Lịch sử nói lên điều gì về những đợt bùng nổ kinh tế hậu đại dịch?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Chúng đều có điểm chung là: người dân tiêu dùng nhiều hơn, chấp nhận nhiều rủi ro hơn - và quan trọng hơn cả, yêu cầu nhiều hơn từ các chính trị gia.
Dịch tả đầu những năm 1830 đã làm Pháp kiệt quệ: 3% dân số Paris tử vong chỉ trong 1 tháng, và bác sĩ không thể giải thích được căn bệnh đang làm quá tải các bệnh viện. Sau đại dịch đó, Pháp đã hồi phục và theo bước Anh với cuộc cách mạng công nghiệp. Nhưng nếu đọc cuốn “Những người khốn khổ”, ta sẽ biết thêm là đại dịch cũng khơi mào một cách mạng khác. Những người nghèo, chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh, đã đứng lên chống lại những kẻ giàu có, những người đã di tản khỏi đất nước của mình để tránh lây nhiễm. Bất ổn chính trị sau đó đã đảo lộn Pháp suốt nhiều năm.
Ngày nay, kể cả khi Covid-19 vẫn đang hoành hành ở các nước chưa phát triển, các nước lớn đang đứng trước ngưỡng cửa bùng nổ kinh tế hậu đại dịch. Khi số lượng người nhập viện và tử vong đang giảm nhờ vắc xin, các chính phủ bắt đầu nới lỏng các lệnh giới nghiêm. Nhiều nhà dự báo cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng 7% năm nay, cao hơn lúc trước đại dịch tới 5%. Các quốc gia khác cũng đang tăng trưởng nhanh bất thường (như trên đồ thị). Phân tích dữ liệu GDP của các nước G7 từ năm 1820 cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh và đều như thế là rất hiếm, và chưa xảy ra kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Tình hình này lạ tới nỗi các kinh tế gia phải nhìn vào lịch sử để biết xem nên trông đợi điều gì tiếp theo. Ghi chép cho thấy, sau mỗi đợt gián đoạn phi tài chính (như chiến tranh, đại dịch), GDP trên thực tế có hồi phục. Nhưng đồng thời nó lại đưa ra 3 bài học nữa. Thứ nhất, khi con người có xu hướng ra ngoài và tiêu thụ, sẽ tồn tại sự lưỡng lự trong 1 khoảng thời gian. Thứ hai, đại dịch đã khuyến khích người dân và doanh nghiệp tìm những cách thức mới để hoạt động bằng cách làm đảo lộn cấu trúc của nền kinh tế. Thứ ba, như “Những người khốn khổ” đã cho thấy, đại dịch kéo theo biến động chính trị, cùng với đó là hậu quả kinh tế khó lường.
Trước hết hãy nhìn vào chi tiêu dùng. Bằng chứng từ những đại dịch trước cho thấy trong giai đoạn đỉnh điểm, người dân đã hành động như với dịch Covid: tiết kiệm nhiều hơn vì không có cơ hội chi tiêu và rủi ro khi đi ra ngoài là rất lớn. Vào đợt bùng phát đậu mùa nửa đầu thập kỷ 1870, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở Anh tăng gấp đôi. Điều tương tự cũng xảy ra với Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành những năm 1919-1920, người Mỹ dự trữ tiền nhiều hơn tất cả các năm sau đó, đến khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, và tiết kiệm tăng mạnh trở lại, các gia đình có số dư tiết kiệm trị giá khoảng 40% GDP.
Lịch sử cũng cho thấy người dân sẽ làm gì khi cuộc sống bình thường trở lại. Chi tiêu tăng, xúc tác cho việc làm hồi phục, nhưng lại có ít bằng chứng về “những cuộc vui quá mức”. Quan niệm phổ biến cho rằng sau Cái chết Đen, dân tình châu Âu tổ chức “các cuộc thác loạn” rất có thể là hư cấu, còn những năm 1920 thì trầm lắng hơn rất nhiều. Vào đêm giao thừa năm 1920, khi cúm Tây Ban Nha đã không còn là mối nguy hại, phố Broadway và Quảng trường Thời đại lại tấp nập như thường, dù nước Mỹ trông như là 1 quốc gia ốm yếu. Một báo cáo gần đây của Goldman Sachs ước lượng rằng dân Mỹ chỉ tiêu khoảng 20% số tiền tiết kiệm của họ thời kỳ 1946-49. Lượng tiêu thụ tăng thêm đó đã làm bùng nổ kinh tế hậu chiến tranh, dù các báo cáo tình hình của chính phủ vẫn đầy nỗi lo trì trệ (và trên thực tế đã xảy ra suy thoái vào năm 1948-49). Tiêu thụ bia đã giảm trong những năm đó. Thái độ cẩn trọng của người tiêu dùng có thể là lý do tại sao lạm phát tăng mạnh.
Bài học lớn thứ hai từ bùng nổ kinh tế hậu đại dịch liên quan đến bên cung của nền kinh tế. Dù nhìn chung dân tình ít tham gia các hoạt động giải trí vô nghĩa hơn, một số lại dám thử những cách kiếm tiền mới. Các sử gia cũng cho rằng Cái chết Đen cũng làm dân châu Âu ưa phiêu lưu hơn. Nhảy lên 1 con tàu và đi tới những vùng đất mới có vẻ còn an toàn hơn khi hàng triệu người đang chết ở quê nhà. Trong cuốn sách “Mũi tên của Apollo”, Nicholas Christakis từ Đại học Yale cho rằng đại dịch cúm Tây Ban Nha đã tăng khả năng chịu rủi ro của người Mỹ, và trên thực tế, một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ năm 1948 cho thấy số lượng start-up tăng đột biến vào năm 1919. Ngày nay khởi nghiệp đang trỗi dậy trở lại tại các nước phát triển khi các doanh nhân muốn lấp đầy những khoảng trống của thị trường.
Một số kinh tế gia khác lại rút ra liên kết giữa đại dịch và thay đổi trong công nghệ tiết kiệm lao động. Các ông chủ sẽ muốn hạn chế lây lan bệnh, và robot không thể bị ốm. 1 nghiên cứu bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy những đại dịch gần đây như Ebola hay SARS đã thúc đẩy việc sử dụng robot, đặc biệt khi ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế là rất lớn. Thập kỷ 1920 cũng là thời kỳ tự động hóa nhanh tại Mỹ, đặc biệt ở mảng viễn thông, một trong những công việc phổ biến nhất của phụ nữ trẻ thập kỷ 1900. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy liên hệ giữa Cái chết Đen và máy in của Johannes Gutenberg. Vẫn chưa có bằng chứng xác thực về bùng nổ tự động hóa do Covid-19, nhưng nhiều câu chuyện về robot cũng đã xuất hiện.
Việc tự động hóa có thể tăng thất nghiệp hay không là 1 vấn đề khác. Một số nghiên cứu lại cho thấy người lao động làm việc tốt hơn sau đại dịch, như Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco phát hiện ra tiền lương có xu hướng tăng. Trong trường hợp khác, đây lại là 1 cơ chế đáng sợ, và đáng buồn: bệnh tật đã tiêu diệt người lao động, khiến những ai còn sống có vị thế tốt hơn.
Tuy nhiên, lương tăng lại cũng có thể do thay đổi chính trị, và đây là bài học cuối cùng: Khi dân tình chịu khổ, thái độ của các chính trị gia có thể chuyển hướng về người lao động. Điều này đang xảy ra với đại dịch lần này: các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã bớt quan tâm đến nợ công hay hạn chế lạm phát để tập trung cho việc giảm thất nghiệp. Theo 3 học giả từ Trường Kinh tế London, Covid-19 đã làm châu Âu phản đối việc bất bình đẳng hơn.
Những áp lực này đã từng dẫn đến rối loạn chính trị. Các đại dịch đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng trong xã hội, khiến những người chịu khổ tìm lại công bằng cho mình. Dịch Ebola những năm 2013-16 đã gia tăng bạo động dân sự ở Tây Phi tới tận 40%. Nghiên cứu về ảnh hưởng của 5 đại dịch gần đây (bao gồm Ebola, SARS và Zika) tại 13 quốc gia từ IMF phát hiện bất ổn xã hội tăng mạnh. Theo các nhà nghiên cứu IMF, “hoàn toàn có thể tin rằng khi dịch trùng xuống, bất ổn chính trị sẽ thay thế nó ở những tâm dịch”. Bất ổn xã hội thường lên đến đỉnh điểm sau 2 năm đại dịch kết thúc. Hãy tận hưởng bùng nổ kinh tế khi nó vẫn còn - vì sớm muộn mọi thứ có thể đảo ngược hoàn toàn.
The Economist