Lạm phát - Dấu chấm hết cho dự luật kinh tế của tổng thống Biden?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Chương trình kinh tế “Build Back Better” của tổng thống Joe Biden đã bị giáng một đòn trí mạng, khi thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin đã lên tiếng phản đối dự luật chi tiêu 2 nghìn tỷ USD của chính đảng mình.
Điều này đồng nghĩa với việc kế hoạch hiện tại sẽ không còn khả thi.
Một trong những lý do khiến ông Manchin phản đối kế hoạch chi tiêu này là lạm phát.
Áp lực giá cả tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm. Kế hoạch “Build Back Better” sẽ tăng thâm hụt ngân sách thêm 260 tỷ USD, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, và chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát.
“Lạm phát không tạm thời. Nó có thật, và nó sẽ kéo dài. Điều ta cần làm là sắp xếp tài chính thật quy củ,” ông Manchin nói trong ngày Chủ Nhật.
Và không có biện pháp nào Nhà Trắng có thể đề ra để giải quyết được việc đó.
Nợ công của Mỹ sắp vượt 29 nghìn tỷ USD. Với khả năng Mỹ giảm tải được đống nợ đó vẫn còn rất xa, thâm hụt ngân sách lên tới hàng nghìn tỷ USD cũng không giúp gì.
Đây là lý do tiềm ẩn tại sao Fed lại sẵn sàng để lạm phát tăng nóng, và chần chừ thắt chặt chính sách. Lạm phát khiến những khoản nợ khó duy trì dễ duy trì hơn bằng việc hạ thấp giá trị thực của nó.
Chỉ cần lãi suất tiếp tục bị giữ dưới mức lạm phát, đi vay tiền không phải là điều khó với Mỹ. Nợ cũng rất có lợi cho giới đầu cơ trên thị trường tài chính.
Cho đến khi lãi suất không còn thấp nữa.
Sóng gió đang chuẩn bị ập lên đầu những ai đã quá phụ thuộc vào tiền rẻ từ Fed. Đến một lúc nào đó, lãi suất sẽ tăng lại, vì Fed cần hãm lạm phát, hoặc kỳ vọng lạm phát buộc thị trường phải đánh giá lại rủi ro.
Các tài sản đã đón sóng đầu cơ từ tiền rẻ này gồm cổ phiếu, bất động sản, và cả tiền ảo. Khi giai đoạn thoát nợ đến gần, những tài sản này chịu rất nhiều rủi ro bán tháo.
Ngược lại, kim loại quý nhận rất ít dòng tiền đầu cơ trong thời gian gần đây. Dù nhu cầu kim loại thực vẫn đang ổn định, giao dịch hợp đồng tương lai đang bị chi phối bởi lực bán khống từ giới đầu tư tổ chức.
Trong khi đó, phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ xa lánh vàng và bám víu với cổ phiếu & trái phiếu, cho tới khi các thị trường đó cũng sập.
Lạm phát đã gây rất nhiều áp lực lên thị trường trái phiếu. Lợi suất thực đang ở mức thấp kỷ lục: với CPI 6.8%, lợi suất danh nghĩa trái phiếu 1.4%, thì lợi suất thực chỉ là -5.4%.
Đây sẽ là một thảm họa với các trái chủ, nếu ảnh hưởng của lạm phát kéo dài. Tới giờ, cả chủ tịch Fed Powell cũng phải công nhận rằng lạm phát không còn tạm thời nữa.
Khi lạm phát bắt đầu bào mòn tài sản tài chính, sự dịch chuyển sang tài sản thực, như vàng và bạc, có thể đang không xa.
FXStreet