Số liệu không minh bạch - Vết rạn lớn trong bức tranh kinh tế Trung Quốc
Ngọc Lan
Junior Editor
Từ lâu, các số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, đặc biệt là chỉ số tăng trưởng GDP hàng năm, luôn là tâm điểm của nhiều nghi vấn.
Một chi tiết đáng chú ý là vào năm 2007, ông Lý Khắc Cường - người sau này giữ cương vị Thủ tướng - đã thẳng thắn thừa nhận sự thiếu tin cậy của những con số này. Thay vào đó, ông đề xuất ba chỉ số thay thế để đánh giá thực chất nền kinh tế: sản lượng vận tải đường sắt, lượng điện tiêu thụ và dư nợ cho vay ngân hàng. Bộ chỉ số này sau đó được giới chuyên môn đặt tên là "Chỉ số Khắc Cường", đánh dấu một cách nhìn mới về thực trạng kinh tế Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, giới quan sát ngày càng hoài nghi về tính xác thực của các số liệu GDP. Thực tế cho thấy, các quan chức địa phương thường xem việc đạt chỉ tiêu không chỉ như một điều kiện bắt buộc để bảo đảm vị trí công tác, mà còn là tấm vé thông hành cho con đường thăng tiến. Tình trạng này càng trở nên đáng ngại khi vào tháng 8/2021, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc ban hành lệnh cấm mọi nội dung trên mạng xã hội có thể "bóp méo" các số liệu kinh tế vĩ mô. Hệ quả là các nhà kinh tế hàng đầu đã bị buộc phải im lặng, trong khi các ngân hàng và viện nghiên cứu dần trở nên e dè khi công bố những dự báo thấp hơn con số chính thức. Thậm chí, một số nhà kinh tế còn bị yêu cầu kiềm chế không được phê bình các số liệu này.
Những nỗ lực kiểm soát các luồng ý kiến trái chiều của chính quyền có thể bắt nguồn từ mối lo ngại sâu sắc về hậu quả kéo dài của các biện pháp kiểm soát kinh tế hà khắc trong giai đoạn đại dịch Covid-19 - thời điểm chứng kiến niềm tin của cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng chạm đáy chưa từng có. Tuy nhiên, điều trớ trêu là càng kiểm soát chặt, những câu chuyện hài hước về số liệu GDP lại càng được bàn tán nhiều hơn trong các cuộc trò chuyện riêng tư, như một phản ứng ngược của xã hội trước áp lực kiểm soát.
Trong thế giới đầu tư, dữ liệu đáng tin cậy, minh bạch và cập nhật thường xuyên đóng vai trò như một la bàn, giúp các nhà đầu tư định hướng và điều chỉnh chiến lược phù hợp. Thế nhưng, khi những chỉ số nền tảng như GDP, chỉ số tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu lung lay độ tin cậy, giới đầu tư không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuẩn bị cho những tình huống bi quan nhất. Điển hình như vào năm 2023, trước việc tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ liên tục phá vỡ kỷ lục qua nhiều tháng, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã chọn cách tạm ngưng công bố số liệu này. Dù sau đó họ lại tiếp tục công bố, nhưng họđã có một thay đổi đáng chú ý rằng họ đã loại bỏ nhóm sinh viên khỏi cách tính toán số liệu trên với lý do muốn phản ánh "chân thực hơn" tình hình thực tế.
Bước sang tháng 12/2023, tình hình càng trở nên căng thẳng khi Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc phát đi cảnh báo nghiêm khắc tới các nhà bình luận có ảnh hưởng trên mạng xã hội, yêu cầu họ chấm dứt việc đưa ra những nhận định tiêu cực về nền kinh tế và lan truyền những gì được cho là "thông tin sai lệch". Gần đây nhất, cộng đồng học giả không khỏi bàng hoàng trước thông tin về việc ông Chu Hằng Bình - một chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Viện nghiên cứu của chính phủ - bỗng nhiên "biến mất" sau khi chia sẻ những góc nhìn không mấy tích cực về tình hình kinh tế trong một cuộc trò chuyện riêng tư trên WeChat.
Chuỗi sự kiện đáng báo động này đã đẩy mức độ hoài nghi về thực trạng kinh tế Trung Quốc lên cao hơn bao giờ hết, dẫn đến một hiện tượng được giới chuyên gia gọi là "Bẫy Tacitus". Thuật ngữ này, được đặt theo tên của nhà sử học lừng danh La Mã, diễn tả một thực tế đáng buồn: khi niềm tin của người dân vào chính quyền đã suy giảm đến mức độ nhất định, mọi thông tin từ phía chính phủ - dù có thực hay không - đều bị đón nhận với sự ngờ vực. Trong bối cảnh ấy, một câu đùa chua chát lan truyền trên mạng xã hội rằng những "thành tựu kinh tế gần đây" của Trung Quốc phải "tri ân" ba cơ quan: Cục Thống kê Quốc gia, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Quản lý Thông tin Internet - một cách nói bóng gió về việc các số liệu có thể đã được "làm đẹp" một cách có hệ thống.
Thực trạng thiếu minh bạch trong thông tin kinh tế của Trung Quốc đang tạo ra một tình thế bấp bênh, không chỉ khó duy trì mà còn cản trở tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Bởi lẽ, khi thông tin bị bóp méo, điều này sẽ tạo ra một vòng xoáy nguy hiểm: một con số thiếu trung thực ban đầu sẽ kéo theo hàng loạt số liệu khác cũng phải được "điều chỉnh" để giữ tính nhất quán của bức tranh tổng thể. Từ đó, một guồng quay thông tin sai lệch được hình thành và tự nuôi dưỡng, ngày càng xa rời khỏi thực tế.
Nhìn lại chặng đường từ khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã tạo nên một câu chuyện tăng trưởng phi thường. Thành công này được xây dựng trên ba trụ cột vững chắc: sự minh bạch trong điều hành, việc tôn trọng pháp quyền, và những phân tích kinh tế khách quan - tất cả đã tạo nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp tự tin đưa ra những quyết định đúng đắn. Giờ đây, với vị thế là nền kinh tế hàng đầu thế giới, việc tăng trưởng GDP không chạm ngưỡng 5% không nên còn là điều kiêng kỵ trong các cuộc thảo luận.
Dù có thể chấp nhận một số điều chỉnh nhỏ trong số liệu kinh tế - điều vẫn thường xảy ra ở nhiều nền kinh tế - nhưng việc thổi phồng thái quá các chỉ số là một con đường nguy hiểm cần được ngăn chặn. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế, giới chuyên gia không chỉ cần được tạo dư địa để tự do phân tích, mà còn phải được khuyến khích đưa ra những nhận định mang tính xây dựng và phản biện. Bởi chính những góc nhìn đa chiều và thẳng thắn này sẽ là kim chỉ nam giúp định hướng chính sách kinh tế trong tương lai.
Financial Times