Ngân hàng Mỹ khuyên doanh nghiệp 'đừng gửi tiền'
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
"Ngập" trong tiền gửi của doanh nghiệp nhưng không thể cho vay, khiến một số ngân hàng Mỹ bắt đầu vận động khách hàng chi tiêu hoặc chuyển tiền đi nơi khác.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra năm ngoái, lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ chạy đua huy động tiền. Từ đó đến nay, các ngân hàng vẫn giữ lượng tiền mà doanh nghiệp huy động và gửi vào. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại ngại vay tiền khiến các nhà băng không thể biến số tiền này thành các khoản vay mang lại thu nhập.
Kết quả, lợi nhuận biên của ngân hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Một số nhà băng thậm chí đã bắt đầu vận động khách hàng doanh nghiệp chi tiêu cho hoạt động kinh doanh hoặc chuyển tiền đi ngân hàng khác.
Theo một số người làm việc trong ngành ngân hàng, họ từng nghĩ rằng kinh tế cải thiện sẽ khiến động lực giữ tiền của các doanh nghiệp giảm đi. Nhưng trên thực tế, tiền gửi của doanh nghiệp vào ngân hàng vẫn tăng trong những tuần gần đây. Giám đốc tài chính nhiều doanh nghiệp cho biết, họ gửi tiền vào ngân hàng vì lo sợ tác động tiêu cực của đại dịch, cũng như không sẵn sàng cho những thay đổi lớn. Thậm chí, nếu họ kiếm được rất ít hoặc không kiếm được đồng tiền lãi nào thì vẫn gửi ngân hàng.
Giám đốc tài chính công ty viễn thông Verizon Communications – ông Matthew Ellis cho hay: "Chúng tôi đã hoạt động với cán cân tiền mặt cao hơn trong 12 tháng qua. Cho đến giờ chưa có quyết định nào liên quan đến việc khi nào sẽ giảm nó xuống". Tính đến cuối quý 1, Verizons nắm 10,2 tỷ USD tiền mặt và tương đương tiền, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty đối thủ của Verizon Communications là AT&T cũng có quan điểm giữ tiền tương tự. Theo quản lý tài chính của AT&T - ông Pascal Desroches, công ty không có ý định chuyển tiền mặt sang các hạng mục đầu tư khác để kiếm lợi suất cao hơn.
Thời kỳ đại dịch mới bắt đầu, doanh nghiệp Mỹ ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng. Tháng 3/2020, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất xuống mức gần 0% và khởi động chương trình mua trái phiếu. Trong bối cảnh này, nhiều công ty đã có thể huy động được tiền với mức chi phí thấp. Bộ Tài chính Mỹ đồng thời cũng cho vay ra, chủ yếu hỗ trợ cho các hãng hàng không.
Sang đến năm 2021, tiền gửi vào các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng chóng mặt. Tính từ cuối tháng 3 đến ngày 26/5, tiền gửi của doanh nghiệp vào ngân hàng tăng thêm 411 tỷ USD, lên 17,09 nghìn tỷ USD, theo số liệu của Fed. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi này thấp hơn so với mùa xuân năm ngoái nhưng vẫn gần gấp 4 lần tốc độ trung bình trong 20 năm qua.
Thông thường, lượng tiền gửi cao không phải điều xấu cho các ngân hàng miễn rằng họ có thể sử dụng chúng để cho vay ra. Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng tăng trưởng ở mức thấp khi nhiều doanh nghiệp chọn vay tiền từ nhà đầu tư. Tại nhiều ngân hàng Mỹ, tính đến ngày 26/5, tổng giá trị các khoản vay ước tính tương đương 61% tổng tiền gửi, giảm đáng kể so với con số 75% vào tháng 2/2020, số liệu của Fed cho hay.
Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) công bố biên lợi nhuận ròng của ngành, chỉ báo quan trọng của lợi nhuận tín dụng, trong quý 1 năm nay đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Một số ngân hàng đang khuyến khích khách hàng doanh nghiệp tính đến các lựa chọn khác. Các ngân hàng thực sự lo lắng bởi có một quy định tại Mỹ yêu cầu họ phải giữ lượng vốn tương đương ít nhất 3% trên tổng các loại tài sản. Trước đây, trong năm 2020, Fed đã thay đổi quy định này để phù hợp với điều kiện Covid-19.
Nhưng rồi đến cuối tháng 3 năm nay, quy định được điều chỉnh trở lại như cũ. Từ đó đến nay, một số ngân hàng cảnh báo tiền gửi tăng cao sẽ buộc họ phải huy động thêm vốn, hoặc phải ngừng nhận tiền gửi.
Bà Jennifer Piepszak, CFO của JP Morgan Chase, vào tháng 4 năm nay từng phân tích: "Việc tăng vốn khi tiền gửi tăng hoặc từ chối tiền gửi là những hành động bất thường của các ngân hàng và sẽ không tốt cho hệ thống trong dài hạn".
Các ngân hàng có vài lựa chọn có thể tính đến nhằm giảm tiền gửi của khách hàng dù rằng họ vẫn phải cố gắng không làm tổn hại niềm tin của khách khi làm như vậy.
Một chiến lược có thể tính đến là giảm lãi suất gửi tiền với các khoản gửi bổ sung. Ngoài ra, việc đề nghị khách chuyển tiền sang một số ngân hàng khác nhỏ hơn cũng là lựa chọn có thể được cân nhắc, theo ông Pete Gilchrist - Phó giám đốc điều hành tại Novantas, một tổ chức chuyên tư vấn cho các ngân hàng.
Những tháng gần đây, một số ngân hàng trong đó bao gồm BNY Mellon đã tập trung vào việc chuyển khách hàng gửi tiền sang các quỹ thị trường tiền tệ (money-market fund). Đây là loại quỹ tương hỗ đầu tư vào các công cụ nợ ngắn hạn, như giấy chấp nhận thanh toán, trái phiếu kho bạc, thương phiếu và chứng chỉ tiền gửi.
Tài sản trong các quỹ thị trường tiền tệ này được điều hành bởi chung một ngân hàng, nhưng được quản lý theo cách hoàn toàn khác xét theo luật vốn của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng cũng tránh được áp lực về chính sách.
Lượng tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ tại Mỹ tăng vọt trong nhiều tháng gần đây. Tổng số tài sản trong các quỹ đó tăng lên mức 4.610 tỷ USD, chỉ thấp hơn một ít so với mức kỷ lục vào tháng 5/2020, theo Viện Đầu tư Doanh nghiệp (ICI).
Các quỹ thị trường tiền tệ cũng đến lượt cần những nơi mới cho lượng tiền gửi vào và kiếm được lợi nhuận. Tuy nhiên, môi trường lãi suất thấp kỷ lục đã khiến cho các quỹ này trữ tiền tại Fed qua đêm, trong kênh đó, chúng cũng không mang lại lợi suất và đã bị lãng quên đi trong suốt 3 năm qua. Lượng tiền các quỹ trữ qua đêm tại Fed ở New York tăng vọt trong tháng 5 và lập kỷ lục 497,4 tỷ USD vào ngày thứ Ba tuần này (ngày 8/6).
Theo giám đốc tài chính các doanh nghiệp, giữ tiền mặt là một lựa chọn hợp lý, ít nhất ở hiện tại.
Giám đốc tài chính công ty cung cấp phụ tùng ôtô Advance Auto Parts, ông Jeff Shepherd cũng khẳng định: "Việc có nhiều tiền hơn bình thường sẽ có ý nghĩa bởi cho đến giờ chúng ta chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng".
Link gốc tại đây.
VnExpress tổng hợp theo WJS