Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã cắt giảm lãi suất nhưng còn chịu áp lực từ những động thái của Fed
Tuấn Hưng
Junior Analyst
Vào ngày 6/6 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau khi đã duy trì mức lãi suất cao kỷ lục 4% kể từ tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, những đợt cắt giảm tiếp theo sẽ không diễn ra sớm trong bối cảnh những lo ngại về việc Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp ý kiến chuyên gia về nhận định trên.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu cùng với Ngân hàng Canada đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất trong tuần này và các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và Anh được kỳ vọng cũng sẽ bắt đầu trong vài tháng tới. Những động thái này là cần thiết cho sự phát triển kinh tế nội địa, tuy nhiên những động thái cắt giảm sâu hơn đến từ ECB sẽ không xảy ra sớm bởi những lo ngại về trên thị trường tiền tệ nếu như Fed trì hoãn việc nới lỏng chính sách.
Chính sách của Fed thường được cho là phản ứng quá mức đối với những biến động ngắn hạn, cùng với mục tiêu lạm phát 2%, điều này có thể không còn phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa đang bị phân mảnh và sự đồng thuận của Washington về tự do hóa, giảm điều tiết và kỷ luật tài khóa đang đảo chiều với tốc độ ngày càng nhanh.
Để giảm chi phí đi vay, Thống đốc Ngân hàng Canada Tiff Macklem cho biết vào ngày 5/6 rằng “thật hợp lý khi kỳ vọng rằng sẽ có những đợt cắt giảm tiếp theo,” dựa trên triển vọng hiện tại. ECB thường có xu hướng thận trọng hơn trong lộ trình chính sách tương lai của mình và việc họ tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019 là một bất ngờ bởi ECB đã tăng lãi suất muộn hơn và ít hơn so với những Ngân hàng Trung ương Anh hay Fed.
Phần lớn, mặc dù chắc chắn không phải tất cả, dữ liệu kinh tế gần đây từ G7 đều cho thấy rằng hoạt động kinh tế yếu hơn so với dự đoán của nhiều người. Điều này đặc biệt đúng đối với Hoa Kỳ, nơi ngoại trừ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, các công bố dữ liệu đã thấp hơn những kỳ vọng theo cách bất lợi. Đây là diễn biến đã gây áp lực giảm đáng kể lên cả giá hàng hóa và lợi suất trái phiếu chính phủ, mặc dù chênh lệch tín dụng và cổ phiếu chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhìn rộng hơn, dữ liệu gần đây cho thấy khả năng suy thoái kinh tế Mỹ vào khoảng 35%. Đây không phải là kịch bản cơ bản hay có xác suất cao nhất, hai kịch bản kinh tế khác có khả năng xảy ra là một cú hạ cánh mềm với 50% xác suất và 15% cho nền kinh tế tăng trưởng nhưng không nóng hơn.
Đối mặt với sự phân bố xác suất như vậy, tôi hy vọng rằng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm vào tháng 7 (và Ngân hàng Anh sẽ hành động sau cuộc bầu cử ở Anh). Ngân hàng Nhật Bản sẽ vẫn là ngoại lệ của G7 vì đây chỉ là giai đoạn đầu trong hành trình bình thường hóa chính sách sau một thời gian dài giữ mức lãi suất cực thấp.
Việc các ngân hàng trung ương G7 (ngoài BOJ) có cắt giảm lãi suất với mức độ và tốc độ mà tôi tin là được đảm bảo bởi triển vọng kinh tế hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của Fed thực hiện hai quá trình chuyển đổi tư duy vốn đã muộn màng. Điều này cũng sẽ xác định liệu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có cắt giảm lãi suất vào tháng 7 hay không, một sự kiện có xác suất rất thấp theo kỳ vọng của thị trường.
Thực tế, Fed đang thực hiện bước chuyển đầu tiên trong chiến lược của mình, từ việc phản ứng quá mức dựa vào dữ liệu lịch sử, sang một cách tiếp cận chiến lược hơn, bao gồm dự đoán các diễn biến tương lai. Những diễn biến này bao gồm các hiệu ứng trễ (lag effect) của chu kỳ tăng lãi suất lớn và các tác động điều chỉnh rủi ro của trường hợp xấu nhất. Càng chậm trễ trong việc thực hiện chuyển đổi này, khả năng chính sách duy trì quá mức thắt chặt trong thời gian dài càng cao. Hiện tại, Fed đã nhiều lần bày tỏ mong muốn thấy một vài tháng dữ liệu ổn định hơn trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo.
Quá trình chuyển đổi thứ hai thậm chí còn thách thức hơn đối với Fed, bao gồm cả từ góc độ khoa học hành vi. Điều này đòi hỏi Fed phải nhận định được mục tiêu mức lạm phát đúng đắn nên đặt ở mức 3% hay mức 2% trong vài năm tới là phù hợp với nhiệm vụ đảm bảo tối đa việc làm. Có nhiều cách để thực hiện sự thay đổi này một cách nhất quán với kỳ vọng lạm phát được ổn định trong dài hạn. Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách cần phải hiểu rõ và đưa vào cân nhắc các tác động của những thay đổi cơ cấu đang diễn ra cả trong nền kinh tế quốc gia và trong mô hình phụ thuộc kinh tế và tài chính toàn cầu.
Nếu Fed trì hoãn hai sự chuyển đổi này, Ngân hàng Canada và Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng như Ngân hàng Anh có thể sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới với những lo ngại trên một thị trường tiền tệ không ổn định, khiến họ không thể thực hiện được số lần cắt giảm lãi suất cần thiết dựa trên điều kiện kinh tế trong nước. Điều này sẽ là một tổn thất lớn cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đã chịu ảnh hưởng bởi động lực tăng trưởng yếu kém và mất cân đối, trong khi các chính phủ còn rất nhiều việc phải làm để mang lại sự thịnh vượng bền vững và toàn diện.
Bloomberg