Lãi suất âm cũng chẳng thể cứu nổi nền kinh tế khỏi nợ nần
Liệu lãi suất âm có thể tránh được việc “tiếp tay” cho các khoản nợ lớn? Trở nên trầm trọng hơn do hậu quả của việc giữ chính sách tiền tệ siêu thích nghi trong thời gian quá dài, cuộc khủng hoảng COVID-19 nay đã khiến toàn bộ nền kinh tế lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất.
Để đối phó với tình huống này khi đòn bẩy công đã phá vỡ tất cả các kỷ lục trong thời bình, một số người ủng hộ tài trợ các khoản nợ thông qua lãi suất âm và việc ngân hàng trung ương mua lại trái phiếu mới phát hành. Điều này sẽ bất chấp một sự thật là lịch sử đã cho thấy việc cơ cấu lại nợ được chứng minh là phương án hiệu quả nhất để giải quyết các khoản nợ không bền vững.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, lạm phát thấp và lãi suất đã ở mức 0%, tất nhiên là các ngân hàng trung ương sẽ không thể đạt được lãi suất thực âm. Vì vậy, thay vào đó, họ có thể sẽ muốn thu lại một chút biên lợi nhuận bằng cách cân nhắc kỹ lưỡng và đưa mặt bằng lãi suất xuống dưới 0. Từ đó chính sách tiền tệ sẽ lấy lại được vai trò chèo lái truyền thống của mình, bởi nó sẽ có thể tái tạo lãi suất thực âm, dù cho thiếu đi yếu tố lạm phát.
Những người đề nghị áp dụng phương pháp này sẽ đối mặt một số lời phản đối.
Đầu tiên là bẫy thanh khoản. Khi lãi suất về âm, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng “lãnh cảm” hơn với trái phiếu để tránh “thuế” phải chịu do lợi suất âm gây ra. Một hệ quả của việc này là tiền bị dồn nén trong tiết kiệm, được tích trữ trong các loại tài sản mang tính “lỏng” cao như giấy bạc ngân hàng hoặc tài khoản tiền mặt. Những điều này hầu như không hề giúp ích gì trong việc thúc đẩy các khoản đầu tư sinh lời.
Những người ủng hộ lãi suất âm lập luận rằng cách phản ứng đối với vấn đề này là loại bỏ các loại giấy bạc có mệnh giá lớn và đảm bảo rằng các ngân hàng chuyển toàn bộ chi phí lãi suất âm cho người gửi tiền.
Nhưng liệu người gửi tiền có nên bị đánh thuế và buộc phải chi trả phần lớn chi phí phát sinh từ cuộc khủng hoảng này? Điều đó sẽ tạo ra những vấn đề kinh tế và chính trị lớn ở một quốc gia như Pháp, nơi mà tiết kiệm hộ gia đình trong lịch sử đã tài trợ khoảng 85% cho đầu tư quốc gia.
Sau đó là rủi ro lạm phát. Về lâu dài, bất kỳ chính sách tiền tệ chống suy thoái nào cũng phải loại bỏ khoảng cách giữa tăng trưởng tiềm năng và tốc độ tăng trưởng hiện đang suy thoái thông qua việc tạo ra thêm tiền. Tuy nhiên, nguy cơ gia tăng lạm phát xảy ra vẫn được coi là thấp khi xét tới quy mô lớn của cuộc khủng hoảng Covid-19, sự phục hồi chậm chạp và các yếu tố về cấu trúc như dân số “già hóa”, tình trạng thất nghiệp và mức tiến bộ công nghệ như hiện nay. Ngay cả khi lạm phát quay trở lại, vẫn sẽ có thời gian để xoay chuyển tình thế và quay trở lại với các chính sách tiền tệ truyền thống hơn.
Thật đáng ngạc nhiên, những đề xuất như vậy – vốn được thiết kế để loại bỏ đi nền tảng cơ bản của kinh tế, cụ thể là giá cả hoặc chi phí tiết kiệm - đã không xét tới một câu hỏi quan trọng: "Giá trị của đồng tiền?". Tiền chỉ dựa trên duy nhất một thứ khá mơ hồ là niềm tin. Nhưng nguy cơ mất niềm tin đó sẽ mờ nhạt đi nếu những người chịu trách nhiệm nhận lấy vai trò trở thành nhà cung cấp “hàng hóa” không giới hạn thay vì làm người bảo đảm cho sự ổn định của nó.
Hơn nữa, rủi ro đạo đức của một hệ thống mà nợ nần có thể trở thành vĩnh viễn và vô hạn, bỏ qua chất lượng tín dụng của “con nợ”, đặt ra những vấn đề chính trị và đạo đức nghiêm trọng vì nó đưa cả rủi ro và trách nhiệm lên tầm toàn quốc gia.
Lãi suất âm cũng làm tổn hại tới việc đầu tư sinh lời. Nó khuyến khích các công ty đi vay nợ trả tiền mua lại cổ phiếu thay vì đi đầu tư; cho phép các công ty “zombie” tồn tại dật đờ, làm sụt giảm năng suất tổng thể; tiếp tay cho bong bóng tài sản; xóa sạch sự phân biệt giữa các hoạt động sinh lời với các hoạt động không đem lại lợi nhuận; và để lại rất ít hoặc thậm chí không còn khác biệt giữa các con nợ chất lượng tốt hay phẩm chất tồi.
Một nền kinh tế mà lãi suất âm trong nhiều thập kỷ sẽ không thể truyền được cảm hứng cho niềm tin khởi nghiệp. Nghịch lý thay, nó sẽ tạo ra nhiều khoản tiết kiệm phòng ngừa hơn.
Việc tung tiền từ các khoản nợ chính phủ - hầu hết nợ trong số đó cuối cùng sẽ lên trên bảng cân đối của ngân hàng trung ương - cũng sẽ dẫn đến sự quốc hữu hóa của nền kinh tế và lấn át đi các hoạt động kinh tế đem lại giá trị.
Mọi người đều biết việc nợ quá mức có thể dẫn đến khủng hoảng như thế nào. Chúng ta đã phải trả giá cho quan hệ nhân quả này trong nhiều thập kỷ. Ấy vậy mà lãi suất âm đã ra tín hiệu mở cửa “xả lũ” cho cả chính phủ và khu vực tư nhân. Chính họ là một cội nguồn của những bất ổn tài chính và “giúp” tạo ra bong bóng tài sản.
Một phản ứng chính sách hợp lý hơn cho tình trạng nợ quá mức là rất rõ ràng. Thực hiện việc cơ cấu lại nợ với tinh thần hợp tác và ý thức được sự ưu tiên cho thị trường. Rà soát lại ngân sách công và ưu tiên một số chi tiêu nhất định trong tương lai, chẳng hạn như giáo dục, y tế và nghiên cứu.
Suy cho cùng, việc thực hiện các cải cách cơ cấu đã bị trì hoãn quá lâu, nhưng đây là biện pháp duy nhất có thể mang lại một tương lai lành mạnh, bền vững cho nền kinh tế.