Những diễn biến đáng chú ý mới nhất mà bạn cần biết về COVID-19!
COVID-19 vẫn tiếp tục là yếu tố chính khiến cho đà phục hồi kinh tế gặp khó khăn, vậy tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn ra như thế nào và các nghiên cứu mới nhất về COVID-19 chỉ ra điều gì?
Mức cảnh báo mới ở Anh:
Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đưa ra các biện pháp mới để cố gắng ngăn chặn sự lây lan đang ngày một tăng của COVID-19 trong ngày hôm nay, dự đoán là sẽ có 3 mức cảnh báo nhằm giúp điều chỉnh các hạn chế cho các vùng khác nhau của Anh và để điều phối tốt hơn các biện pháp phản ứng của chính phủ trong tình thế nguy cấp.
Miền Bắc nước Anh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một đợt bùng phát COVID-19 mới, buộc các địa phương phải phong tỏa khi sinh viên trở lại các trường học và đại học trên khắp nước Anh.
Thị trưởng của Liverpool, Steve Rotherham, cho biết hôm vào Chủ nhật rằng chính phủ muốn đưa thành phố và các khu vực xung quanh vào danh sách áp dụng các biện pháp hạn chế khắc nghiệt nhất, tuy nhiên các biện pháp này vẫn chưa được đồng ý. Chính phủ Anh muốn nhấn mạnh rằng hệ thống các biện pháp hạn chế mới đã được thảo luận rộng rãi với các lãnh đạo khu vực.
Đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương:
Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Singapore, Úc và Nhật Bản đang dần nới lỏng một số hạn chế di chuyển quốc tế khi các ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng chậm lại, với hy vọng giúp phục hồi nền kinh tế của họ.
Một thỏa thuận giữa Singapore và Indonesia đã được công bố vào thứ Hai, yêu cầu cài đặt ứng dụng theo dõi lộ trình và xét nghiệm COVID-19 cả trước và sau khi di chuyển giữa 2 quốc gia để du lịch hoặc công tác.
Người dân New Zealand sẽ có thể đi đến một số vùng của Úc từ thứ Sáu tuần này mà không cần kiểm dịch, trong đó có New South Wales, Canberra và Lãnh thổ phía Bắc.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết Úc cũng đang đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các quốc gia Nam Thái Bình Dương về việc mở cửa du lịch trở lại khi các ca nhiễm COVID-19 mới đang ngày một giảm xuống.
Nghiên cứu của Úc về sự tồn tại của COVID-19:
Các nhà nghiên cứu của Úc cho biết, virus hình thành nên COVID-19 có thể tồn tại trên các bề mặt nhẵn như tiền giấy, thủy tinh và thép không gỉ tới 28 ngày, lâu hơn nhiều so với virus cúm và việc rửa tay thường xuyên là điều rất cần thiết để phòng bệnh.
Các thí nghiệm đã được thực hiện ở 20, 30 và 40 độ C cho thấy virus có thể sống sót lâu hơn khi nhiệt độ càng giảm xuống, tồn tại lâu hơn trên bề mặt nhẵn so với bề mặt phức tạp như bông và lâu hơn trên bề mặt tờ tiền giấy so với loại tiền giấy nhựa.
Các nhà nghiên cứu cho biết rằng protein và chất béo trong dịch cơ thể cũng có thể làm tăng mạnh thời gian tồn tại của virus, nghiên cứu của họ có thể giúp giải thích sự tồn tại và lây lan rõ ràng của virus trong môi trường nhiệt độ thấp như cơ sở đóng gói thịt.
Các biện pháp hạn chế mới có thể sẽ được ban hành ở Ý và Đức:
Bộ trưởng Bộ Y tế Roberto Speranza cho biết Ý đang chuẩn bị cho các biện pháp hạn chế mới trên toàn quốc để đối phó với sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm COVID-19 mới, bao gồm đề xuất cấm mở tiệc riêng tư với cả trẻ em và người lớn. Trong khi Rome cũng sẽ đặt mục tiêu hạn chế về giờ giấc mở cửa cho các quán bar và nhà hàng để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm.
Speranza nói thêm, gói các biện pháp hạn chế tại Ý sẽ được thảo luận với các khu vực trong thứ Hai và sẽ được Thủ tướng Giuseppe Conte ký duyệt sớm nhất vào tối nay.
Trong khi đó, một phụ tá của Thủ tướng Angela Merkel cho biết vào hôm Chủ nhật rằng Đức nên tiếp tục giới hạn số người được phép tham gia các buổi tụ tập và hạn chế việc đi lại không cần thiết khi nước này đang phải gồng mình chống lại đợt bùng phát COVID-19 mới. "Chúng ta phải nghiêm khắc hơn một chút ở những nơi có khả năng lây lan dịch bệnh cao, đó là các bữa tiệc và thậm chí là cả hoạt động du lịch", tham mưu trưởng Helge Braun, nói với đài truyền hình công cộng ARD.