Sản lượng công nghiệp Nhật Bản ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ đại dịch
Ngọc Lan
Junior Editor
Sản lượng công nghiệp Nhật Bản phục hồi nhẹ trong tháng 3 sau khởi đầu ảm đạm của năm, nhưng con số cả quý vẫn ghi nhận mức thấp nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch, cho thấy nền kinh tế có thể đã suy giảm trong giai đoạn này.
Theo số liệu của Bộ Công thương Nhật Bản công bố hôm thứ Ba, sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 3.8% so với tháng 2, nhờ nhu cầu bắt đầu phục hồi sau hai tháng giảm liên tiếp. Kết quả này vượt qua dự báo trung bình tăng 3.3% của các nhà phân tích.
Sự cải thiện về sản lượng diễn ra sau giai đoạn đầu quý 1 yếu kém do ảnh hưởng của trận động đất vào đầu năm ở phía Tây Bắc Tokyo và việc tạm dừng sản xuất trong ngành ô tô đã kìm hãm hoạt động sản xuất từ tháng 1. Tính theo quý, sản lượng giảm 5.4% trong giai đoạn tháng 1-tháng 3, đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ quý 2 năm 2020.
Sản lượng công nghiệp Nhật Bản phục hồi sau khởi đầu ảm đạm của năm 2024
Ông Taro Saito, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI cho biết "Vụ bê bối an toàn xe hơi đã khiến sản xuất giảm mạnh trong tháng 1 và tháng 2. Và cuối cùng chúng ta cũng có thể thấy được sự phục hồi từ sự cố đó."
Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm nhẹ trong quý 1 năm 2024 sau khi đạt được mức tăng trưởng nhẹ vào quý cuối năm 2023. Ông Saito cho biết ông tin rằng nền kinh tế sẽ quay trở lại tăng trưởng trong quý 2. Bộ Công thương dự đoán sản lượng công nghiệp sẽ tăng 4.1% trong tháng 4 và tăng 4.4% trong tháng 5.
Các báo cáo khác cho thấy doanh số bán lẻ giảm 1.2% so với tháng trước, trong khi thị trường lao động vẫn thắt chặt.
Số liệu về sản lượng, bán lẻ và thị trường lao động nhấn mạnh tình trạng mong manh của quá trình phục hồi kinh tế Nhật Bản, với tiêu dùng nội địa là một trong những mối quan ngại hàng đầu.
Các nhà hoạch định chính sách hy vọng rằng mức tăng lương mạnh trong năm tài chính hiện tại sẽ thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng và tăng giá do cầu kéo, tạo ra một chu kỳ tích cực giúp nhu cầu nội địa trở thành động lực chính cho nền kinh tế.
Thị trường lao động Nhật Bản tiếp tục cho thấy dấu hiệu thắt chặt vào tháng 3, do tình trạng thiếu hụt nhân lực trên nhiều lĩnh vực. Bộ Lao động Nhật Bản báo cáo tỷ lệ lao động tìm việc tăng nhẹ lên 1.28, vượt qua dự đoán của các nhà kinh tế về việc tỷ lệ này sẽ không đổi ở mức 1.26. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 2.6%, theo Bộ Nội vụ.
Gần đây, nhu cầu bên ngoài là động lực chính cho tăng trưởng. Xuất khẩu tăng tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 3 do đồng Yên yếu tạo thuận lợi và nhu cầu từ Trung Quốc tăng lên.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. IMF đã nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng đồng thời cảnh báo rằng triển vọng vẫn mong manh do lạm phát dai dẳng và rủi ro địa chính trị.
Tháng trước, WTO cũng đưa ra đánh giá tương tự, cho rằng thương mại toàn cầu sẽ phục hồi dần dần trong những tháng đầu năm 2024 nhưng lưu ý rằng những triển vọng tích cực này có thể biến mất do các xung đột khu vực và căng thẳng địa chính trị.
Sự lao dốc của đồng Yên xuống mức thấp nhất 34 năm so với đồng USD có thể thúc đẩy lạm phát theo chi phí gia tăng trở lại do chi phí nhập khẩu thực phẩm và năng lượng tăng cao. Nếu điều này xảy ra, nó có thể khiến các hộ gia đình thắt chặt ngân sách hơn nữa, làm giảm hy vọng về một chu kỳ tích cực.
Bloomberg