Tại sao việc FED kiểm soát đường cong lợi suất sẽ có lợi cho vàng?
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Vào ngày 10 tháng 6 năm 2020, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ông đang xem xét việc kiểm soát đường cong lãi suất. Trước đây, vào những năm 1940, việc Cục Dự trữ Liên bang thực hiện kiểm soát đường cong lợi suất đã khiến mức lãi suất thực âm rất sâu. Nếu hành động trên được lặp lại, nó nhiều khả năng sẽ khiến giá vàng tăng vọt.
Do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, mức thâm hụt ngân sách liên bang của Hoa Kỳ đang đạt đến mức "chưa từng có". Dữ liệu sơ bộ cho thấy mức thâm hụt liên bang sẽ là 4 nghìn tỷ đô la trong năm nay, chiếm hơn 15% GDP. Dẫu cho cuộc khủng hoảng có dần đi đến hồi kết, nhiều khả năng những con số này sẽ còn tồi tệ hơn vào cuối năm nay. Trong suốt lịch sử, mức độ thâm hụt khủng khiếp như hiện nay chỉ được bắt gặp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.
Với việc GDP đang giảm, trong khi mức thâm hụt của liên bang ngày 1 gia tăng, tỷ lệ nợ công trên GDP của Mỹ đang leo thang nhanh chóng. Theo usdebtclock.org, tỷ lệ nợ công của Mỹ trên GDP là 130% tại thời điểm của bài viết. Chỉ vài tháng trước tỷ lệ này chỉ dừng lại ở mức 110%. Trong biểu đồ dưới đây, bạn có thể thấy mức nợ công trên GDP đang tăng với tốc độ tương đương với khi Thế chiến thứ hai nổ ra.
Không nhiều người biết khi bắt đầu Thế chiến II, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã thực hiện việc kiểm soát đường cong lợi suất. Ngân hàng trung ương Nhật Bản thực tế không phải là người tiên phong khi bắt tay vào việc quản lý đường cong lợi suất vào năm 2016.
Bắt đầu từ năm 1942, Fed đã thiết lập mức trần về lợi suất các kỳ hạn trái phiếu chính phủ trên đường cong lợi suất. Kể từ thời điểm đó, Fed đã ngầm từ bỏ trách nhiệm của mình đối với chính sách tiền tệ mặc cho những lo ngại về lạm phát và thay vào đó tập trung vào việc hỗ trợ Bộ ngân khố tài trợ cho cuộc xung đột tại nước ngoài (Humpage, 2016).
Fed và Kho bạc đã thỏa thuận để giữ lợi suất tín phiếu (trái phiếu 3 tháng) ở mức 0.375% và trái phiếu dài hạn (25 năm) ở mức 2.5%. Tất cả lợi suất của các kỳ hạn khác của trái phiếu chính phủ cũng được giữ nguyên. Ban đầu, để giúp cố định các mức lợi suất, Fed đã mua 1 lượng lớn trái phiếu chính phủ của tất cả các kỳ hạn, điều đã khiến cơ sở tiền tệ (money base) tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 1942 cho đến năm 1945.
Trước đó, trong giai đoạn từ năm 1934 đến năm 1940, cơ sở tiền tệ tăng do Hoa Kỳ phá giá đồng đô la so với vàng vào năm 1934, nhưng vẫn duy trì việc cố định giá vàng trên thị trường quốc tế ở mức 35 đô la một ounce. Kho bạc Hoa Kỳ khi đó đã mua hàng ngàn tấn vàng từ khắp nơi trên thế giới với mức giá cố định mới. Đồng thời, Fed đã thực hiện in đô la để trả tiền vàng và nhận lại chứng chỉ vàng từ Kho bạc.
Sự tăng trưởng trong cơ sở tiền tệ đã gây ra lạm phát cao trong giá tiêu dùng. Với lãi suất danh nghĩa được giữ ở mức thấp, lạm phát đã đạt đỉnh 20% vào tháng 3 năm 1947. Lãi suất thực tế - được tính bằng cách trừ đi lạm phát từ lãi suất danh nghĩa, giảm xuống dưới -15%. Giá trị của tiền gốc của trái phiếu giảm đáng kể.
Bạn có thể tự hỏi liệu công dân Hoa Kỳ có đổ xô đi mua vàng khi lãi suất thực rơi về âm trong những năm 1940. Câu trả lời là không, do việc tư nhân sở hữu vàng đã bị cấm ở Mỹ từ năm 1933 cho đến năm 1974 (và đồng đô la vẫn được neo theo vàng, mặc dù chỉ có ở trên thị trường quốc tế).
Sau chiến tranh, mức lãi suất thực âm, trong khi tăng trưởng GDP danh nghĩa khá tích cực đã khiến tỷ lệ nợ công trên GDP, từ 113% năm 1945 xuống còn 64% năm 1951. Theo các số liệu chính thức, Fed tiếp tục kiểm soát đường cong lợi suất cho đến năm 1951. Mặc dù vậy, hậu quả để lại tiếp tục kéo dài thêm một thập kỷ sau đó (Humpage, 2016).
Ngày nay, chính phủ Hoa Kỳ thấy mình gặp phải tình huống tương tự như trong Thế chiến II. Thâm hụt liên bang là 1 vấn đề lớn, và mức nợ công trên GDP cũng vậy. Ngoài ra, Fed đã mua 1 số lượng lớn trái phiếu Kho bạc và duy trì mức lợi suất thấp. Bước tiếp theo có thể là một cam kết để giữ cố định đường cong lợi suất trong một thời gian dài.
Quản lý đường cong và lạm phát là một trong số ít các lựa chọn còn lại để Hoa Kỳ giảm gánh nặng nợ nần. Một lựa chọn khác là giảm nợ.
Việc lãi suất thực âm sâu như hiện nay sẽ khiến giá vàng tăng vọt. Lãi suất thực của Hoa Kỳ và giá vàng đã cho thấy sự tương quan nghịch trong một số năm gần đây. Người ta cho rằng khi lãi suất thực giảm, việc sở hữu vàng trở nên hấp dẫn hơn vì đây là một tài sản ít rủi ro hơn trái phiếu chính phủ (vàng không gặp phải rủi ro đối tác).
Có thể thấy trong biểu đồ trên, khi lãi suất thực giảm, giá vàng tăng và ngược lại. Hiện tại, lợi suất thực của Trái phiếu Kho bạc 10 năm đang ở mức -0.5%, trong khi giá vàng là $1,734. Tôi không có một quả cầu pha lê để biết trước lãi suất thực sẽ là bao nhiêu trong tương lai, nhưng với môi trường kinh tế hiện tại ở Hoa Kỳ, lãi suất thực có thể sẽ giảm trong trung hạn. Và đó chính là dấu hiệu cho xu hướng tăng của vàng.