Quan chức ECB: có thể hạ lãi suất nhanh chóng bất chấp tăng trưởng tiền lương tích cực
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Theo Piero Cipollone, ECB có thể hạ lãi suất một cách nhanh chóng bất chấp mức lương của người lao động đang tăng và bắt kịp hai năm lạm phát tăng cao.
Piero Cipollone cho biết cần phải phục hồi mức lương để kinh tế châu Âu lấy lại động lực, ông cũng nhấn mạnh rằng mức tăng lương sẽ giảm dần theo thời gian. Trong khi đó, lạm phát đang giảm dần, có nghĩa là thời điểm có thể nới lỏng chính sách đang đến gần, ông nói.
Cipollone cho biết: “Tuy mức độ tăng lương ngắn hạn có thể đáng kể, nhưng không đủ để đảm bảo sự phục hồi vững chắc cho eurozone. Nếu dữ liệu sắp tới đúng với những dự báo trước đó trong tháng 3, chúng ta nên sẵn sàng cho việc nới lỏng chính sách”.
Đây là nhận xét rõ ràng nhất của Cipollone về lãi suất kể từ khi ông được bổ nhiệm vào tháng 11, nhận xét này cũng cho thấy ông là một trong những người có quan điểm dovish nhất ECB. Các quan chức ECB đã phần lớn đồng ý về việc bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 6, tuy nhiên phần lớn cũng cho rằng tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ không nhanh do sự không chắc chắn về mức độ lạm phát vẫn cao.
Thống đốc ngân hàng trung ương Latvia Martins Kazaks cho biết quá trình cắt giảm lãi suất sẽ được tiến hành từng bước và tác động của nó đối với nền kinh tế eurozone sẽ được theo dõi chặt chẽ. Ông nói: “Rủi ro của việc cắt giảm lãi suất rất cao và chúng ta cần phải hết sức thận trọng. Chúng tôi không muốn khiến lạm phát tăng trở lại, tuy nhiên hiện tại nó đã được kiểm soát đủ tốt để có thể hạ lãi suất.".
Tây Ban Nha, một nền kinh tế lớn của eurozone, đã báo cáo CPI của nước này tăng 3.2%. Lạm phát cơ bản của nước này giảm sâu hơn dự đoán là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ nhằm giảm chi phí năng lượng.
Bloomberg Economics dự đoán lạm phát của eurozone sẽ giảm xuống 2.4% trong tháng này, tuy nhiên một mô hình dự báo khác cho thấy nó có thể giảm xuống 2.2%. Số liệu dự kiến sẽ được công bố vào ngày 3 tháng 4.
Cipollone cho biết các nhà hoạch định chính sách phải luôn để tâm đến tình trạng kinh tế bất ổn đã kéo dài hơn một năm của eurozone.
Trong khi thước đo tâm lý của eurozone được cải thiện vào tháng 3, thì kinh tế Đức đang chững lại và gần như sẽ không tăng trưởng vào năm 2024.
Ông nói: “Chúng ta cần phải tiếp tục điều chỉnh các chính sách sau khi nền kinh tế đã đình trệ trong 18 tháng, hiện tại triển vọng kinh tế đang ảm đạm và các điều kiện tín dụng vẫn bị thắt chặt”.
Bloomberg