Lạm phát Nhật Bản đạt 4%, thị trường tiếp tục kỳ vọng BOJ thay đổi lập trường
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Chỉ số CPI của Nhật Bản chạm mức 4% lần đầu tiên sau hơn 4 thập kỷ, khiến thị trường kỳ vọng BoJ sẽ thay đổi chính sách tiền tệ khi giá cả tăng với tốc độ gấp đôi mục tiêu
Theo báo cáo CPI được công bố hôm thứ Sáu, chỉ số lạm phát không bao gồm thực phẩm tháng 12 đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả đúng với ước tính của các nhà kinh tế, với chi phí năng lượng và thực phẩm dẫn đầu đà tăng. Giá thực phẩm chế biến tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1976, trong khi giá điện và gas đều tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù mức tăng cao nhất kể từ năm 1981 có thể khiến một số nhà đầu cơ kỳ vọng vào khả năng BoJ xoay trục chính sách trong ngắn hạn, nhưng kết quả phần lớn phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế và ngân hàng trung ương.
Các nhà kinh tế cho rằng kết quả này sẽ không làm thay đổi quan điểm của Thống đốc Haruhiko Kuroda rằng lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt. Các nhà kinh tế dự đoán giá cả sẽ tăng chậm lại do các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ làm giảm chi phí năng lượng trong những tháng tới. Họ nói rằng dữ liệu CPI tháng 12 hoặc tháng 1 có thể sẽ là mức đỉnh.
Toru Suehiro, nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Securities, cho biết: “Ông Kuroda còn vài tháng nữa là hết nhiệm kỳ và BoJ sẽ tiếp tục duy trì khung chính sách hiện tại, nhưng không loại trừ hoàn toàn khả năng họ sẽ thay đổi chính sách.”
BoJ đã công bố triển vọng giá cả cập nhật sau cuộc họp chính sách hôm thứ Tư, nâng quan điểm lạm phát cho năm tài chính hiện tại lên 3%, trong khi giữ nguyên mức lạm phát trong hai năm tới dưới 2%.
Tuy nhiên, việc giá cả tăng cao kéo dài sẽ làm thị trường lo ngại rằng BoJ đã đánh giá thấp sức mạnh của lạm phát, khiến họ có thể xem xét lại định hướng chính sách.
Các nhà kinh tế nhận định BoJ sẽ thay đổi chính sách vào cuộc họp đầu tiên hoặc thứ hai của thống đốc mới sẽ kế nhiệm Kuroda vào tháng Tư. Thị trường dự đoán rằng sự thay đổi vẫn có thể xảy ra trước thời điểm đó.
Jeff Ng, chiến lược gia tại MUFG Bank, nhận xét về dữ liệu tháng 12: “Điều này có thể sẽ thị trường kỳ vọng BoJ có nhiều động thái hơn để thay đổi chính sách siêu nới lỏng.”
Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá năng lượng, cũng lần đầu tiên đạt 3% kể từ năm 1991, phản ánh mức độ tăng giá đã lan rộng không chỉ ở thị trường dầu khí.
Xu hướng đó đã và đang tạo áp lực cho các doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát của Teikoku Databank cho thấy hơn 300 công ty Nhật Bản đã phá sản vào năm ngoái do chi phí tăng cao. Việc giá mua tăng cao và khó phản ánh những chi phí đó cho khách hàng đã đẩy các công ty vào tình trạng phá sản.
Áp lực do chi phí gia tăng có thể khiến các công ty khó đạt mức tăng lương mà BoJ cần để tiến tới bình thường hóa chính sách.
Takeshi Minami, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cho biết: “Tôi tự hỏi liệu có thể tăng lương trong những tình trạng này, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.”
Tuy nhiên, gói kích thích kinh tế của Thủ tướng Fumio Kishida, trị giá 39 nghìn tỷ JPY (303 tỷ USD), có thể bắt đầu có tác động vào đầu năm nay.
Gói kích thích này bao gồm nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát, trong đó có trợ cấp nhằm giảm khoảng 20% hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình.
Tepco, nhà cung cấp điện chính cho khu vực Tokyo và nhiều khu vực khác, đã công bố giá điện tháng Hai giảm 20% so với tháng Một. Điều đó chỉ ra rằng các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ kiềm chế lạm phát trên toàn quốc từ tháng Hai. Dữ liệu đó sẽ không ảnh hưởng đến cuộc họp chính sách của BoJ vào tháng Ba.
Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Itochu, cho biết: “Điều quan trọng là khi nào lạm phát sẽ đạt đỉnh. Tôi hy vọng chi phí sẽ đạt mức cao nhất vào tháng Một và sau đó dữ liệu CPI sẽ chậm lại.”
Bloomberg