Tại sao chính sách hạn chế chip bán dẫn của Mỹ lên Trung Quốc sẽ sớm phản tác dụng?
Nguyễn Phương Anh
Junior Analyst
Các nhà lập pháp Mỹ trở nên quá cứng rắn về vấn đề chip bán dẫn, đây là một vấn đề đáng lo ngại.
Gina Raimondo không giấu được sự thất vọng tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở California vào tháng 12 năm ngoái. Bộ Thương mại Hoa Kỳ do bà lãnh đạo vừa siết chặt các hạn chế đối với việc bán chất bán dẫn của Mỹ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Nvidia, một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã ngay lập tức phát triển một loại chip trí tuệ nhân tạo (AI) mới, không quá mạnh, dành cho thị trường Trung Quốc, nhằm lách các hạn chế trong chính sách mới. “Nếu hôm nay, bạn tái thiết kế một con chip cho phép [Trung Quốc] tận dụng công nghệ AI, tôi sẽ hạn chế sản phẩm đó ngay ngày hôm sau,” bà Raimondo cảnh báo.
Dường như bà đã có một phát biểu táo bạo, khi Bộ Thương mại của bà đã phải mất rất nhiều thời gian để xử lý các công việc liên quan tới chính sách hạn chế nhằm đối phó với trường hợp của Nvidia. Mặc dù vậy, chiến dịch 5 năm chống lại công nghệ Trung Quốc của Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục mở rộng. Đầu tháng này, có thông tin cho rằng Jensen Huang, giám đốc điều hành của Nvidia và đồng nghiệp - cũng là hai ông trùm sản xuất chip - đã được triệu tập để làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ về hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc. Vào ngày 19/01, ABB, một tập đoàn công nghiệp từ Thuỵ Sỹ, tiết lộ rằng các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang điều tra mối liên hệ giữa họ và Trung Quốc. abb cho biết họ đang hợp tác tích cực trong vụ điều tra. Nvidia cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ nhằm đảm bảo doanh nghiệp của họ tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà đều tỏ rõ thái độ không thể nhượng bộ trong vấn đề này. Trong năm bầu cử tổng thống, Joe Biden, vị tổng thống không được lòng dân của Đảng Dân chủ, không thể tỏ ra nhân nhượng trước Trung Quốc. Người tiền nhiệm của Đảng Cộng hoà, Donald Trump, từ lâu đã nổi tiếng là vị tổng thống bài Tàu. Những người theo hướng hawkish ở Washington mong muốn cản trở những nỗ lực Trung Quốc trong việc lách luật tại Hoa Kỳ, cũng như tái tạo năng lực công nghệ thiết yếu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thành tích hỗn độn trong việc kiểm soát xuất khẩu cho đến nay cho ta thấy tại sao các biện pháp hà khắc hơn sẽ khó thực hiện - và cũng khó có thể thành công hơn.
Trung Quốc đã tìm ra một số biện pháp để vượt qua hàng rào kiểm soát hiện nay. Ví dụ, trước sự thất vọng của bà Raimondo, Trung Quốc có thể huấn luyện các mô hình AI sử dụng các con chip không nhất thiết phải là những con xịn nhất, mà chỉ cần “vừa đủ dùng". Như bà ngụ ý, nếu việc bán bất kỳ con chip nào có thể giúp phát triển AI bị cấm, thì Mỹ sẽ cần hạn chế dòng chip lớn hơn nhiều có thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ảnh: The Economist
Không dễ để ta hình dung dòng chip bị hạn chế sẽ lớn hơn bao nhiêu so với hiện nay. Thống kê thương mại không chỉ rõ các GPU được sử dụng để huấn luyện và chạy các mô hình AI từ luồng mạch tích hợp lớn hơn. Nhưng ta có thể hình dung được quy mô của lệnh cấm này bằng cách kiểm tra báo cáo tài chính của Nvidia, công ty kinh doanh rất nhiều loại GPU. Họ đã kiếm được từ 21-26% doanh thu từ Trung Quốc trong vài năm qua. Trong 9 tháng đầu năm tính đến tháng 10, công ty đã thu về 8.4 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Hầu như tất cả sản phẩm của Nvidia đều có khả năng phát triển AI. Ông Huang nói rằng công ty của ông khó có “nguy cơ" bị loại khỏi thị trường Trung Quốc.
Một thách thức khác đối với Mỹ trong vấn đề này nằm ở khả năng thực thi lệnh cấm. Bộ Thương mại được trao quyền trừng phạt bất kỳ hành vi vi phạm nào mà Bộ phát hiện ra. Năm ngoái, Bộ đã phạt Seagate, một nhà sản xuất ổ cứng, 300 triệu USD vì cáo buộc vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khi gửi linh kiện cho Huawei, một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc nằm trong danh sách đen. Nhưng chính các công ty sản xuất chip phải chịu trách nhiệm thực thi phần lớn. Điều đó bao gồm việc đảm bảo rằng trên thực tế, khách hàng của họ không phải là bình phong mua hàng cho các doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm giao dịch. Đây là một thách thức lớn. Kevin Wolf, luật sư đồng thời là cựu quan chức Mỹ cho biết: “Bạn có các thiết bị và công nghệ có kích thước bằng đồng xu, được bán rộng rãi trên thị trường và không thể phân biệt được với các công nghệ khác đang bị kiểm soát.”
Kết quả là chúng ta có một môi trường lý tưởng cho việc buôn lậu, điều mà các chuyên gia cho rằng sẽ khó có thể định lượng quy mô thị trường, nhưng chắc chắn là sẽ diễn ra tràn lan. Đây cũng là môi trường khuyến khích việc trung chuyển. Các công ty ở những quốc gia chưa ký kết cơ chế kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, ví dụ như Singapore, có thể mua chip và gửi chúng cho các doanh nghiệp Trung Quốc mà các công ty Mỹ hoặc Bộ Thương mại Hoa Kỳ không hề biết. Thu nhập hàng quý gần đây nhất của Nvidia cho năm 2023 cho thấy doanh số bán hàng của hãng này tại Singapore đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác.
Trong số tất cả các khách hàng ở Trung Quốc, nơi tốt nhất có thể sử dụng những giải pháp như vậy để có được những con chip mà họ cần là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Nếu một trong những mục tiêu chính của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến để phát triển AI trong quân sự thì có lẽ quốc gia này đã thất bại. Thay vào đó, các biện pháp kiểm soát đang làm tăng chi phí đối với người mua Trung Quốc khi mua chip AI của Mỹ. Điều này đang giúp cho thị trường tại đây điều chỉnh công nghệ sao cho phù hợp với chính sách phát triển công nghệ bản địa của chính phủ Trung Quốc. Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từng thích mua công nghệ Mỹ chất lượng cao hơn là đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Nhưng hiện nay, động lực của họ đã thay đổi.
Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy điều này đang diễn ra đến từ Huawei. Công ty có hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất thiết bị viễn thông, lần đầu tiên bị Mỹ nhắm tới vào năm 2019 vì bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Một biện pháp được gọi là “quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (FDPR) đã ngăn không cho Huawei sờ tới bất kỳ con chip nào được sản xuất bằng công nghệ Mỹ (có nghĩa là hầu như tất cả những con chip có cấu tạo phức tạp). Vào năm 2022, FDPR đã được triển khai chống lại toàn bộ ngành công nghiệp AI của Trung Quốc, và được mở rộng vào tháng 10 để bổ sung thêm nhiều loại chip AI và công cụ sản xuất chip hơn, đồng thời yêu cầu giấy phép vận chuyển sản phẩm đến các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chứ không phải Singapore, nơi được cho là đóng vai trò trung gian cho người mua Trung Quốc.
Trước khi bị đưa vào danh sách đen, Huawei có bộ vi xử lý do TSMC, một nhà sản xuất chip hợp đồng của Đài Loan sản xuất. Họ đã chi 5.4 tỷ USD cho chip do TSMC sản xuất vào năm 2020, trước khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ mở rộng sang các công ty Đài Loan. Bây giờ họ đang kinh doanh nhiều hơn với SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Công nghệ của SMIC được cho là chậm hơn nhiều năm so với TSMC. Nhưng năm ngoái, người ta phát hiện ra rằng công ty này đang sản xuất một con chip AI do Huawei thiết kế, Ascend (và một con chip cho smartphone, Kirin, khiến giới công nghệ phương Tây phải chú ý sau khi Huawei bất ngờ ra mắt một chiếc điện thoại có chứa con chip này vào tháng 9).
Với khả năng tiếp cận chip nước ngoài hạn chế, các công ty AI Trung Quốc hiện đang chuyển hướng sang chip của Huawei và SMIC. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp này, và tiếp tục trợ cấp cho ngành với hy vọng tạo ra một thị trường có thể cạnh tranh với Nvidia và các công ty Mỹ khác. Trên thực tế, việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã buộc Trung Quốc phải lựa chọn nhập khẩu các mặt hàng thay thé.
Các nhà thiết kế chính sách kiểm soát của Mỹ đã thấy trước viễn cảnh này. Đó là lý do tại sao ngay từ đầu họ cũng nhắm tới khả năng tái tạo công nghệ tiên tiến nội địa của Trung Quốc. Các biện pháp kiểm soát hạn chế giao dịch không chỉ riêng các con chip mà còn đối với các công cụ được sử dụng để tạo ra chúng. Điều đó liên quan đến việc lôi kéo các đồng minh như Hà Lan và Nhật Bản, nơi đặt trụ sở của nhiều nhà chế tạo công cụ. Giống như chip, các chính sách kiểm soát này đặt ra những giới hạn về mức độ phức tạp của thiết bị có thể bán cho người mua Trung Quốc. Và cũng như với chip, một công cụ phải phức tạp đến mức nào mới có thể nằm trong tầm kiểm soát là chủ đề tranh luận gay gắt.
Những thiết bị và máy móc quan trọng là những vật được sử dụng để khắc bóng bán dẫn lên tấm silicon. Thiết bị tiên tiến nhất thuộc loại này được sản xuất và bán độc quyền bởi ASML, một công ty Hà Lan, và đã bị cấm ở Trung Quốc trong nhiều năm. Nhưng các thế hệ công cụ in thạch bản cũ hơn vẫn có thể được bán ở đó. Doanh số bán hàng của ASML sang Trung Quốc đã tăng đáng kể trong năm qua, cũng như doanh số của các công ty sản xuất công cụ sản xuất chip khác. Trong quý gần nhất, doanh số bán hàng tại Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng doanh thu của ASML. Các nhà sản xuất thiết bị và máy móc khác cũng bán được rất nhiều sản phẩm sang Trung Quốc (Xem biểu đồ).
Tuy nhiên, cũng giống như chip, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đang tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà sản xuất công cụ tại Trung Quốc đầu tư vào việc bắt kịp các đối thủ nước ngoài về mặt công nghệ. Doanh số bán hàng của các nhà sản xuất công cụ trong nội địa đang tăng lên. Vào ngày 15 tháng 1, một trong số các nhà sản xuất, NAURA, công ty sản xuất các công cụ khắc khác, cho biết họ đã dự kiến doanh thu sẽ tăng gần 50% vào năm 2023.
Khi đó, chiến dịch của Mỹ chống lại công nghệ Trung Quốc vừa không hiệu quả vừa phản tác dụng. Không hiệu quả, vì Trung Quốc rất giỏi khai thác các điểm sơ hở. Và phản tác dụng, khi các chính sách này sẽ dẫn đến việc tạo ra một nền công nghiệp chip bán dẫn Trung Quốc phức tạp hơn. Điều này cũng có thể được khẳng định dựa trên một giả định sai lầm: Rằng sự cân bằng sức mạnh kinh tế và quân sự trong tương lai phụ thuộc vào AI, và AI phụ thuộc vào sức mạnh tính toán. Chris Miller, nhà sử học về công nghệ tại Đại học Tufts, chỉ ra: “Tất cả chỉ là phỏng đoán.” Ta vẫn chưa thể khẳng định được rằng AI có tầm quan trọng chiến lược ra sao. Và ngay cả nếu AI có vai trò chiến lược, sức mạnh tính toán có thể không phải là yếu tố quan trọng nhất. Như Miller đã chỉ ra, nguyên liệu oomph rất đắt tiền, vì vậy các nhà phát triển AI sẽ cố gắng sử dụng chúng một cách tiết kiệm nhất có thể.
Bất chấp tất cả những điều ở trên, Mỹ dường như sẽ tăng cường kiểm soát xuất khẩu chip AI, như bà Raimondo đã khẳng định vào tháng 12. Và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa vẫn đang để mắt đến các biện pháp kiểm soát mở rộng hơn. Một số người trong số họ nhìn thấy mối đe dọa mới, vốn không liên quan nhiều đến sức mạnh quân sự-kỹ thuật của Trung Quốc mà thiên về sức mạnh kinh tế của nước này. Chip được yêu cầu với số lượng ngày càng tăng để làm thành phần trong mọi thứ, từ xe điện, máy bơm nhiệt đến lưới điện. TrendForce, một công ty nghiên cứu, cho rằng đến năm 2027, Trung Quốc có thể sản xuất gần 40% lượng chất bán dẫn. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện tại không có tác dụng hạn chế sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh doanh vốn sử dụng nhiều công nghệ cũ của Mỹ.
Do đó, ba nghị sĩ Đảng Cộng hòa, Mike Gallagher, Elise Stefanik và Michael McCaul, đang nghiên cứu một dự luật buộc Bộ Thương mại phải loại bỏ Trung Quốc khỏi nền công nghệ chip của Mỹ, không chỉ riêng những con chip tiên tiến nhất. Việc giành được sự ủng hộ từ các đồng minh cho một chính sách cực đoan như vậy sẽ rất khó khăn. Các doanh nghiệp Nhật Bản và Hà Lan—và chính phủ của họ—được xếp hạng thậm chí ở mức độ kiểm soát lỏng lẻo đang được áp dụng hiện nay. Nhưng nếu ông Trump, một người hoài nghi về liên minh, quay trở lại nắm quyền, việc thiếu sự ủng hộ sẽ không quá quan trọng.
The Economist