Mở cửa trở lại: cơ hội cho Nhật Bản làm mới mình
Nguyễn Thanh Thùy Dung
Junior Analyst
Trong bối cảnh mức giá JPY gần như rẻ nhất trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản đang chuẩn bị mở cửa trở lại biên giới, nhưng họ nên suy nghĩ về loại hình quốc gia du lịch mà họ muốn trở thành.
Nhật Bản có vẻ như cuối cùng cũng có thể mở cửa biên giới sau quãng thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh.
Sau một loạt những lần mở cửa biên giới nửa vời, để lại vô vàn sự thất vọng, một báo cáo hôm thứ 2 cho biết Nhật Bản hứa hẹn sẽ loại bỏ hầu hết các hạn chế đối với khách du lịch. Nếu thành hiện thực, các kế hoạch, bao gồm miễn visa cho những người đã tiêm 3 mũi vaccine Covid-19, tăng giới hạn số lượng khách nhập cảnh hàng ngày và cho phép khách du lịch trực tiếp đặt phòng mà không cần thông qua đại lý du lịch, sẽ giúp việc nhập cảnh vào Nhật Bản trở nên dễ dàng hơn, giống như hồi năm 2019.
Đó là một quyết định cần thiết và đã được kì vọng từ quá lâu từ Thủ tướng Fumio Kishida, người vốn nổi tiếng thận trọng. Nhật Bản đang có cơ hội để bình thường hóa các biện pháp kiểm soát biên giới, thứ sẽ khó lòng xuất hiện lại sớm. Hiện tại, số lượng các ca mắc Covid và cái nóng gay gắt của mùa hè đều đang lắng xuống, mở đường cho mùa thu, thời điểm sự miễn dịch tự nhiên và vaccine sẽ là giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Sự suy yếu của JPY cũng tạo ra động lực, khi đồng tiền này vẫn giao dịch gần mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng bạc xanh. Với lạm phát tương đối ổn định, khách du lịch thanh toán bằng USD có thể mong đợi một số mức giá rẻ đáng kinh ngạc ở một quốc gia nơi chi phí cho việc ăn uống ở ngoài vốn đã hết sức hợp lý.
Từng cam kết vào tháng 5 rằng sẽ khiến cho việc nhập cảnh vào Nhật Bản cũng sẽ dần dần trở nên dễ dàng như các nước G-7 khác, Kishida nên được ghi nhận vì một quyết định táo bạo và có khả năng không được ủng hộ, vào thời điểm tỷ lệ tín nhiệm của ông đang sụt giảm. Một cuộc thăm dò của Asahi hôm chủ nhật cho thấy những người không tán thành nội các của ông nhiều hơn những người ủng hộ ông, 47% so với 41%.
Kishida đã đề cập đến việc tận dụng sự suy yếu của JPY trong một quyết định trước đó nhằm nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới vào mùa hè này. Động thái khôi phục việc miễn visa có thể được công bố trong tuần này, cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng đến tiền tệ; với việc nhiều người mua JPY có thể hỗ trợ để ngăn chặn đà trượt giá của nó.
Trong khi Nhật Bản dần dần cho phép nhiều khách nước ngoài tới du lịch hơn, những người mới nhập cảnh vẫn cần visa trong bối cảnh các đại sứ quán và lãnh sự quán thường không có đủ nhân viên hỗ trợ khi nhu cầu tăng đột biến. Việc miễn visa là chìa khóa và là yếu tố kích cầu du lịch của Nhật Bản trong những năm 2010, tạo ra một động cơ tăng trưởng kinh tế mới.
Sự thúc đẩy của Nhật Bản đối với khách du lịch toàn cầu là một trường hợp hiếm hoi về chính sách của chính phủ đạt thành công rực rỡ, lần đầu tiên biến đất nước này thành một điểm đến du lịch đại chúng. Mục tiêu ban đầu là đạt được 20 triệu du khách vào năm 2020 thậm chí đã thành công trước 5 năm, với con số năm 2019 gần gấp đôi con số dự tính ban đầu . Việc xây dựng khách sạn và công viên giải trí bùng nổ; các chính trị gia liên tục thể hiện tham vọng đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hàng đầu thế giới như Pháp, quốc gia đón 90 triệu du khách mỗi năm.
Covid đã làm chậm lại viễn cảnh đó. Nhưng bản thân nó đã tạo cơ hội cho Nhật Bản, tận dụng thời kỳ hậu covid và sự suy yếu của JPY để chuyển sang một chiến lược thông minh hơn.
Du khách sẽ yêu thích 1 đồng yên yếu, nhưng bản thân người Nhật có lẽ không hài lòng với điều này. Ngay cả trước Covid, tình trạng tắc nghẽn và xả rác trên những con phố cổ kính của Kyoto đã trở thành biểu tượng cho những mặt trái của quá tải du lịch. Với số lượng khách du lịch dày đặc ở các khu vực di sản văn hóa và các điểm tham quan, Kyoto đã phải đối mặt với vấn đề quá tải tương tự như các thành phố Barcelona hay Venice, vốn đang cố gắng giải quyết vấn đề bằng thuế du lịch. Trước đại dịch, một bộ phận cư dân bản địa thực tế đã bày tỏ thái độ không mấy thiện cảm trước những dòng khách du lịch hỗn độn.
Năng lực của các hãng hàng không có thể sẽ làm hạn chế lượng khách du lịch quay trở lại như ban đầu; trong bối cảnh khách Trung Quốc chiếm hơn một phần ba số du khách trước đại dịch, vẫn không có khả năng quay trở lại do yêu cầu kiểm dịch nội địa của nước họ. Vì vậy, khi mở cửa với thế giới, Nhật Bản có thể bắt đầu thay đổi kỳ vọng.
Thay vì tập trung vào số lượng du khách hàng năm tuyệt đối, Nhật Bản nên nỗ lực nhiều hơn để khai thác giá trị từ những người du lịch. Mức chi tiêu trung bình của mỗi khách du lịch chỉ đạt 159 000 JPY ( tương đương 1,113 USD) vào năm 2019. Trong những năm tới, các chính sách nên được tập trung xây dựng để khuyến khích nhiều cá nhân giàu có, những người có thể chi trả cho những kỳ nghỉ dài ngày (và đắt đỏ).
Việc thúc đẩy du lịch khám phá địa phương là rất quan trọng để tránh các tình huống như ở Kyoto. Khách du lịch nên được khuyến khích đến thăm các nơi khác, không chỉ Kyoto, Osaka và Tokyo, và Nhật Bản nên làm cho điều này trở nên dễ dàng nhất có thể. Các nhà hoạch định chính sách cũng nên suy nghĩ về loại điểm đến và trải nghiệm mà người nước ngoài muốn, thay vì chỉ cung cấp những điểm đến được du khách trong nước ưa thích, những người thường lớn tuổi và thích các chuyến đi ngắn. Nhật Bản vẫn đang thiếu các khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới, trong khi kế hoạch xây dựng sòng bạc từ thời Shinzo Abe đã bị đình trệ trong nhiều năm.
Khó khăn đang ở phía trước. Mặc dù Nhật Bản không có luật bắt buộc phải đeo khẩu trang, nhưng xã hội vẫn duy trì kỳ vọng và du khách nước ngoài không đeo khẩu trang chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm bàn tán. Có thể đoán trước việc cộng đồng y tế sẽ phản đối việc mở cửa hoàn toàn đất nước, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh sẽ gây ra nhiều ca mắc. Và rất có thể sự xuất hiện của một biến thể mới khác vào mùa đông sẽ khiến đất nước rơi lại vào tình huống xấu. Nhưng hiện tại, những du khách tiềm năng có thể trải nghiệm lại được một điều bình thường như trước đại dịch: quên đi những nhiêu khê của thủ tục xin visa và thay vào đó tập trung vào thời điểm tốt nhất để đổi sang đồng yên.
Bloomberg