Ông vua của thị trường trái phiếu, Powell vạn tuế!!!
Sau triều đại của Bill Gross, không phải là Jeffrey Gundlach, mà đã có một “ông vua trái phiếu” mới xuất hiện.
Trong nhiều năm qua, đã có vô số kẻ giả mạo ướm lên đầu chiếc vương miện từng được đội bởi Bill Gross, nhà sáng lập của Pimco’s (Pacific Investment Management Co). Nhưng ông hoàng mới của thị trường trái phiếu không còn nghi ngờ gì nữa, chính là Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Được dẫn dắt bởi Fed, các ngân hàng trung ương hiện nay đã cam kết tới 17 nghìn tỷ USD để nỗ lực chống lại sự tàn phá kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, theo ước tính của Công ty quản lý quỹ của JPMorgan. Con số này thậm chí đã làm lu mờ đi quy mô của các biện pháp được thực hiện trong toàn cuộc khủng hoảng tài chính thời kỳ năm 2008-2009.
Hành động quyết liệt này đã khiến một số nhà đầu tư tuyên bố rằng các ngân hàng trung ương trên thực tế đã quốc hữu hóa thị trường trái phiếu, đây là mối lo ngại mà Chủ tịch Fed đã tìm cách xoa dịu đi trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tuần trước. “Tôi không nghĩ rằng điều chúng tôi đang làm là như thể muốn đè bẹp thị trường trái phiếu hoặc dập tắt các tín hiệu giá cả”, ông Powell nói.
Dù “ngài” Powell có nói gì đi nữa, thì “chú voi khổng lồ” Fed thời gian qua đã nhảy điệu tap-dance trên khắp thị trường. Vừa mới tuần trước, lợi suất trung bình của trái phiếu doanh nghiệp cấp đầu tư (Investment grade Corporate Bond) của Mỹ đã chạm mức thấp nhất từ trước đến nay, tại thời điểm mà nhiều công ty đang phải chứng kiến cảnh doanh thu của mình bị sụt giảm. Hiện tại có thể chỉ là một cuộc suy thoái ngắn ngủi, tuy nhiên, ngay cả các nhà kinh tế lạc quan cũng cho rằng phải mất nhiều năm nữa cho tới khi nền kinh tế trở lại hoạt động ở mức như thời điểm lợi suất trái phiếu vào đầu tháng 2.
Điều này cũng là lẽ tự nhiên. Chỉ riêng chương trình mua lại 250 tỷ USD nợ doanh nghiệp của Fed cũng đã gần “khủng” bằng tài sản mà Quỹ Total Return nổi tiếng của ông Gross quản lý vào thời hoàng kim của nó năm 2013. Bảng cân đối của Ngân hàng trung ương Mỹ từ tháng 3 đã tăng tới gần 2 nghìn tỷ USD, nhiều hơn cả tổng tài sản mà Pimco’s đang quản lý.
Khối lượng tài sản khổng lồ mà Ngân hàng trung ương mua cũng phản ánh quy mô của cuộc khủng hoảng đại dịch bệnh. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, nó cũng biểu trưng cho một sự đổi thay sâu sắc nhưng chưa được đánh giá đủ cao trong hệ thống tài chính, hệ quả mà bây giờ chúng ta mới đang bắt đầu nhận ra.
Các ngân hàng kể từ khi xuất hiện ở Ý thời kỳ Phục hưng đã là điểm trung tâm của chủ nghĩa tư bản, là chủ nợ tối cao của người dân, các công ty và các quốc gia trên thế giới. Nhưng thị trường trái phiếu hiện đang chiếm hơn một nửa số nợ toàn cầu, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Sự diệu kỳ của “chứng khoán hóa” có nghĩa là hầu như mọi khoản vay nay đều có thể được đóng gói thành trái phiếu và bán cho các nhà đầu tư.
Đây là một xu hướng thế tục chưa hề có dấu hiệu chậm lại, và phần lớn là một sự phát triển lành mạnh. Thị trường vốn theo nhiều khía cạnh đang thể hiện vai trò như một “nhà kho” cho rủi ro tài chính tốt hơn bất kỳ khoản vay nào có thể đại diện. Khi có vấn đề xảy ra, nó không đẩy nhà đầu tư hoặc chức năng của hệ thống thanh toán mà các ngân hàng vẫn thống trị vào tình cảnh hiểm nghèo. Nhưng thị trường vốn cũng có ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện các chính sách tiền tệ, đặc biệt là vào các giai đoạn khủng hoảng.
Các ngân hàng trung ương ban đầu được lập ra như một chốt chặn cuối cùng hỗ trợ các chủ nợ thương mại, và cuối cùng bắt đầu điều chỉnh mức độ hoạt động của kinh tế bằng cách kiểm soát chi phí cung ứng nguồn tiền của ngân hàng. Nhưng tầm quan trọng ngày càng lớn của thị trường trái phiếu có nghĩa là các ngân hàng trung ương đã phải đi sâu hơn nữa vào những gì trong quá khứ từng được coi là khu vực không chính thống.
Hãy xem các ngân hàng trung ương vận hành như một cỗ máy truyền thống, nhưng coi hệ thống tài chính ngày nay như một chiếc Tesla hiện đại. Người ta vẫn có thể bật nắp mui xe lên và sửa chữa thô sơ, nhưng khi một chiếc Tesla bị hỏng, chắc hẳn bạn sẽ cần một kỹ sư điện chuyên nghiệp để có thể giải quyết được vấn đề. Tương tự như vậy, để khắc phục các cuộc khủng hoảng kinh tế ngày nay, chỉ tháo nút thắt cho các ngân hàng thương mại là chưa đủ. Ngân hàng trung ương phải đóng vai thợ sửa ống nước và đào sâu vào hệ thống ngoằn ngoèo của thị trường trái phiếu để đảm bảo rằng chúng hoạt động tốt.
Dĩ nhiên, Cục Dự trữ Liên bang thường can thiệp vào thị trường tại các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Nhưng quy mô thì chỉ là “muỗi” so với những gì chúng ta đã được thấy trong năm nay. Mặc dù Covid-19 là một cú sốc đột ngột và tàn bạo đến lạ thường, ta có thể sẽ thấy Fed can thiệp mạnh tay hơn nữa vào thị trường trái phiếu trong bất kỳ thời kỳ suy thoái nào ở tương lai.
Kết quả có thể là sự giám sát chính trị và kiểm soát quy định chặt chẽ hơn đối với nhiều bộ phận khác nhau của ngành trái phiếu. Nếu các ngân hàng phải chấp nhận nhiều xiềng xích nặng nề để đổi lấy sự “cứu rỗi” trong năm 2008, thì có nghĩa là các quỹ trái phiếu - hiện đã được hưởng một gói cứu trợ gián tiếp - cũng sẽ bị kiểm soát hơn. Ngay bây giờ, nước cờ tự nhiên tiếp theo có thể là việc Fed đi theo BoJ trong việc áp dụng kiểm soát đường cong lợi suất - nói cách khác là đặt ra một mức trần mục tiêu đối với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài và cam kết sẽ mua một lượng không giới hạn TPCP Mỹ để giữ lợi suất ở mức đó.
Tuy nhiên, dù cho điều gì xảy ra trong ngắn hạn, triều đại thống trị của Fed đối với thị trường trái phiếu kể từ nay nhiều khả năng sẽ toàn diện hơn, và có thể sẽ kéo dài mãi mãi.