Mức 3,000 USD sẽ không phải là đích đến cuối cùng của vàng
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Việc Fed cắt giảm 0.50 điểm phần trăm lãi suất điều hành đã đẩy giá vàng chạm mốc $2,620/ounce, và dự kiến đà tăng của vàng sẽ còn tiếp tục do khả năng Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất và nới lỏng định lượng. Tỷ lệ cơ sở tiền tệ so với vàng cũng cho thấy vàng đang bị định giá thấp. Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị, chẳng hạn như căng thẳng Mỹ-Trung-Nga và xung đột Trung Đông, có thể giúp giá vàng đạt mốc $5,200 vào năm 2025.
Một trong những sự kiện kinh tế quan trọng nhất trong thời gian gần đây là việc Fed cắt giảm lãi suất điều hành đi 0.50 điểm phần trăm. Phản ứng với hành động đó, vàng đã tăng giá mạnh mẽ và đạt mức đỉnh $2,600/ounce. Một số nhà kinh tế dự báo rằng kim loại quý sẽ chinh phục mốc $3,000 vào giữa năm 2025. Theo Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại Citi Research khu vực Bắc Mỹ, kim loại quý sẽ chinh phục mốc $3,000 vào giữa năm 2025. Theo tôi, dự báo này quá thận trọng. Mọi loại tài sản, bao gồm cả vàng, đều tồn tại hai loại giá: giá cả trên thị trường mà nó đang được giao dịch và giá trị nội tại mà nó nên được giao dịch. Bất chấp đợt tăng giá vừa qua, vàng vẫn còn có thể chinh phục nhiều đỉnh cao hơn nữa.
Trong bài viết trước đây của tôi về vàng, tôi đã viết rằng giá vàng vẫn không thay đổi bất chấp việc căng thẳng địa chính trị suy yếu và lạm phát vượt quá mục tiêu của Fed. Những yếu tố này đã không khiến vàng giảm giá trị. Dữ liệu chi tiêu của người tiêu dùng được công bố vào thời điểm đó cho thấy nền kinh tế Mỹ không chậm lại, khiến Fed không có lý do gì để nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy vậy, tình hình hiện đã khác. Dữ liệu kinh tế vĩ mô gần đây cho thấy nền kinh tế đang chậm lại. Ngoài ra, lạm phát giảm đã cho phép Fed nới lỏng mạnh tay. Ngay trước cuộc họp của Fed, tôi đã dự báo rằng việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản là điều có thể xảy ra.
Tại sao vàng đang tiếp cận mức đỉnh mọi thời đại?
Trước đó, kể từ tháng 7, vàng đã có một đợt tăng giá không thể ngăn cản.
Biểu đồ giá vàng (XAU/USD)
Nhưng nhịp tăng của kim loại quý này trong những ngày gần đây đến từ quyết định cắt giảm lãi suất của Fed vào thứ Tư tuần trước.
Đồng thời, điều đáng chú ý là hầu hết các nhà đầu tư đều mua vào dựa trên kỳ vọng. Họ không quá quan tâm đến điều kiện thị trường hiện tại hoặc tin tức gần đây. Thay vào đó, họ đầu tư cho tương lai. Ngay ở thời điểm hiện tại, thị trường kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất. Mặc dù vậy, điều này có vẻ kỳ lạ, bởi vì Fed không mong đợi thời đại tiền rẻ sẽ xuất hiện. Theo cuộc họp báo của Jerome Powell, Mỹ "sẽ không quay trở lại" mức lãi suất cực thấp hoặc tình trạng sở hữu hàng nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ được giao dịch ở mức lãi suất âm. Mặc dù Powell cảm thấy lãi suất trung lập có khả năng cao hơn đáng kể so với trước đây, nhưng ông vẫn chưa chắc chắn nó cao đến mức nào. Nhưng điều này mâu thuẫn với thực tế rằng Fed đã khá mạnh tay trong lần cắt giảm lãi suất đầu tiên. Một trong những thành viên của FOMC, cụ thể là Thống đốc Fed Michelle Bowman, là người đã phản đối cắt giảm 50 điểm cơ bản và ủng hộ mức cắt giảm 25 điểm. Vì vậy, đối với tôi, có vẻ như lần cắt giảm này mới chỉ là khởi đầu. Và do lãi suất hiện tương đối cao, nhiều đợt cắt giảm lớn có thể vẫn tiếp tục diễn ra.
Cũng đừng quên rằng Fed có thể thực hiện các biện pháp khác để nới lỏng chính sách tiền tệ đến mức cực đoan. Trong đó phải kể đến QE (nới lỏng định lượng) hoặc in tiền, nếu nói một cách đơn giản. Khi đó, Fed mua lại trái phiếu kho bạc để bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế Mỹ. Điều này đã được thực hiện một cách dồn dập trong cuộc khủng hoảng năm 2008 và cả trong đại dịch Covid-19. Cũng có khả năng Fed cuối cùng vẫn phải làm điều này trong chu kỳ nới lỏng hiện tại. Vì vậy, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, trong vài năm tới, vàng sẽ tiếp tục tăng giá bởi vì mối tương quan giữa kim loại quý này và lãi suất.
Tương quan giữa lợi suất trái phiếu có kỳ đáo hạn ổn định kỳ hạn 10 năm và giá vàng (Nguồn: Sunshine Profit)
Bây giờ chúng ta hãy nói về tiềm năng của vàng trong vài năm tới của chu kỳ nới lỏng.
Tại sao mức $3,000 lại quá thấp đối với vàng?
Cá nhân tôi cho rằng con số $3,000/ounce mà nhiều nhà kinh tế dự đoán sớm nhất là vào giữa năm 2025 là quá thận trọng. Tại sao lại như vậy, và làm thế nào để người ta có thể ước tính giá trị hợp lý của vàng, khi nó không tạo ra bất kỳ dòng tiền nào? Câu trả lời ở đây đó là tỷ lệ cơ sở tiền tệ (hay ở đây là cung tiền M2) trên vàng, cho thấy mối quan hệ giữa khối lượng tiền và giá vàng. Nếu tỷ lệ này cao, có nghĩa là vàng bị định giá thấp so với khối lượng tiền. Tuy nhiên tình hình hiện tại lại không rõ ràng như vậy. Tỷ lệ này hiện không cao như những năm 1970 hay đầu những năm 2000, nhưng cũng không thấp như năm 1980 hay năm 2011. Có thể nói chỉ số này đang ở mức trung bình, nghĩa là vẫn có thể giảm hơn nữa.
Tỷ lệ cung tiền M2/giá vàng (Nguồn: Seeking Alpha)
Nhưng thực tế nếu tính tới điều kiện thị trường hiện nay, với mặt bằng lãi suất đang ở gần mức cao nhất trong thập kỷ vàng có thể tăng giá hơn nữa. Khi lãi suất cao như vậy, có nghĩa là lượng tiền trong lưu thông đang không quá nhiều. Vì vậy, giả sử tỷ lệ này ở mức 5 (mức tỷ lệ vào năm 2011), trong khi mức hiện tại là 10, thì vàng sẽ tăng giá gấp đôi, tương ứng với mức $5,200/ounce. Lý giải cho hiện tượng này là do khi đó lượng tiền trong lưu thông sẽ tăng đáng kể, từ đó làm tăng tỷ lệ, giúp vàng tăng giá.
Lãi suất hiệu lực của Fed (Lãi suất trung bình mà các ngân hàng tại Mỹ sử dụng để cho vay liên ngân hàng qua đêm)
Những yếu tố hỗ trợ khác
Ngoài một loạt các đợt cắt giảm lãi suất và nới lỏng định lượng có thể xảy ra, vẫn còn có một vài yếu tố có thể khiến vàng tăng vọt.
Trước hết, đó là căng thăng địa chính trị. Tôi muốn nói đến bất kỳ xung đột chính trị lớn nào, chiến tranh, chiến tranh thương mại và căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia. Ví dụ, có thể có mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga. Ngoài ra, xung đột giữa Gaza và Israel có thể khiến nhiều quốc gia khác nhảy vào. Nhất là sau vụ nổ máy nhắn tin của các nhà lãnh đạo Hezbollah, căng thẳng tại khu vực này vẫn có khả năng leo thang hơn nhẵ
Tiếp theo, USD cũng có khả năng sẽ mất vị thế thống trị trong việc trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Một số quốc gia, bao gồm Ả Rập Saudi và khối BRICS, đang ngừng việc sử dụng USD trong các giao dịch của mình, làm giảm nhu cầu đối với đồng bạc xanh, từ đó làm giảm tầm quan trọng của nó. Trong tương lai, một đồng tiền quốc tế có thể sẽ được tạo ra và sẽ được đảm bảo bởi vàng như một đơn vị kế toán. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.
Rủi ro
Bây giờ, hãy để tôi nói về một số rủi ro có thể xảy ra.
Luôn là một ý tưởng tồi khi mua một tài sản nào đó ở mức đỉnh mọi thời đại. Vàng hiện tại vẫn giữ quanh mức đỉnh đó bởi vì mọi người đều mong ngóng một chu kỳ nới lỏng mạnh mẽ. Nhưng quá trình nới lỏng có thể không diễn ra mạnh như họ mong đợi. Vì vậy, các nhà đầu tư thất vọng với điều đó có thể hạ vị thế của họ đối kim loại quý này.
Nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra và thị trường bắt đầu hoảng loạn, giá vàng ban đầu có thể giảm do đồng USD sẽ mạnh lên, mặc dù chỉ trong ngắn hạn. Sau khi hầu hết các loại tài sản mất giá, Fed sẽ bắt đầu nới lỏng thậm chí còn mạnh mẽ hơn, điều này sẽ khiến tài sản tăng giá trở lại.
Một rủi ro nữa có thể xảy ra là chu kỳ kinh tế - khoảng thời gian giữa các cuộc suy thoái - sẽ kéo dài hơn cả những gì hầu hết các nhà phân tích dự đoán. Nói cách khác, Fed sẽ thành công trong việc tránh suy thoái và sẽ khiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn so với dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế vĩ mô. Vì vậy, Fed sẽ không phải thực hiện các biện pháp bổ sung như QE (nới lỏng định lượng) để cải thiện các chỉ số kinh tế. Điều này sẽ có nghĩa là mức lợi nhuận hạn chế (không cao như mong đợi) đối với vàng.
Kết luận
Tóm lại, tôi muốn nói rằng vàng còn nhiều dư địa để tăng giá. Mức giá $2,600/ounce hiện tại chỉ là khởi đầu. Ngay cả mức $3,000 cũng sẽ bị chinh phục dễ dàng trong thời gian ngắn bởi vì chu kỳ nới lỏng dường như mới chỉ bắt đầu. Thêm vào đó là việc tỷ lệ cơ sở tiền tệ trên vàng không ở mức cao nhất mọi thời đại trong khi mặt bằng lãi suất vẫn còn rất cao. Ngoài ra, các yếu tố khác hỗ trợ cho vàng bao gồm bất ổn địa chính trị và việc USD mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Seeking Alpha