bộ trong việc hướng tới mục tiêu lạm phát 2%. Những bình luận này đã làm dấy lên dự báo về khả năng sớm có động thái điều chỉnh chính sách từ BoJ. Tuy nhiên, kết quả GDP kém khả quan cũng có thể khiến BoJ tiếp tục chờ cho đến khi xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng hơn rằng chu kỳ tiền lương, giá cả và tăng trưởng đang được củng cố.
Đà suy yếu gần đây của đồng nội tệ là một yếu tố khác thúc đẩy lạm phát bằng cách đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao. Đồng yên đã giảm xuống còn khoảng 145 JPY đổi 1 USD trong quý III từ khoảng 138 JPY trong quý trước đó.
Ông Goto cho biết: “Đồng yên suy yếu sẽ làm xấu đi các điều kiện thương mại, khiến tiền chảy ra khỏi đất nước, gây khó khăn cho các công ty trong việc tăng lương và hạn chế tiêu dùng”.
Bloomberg