Làm thế nào để được tham gia vào G7?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Có vẻ như đội hình các nền kinh tế lớn với giá trị dân chủ đang bắt đầu lỗi thời.
Ban đầu G7 chỉ là G6. Những người sáng lập gồm tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing và thủ tướng Đức Helmut Schmidt. Vào năm 1975, bốn nền kinh tế lớn - Mỹ, Anh, Ý và Nhật Bản - cùng tham gia và họp tại Château de Rambouillet gần Paris để bàn luận về kinh tế thế giới, lúc đó bị trì trệ bởi thất nghiệp, lạm phát và thiếu hụt năng lượng. Năm 1976, Canada gia nhập và nhóm G7 chính thức được hình thành. Tình hình đã thay đổi rất nhiều giữa cuộc họp Rambouillet và hội nghị thượng đỉnh G7 thứ 47 tại Cornwall vào ngày 11-13/6, nhưng vẫn luôn tồn tại một câu hỏi: ai được gia nhập "mâm trên" này?
Một điều thường gây khó hiểu là ảnh tập thể tại các hội nghị có chín lãnh đạo thay vì bảy, vì chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu cũng tham dự. Các thành viên cần có hai điểm chung: có nền kinh tế lớn và có các giá trị dân chủ. Điều này để lại nhiều tranh cãi nước nào nên được thêm vào. Nhiều người nghĩ Tây Ban Nha cũng nên được gia nhập, khi GDP nước này vượt Canada, nhưng quyết định cho ai vào phải được đồng thuận bởi tất cả, và các lãnh đạo không thích sự chật chội. Năm 1998, G7 mở rộng thành G8 khi Nga được cho là trên đường trở thành một nước dân chủ - nhưng lại trở về G7 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, tinh gọn không đồng nghĩa với gắn kết. Năm 2018, trong một hội nghị nhiều chia rẽ, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump xúc phạm chủ nhà Justin Trudeau, và từ chối ký thông cáo chung, bàn tán về “G6+1” nổi lên.
Tổng thống Trump cũng phàn nàn rằng các tư cách thành viên G7 cũng rất lỗi thời. Ông ấy đúng. Vào năm 1975, các nước này chiếm 70% GDP toàn cầu; đến giờ đã co lại chỉ còn khoảng 40%. Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2009, nhóm G20, bao gồm cả những nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ, có vẻ phù hợp và mang tính đại diện hơn. Các chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G7 mỗi năm lại phải mời thêm khách mời quan trọng để bù đắp cho ảnh hưởng suy yếu của nhóm này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời nhiều lãnh đạo châu Phi trong hội nghị 2019 tại Biarritz. Tại Cornwall, thủ tướng Anh Boris Johnson mời lãnh đạo ba nước dân chủ tại Châu Á - Thái Bình Dương: Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Điều này có thể hé lộ tương lai cho G7. Dù nó có chính thức trở thành D10 (D là viết tắt cho Democracy - Dân chủ) hay không, những giá trị chung trước thách thức từ Trung Quốc có thể mang tới một mục đích mới. Hơn nữa với tổng thống Joe Biden, nước Mỹ một lần nữa có một tổng thống tin vào những giá trị này và sức mạnh của hợp tác. G7 vẫn còn khả năng thiết lập nghị sự toàn cầu, như đặt ra thuế doanh nghiệp tối thiểu. Nhưng những năm gần đây đang cho thấy rằng, khi bắt đầu già cỗi và bệnh tật, G7 sẽ phải để ý tới sức khỏe của mình.
The Economist