Thị trường chứng khoán nước nào đang được cho là “rẻ”?
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Trong một thế giới mà các thị trường chứng khoán đang “nóng”, FTSE 100 trông có vẻ tương đối “rẻ”.
Giữa tất cả các phân tích cơ bản và chủ đề dẫn dắt, đôi khi bạn nên lùi lại và có một góc nhìn toàn cảnh đơn giản hóa về việc chỉ số chứng khoán nào trên thế giới đang ở mức hợp lý và chỉ số nào đã tiến vào vùng quá mua. Điều này không chỉ để tránh bị lạc trong mê cung tài chính - nó còn cung cấp gợi ý về việc phân bổ tài sản hợp lý.
Vậy thị trường chứng khoán lớn là những thị trường nước nào? Giả sử bao gồm tất cả những thị trường chiếm vốn hóa hơn 1.5% tổng giá trị TTCK toàn cầu. Điều đó mang đến cho chúng ta 14 thị trường, chiếm 88% vốn hóa thị trường thế giới (10 thị trường lớn nhất chiếm hơn 80%). Thị trường chứng khoán Úc vừa đạt mức yêu cầu, trong khi Thụy Điển tỏ ra buồn rầu ở vị trí thứ 15.
Tuy nhiên, chúng ta đang tìm cách so sánh các thị trường chứng khoán nói chung, thay vì một vài công ty cụ thể nào đó. Theo quan điểm của tôi, yêu cầu này giúp loại trừ Ả Rập Saudi, nơi công ty Saudi Aramco chiếm hơn 75% vốn hóa thị trường, và Thụy Sĩ, nơi Nestle, Roche Holding và Novartis đóng góp hơn 40% vốn hóa thị trường của cả quốc gia.
Trên cơ sở tương tự, cũng hợp lý khi loại trừ Hàn Quốc và Đài Loan, nơi Samsung Electronics và TSMC lần lượt chiếm 24.1% và 31.5% trong tổng vốn hóa chỉ số chứng khoán của nước đó.
Vừa chúng ta còn lại 10 cái tên: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Anh, Pháp, Canada, Ấn Độ, Đức và Úc. Chúng tôi muốn so sánh mọi thứ một cách công bằng nhưng lại gặp một vài khó khăn. Chỉ số chứng khoán rõ ràng là mặc định cho hầu hết các quốc gia - và trước đây chúng tôi đã lập luận rằng CSI 300 là chỉ số chuẩn tốt nhất cho Trung Quốc, và Topix cho Nhật Bản. Tuy nhiên, Đức có một vấn đề vì chỉ số DAX là chỉ số tính theo lợi nhuận (return index) và các chỉ số khác là chỉ số giá (price index), vì vậy ở đây chúng tôi sẽ sử dụng “Bloomberg Germany Large & Mid Cap Price Return Index” bao gồm 85% thị trường chứng khoán Đức.
Vậy chúng ta so sánh các thị trường này như thế nào? Đầu tiên, hãy nhìn vào tỷ lệ giá/thu nhập ước tính tổng hợp 12 tháng (price to estimated 12-month blended forward earnings), Sensex (22.8) và S&P 500 (21.8) rõ ràng là đắt nhất, với FTSE 100 (14), HSI (14.3) và CSI 300 (14.4) là rẻ nhất
Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một số thị trường chứng khoán nhất định có mức phí cơ bản cần được tính đến bằng cách so sánh các chỉ số này với mức trung bình dài hạn của bản thân chúng. Không có gì đáng ngạc nhiên, không chỉ số nào trong số chúng đang được giao dịch dưới mức giá trị trung bình 10 năm tương ứng, nhưng chỉ FTSE 100 (14 so với 13.2) và chỉ số Toronto Stock Exchange Composite Index của Canada (16.3 so với 15.1) dường như không bị định giá quá cao.
Tiếp theo, khi nghiên cứu tỷ lệ giá cổ phiếu/giá trị sổ sách (P/B), các chỉ số quen thuộc trên lại tỏ ra đắt cả trên cơ sở tương đối và so với lịch sử của chính bản thân chúng: S&P 500 ở mức 4.3 so với 2.9 và Sensex ở mức 3.7 so với 2.8. Ngược lại, Hồng Kông, Canada, Đức và Nhật Bản đều không quá cao ở thước đo này, nhưng FTSE 100 lại một lần nữa xuất hiện với tư cách là kẻ chiến thắng, với tỷ lệ P/B ở 1.8, dao động quanh mức trung bình 10 năm.
Quan điểm rằng thị trường chứng khoán Vương quốc Anh có vẻ “rẻ” không phải là một cú sốc, vì nó hiện đang giao dịch dưới mức đỉnh năm 1999 - và cả những mức đạt được vào năm 2000, 2007 và mỗi năm kể từ năm 2013! Con số đó so với thị trường chứng khoán toàn cầu tăng hơn 160% trong 20 năm qua (dù được đo bằng Chỉ số World Index hay Chỉ số All-Country Index của MSCI)
Tôi vẫn chưa đề cập đến điều quan trọng nhất, và một lý do hiển nhiên cho diễn biến yếu kém của thị trường này, ít nhất là trong những năm gần đây: Brexit. Đó là một lực cản trong dài hạn đối với nền kinh tế trong nước nhưng liệu hiện tại nó có đang bị quan trọng hóa hay không? Theo dự báo được đồng thuận, Vương quốc Anh sẽ phát triển nhanh hơn vào năm 2021 so với tất cả các nước G-10 ngoại trừ Hoa Kỳ và Canada.
Và điều đó chỉ ra một điểm tích cực đối với Vương quốc Anh mà có thể vẫn chưa được xem xét đầy đủ: quốc gia này là một trong những nước dẫn đầu toàn cầu khi nói đến chương trình tiêm chủng tích vắc-xin, sẽ là một yếu tố ủng hộ mạnh mẽ vì nó sẽ chứng kiến niềm tin của người tiêu dùng được nâng cao và tinh thần của nền kinh tế được hồi sinh sớm hơn nhiều so với phần lớn phần còn lại của thế giới.
Nhưng FTSE 100 không chỉ là câu chuyện trong nước, vì một phần đáng kể doanh thu của các công ty đến từ nước ngoài. Điều này có thể cung cấp thêm bảo hiểm cho các nhà đầu tư trong nước nếu Brexit tiếp tục đè nặng lên giá trị đồng Bảng Anh. Có thể kết luận của bài viết này là đã đến lúc cần phân biệt rõ hơn khi đánh giá triển vọng của các công ty Vương Quốc Anh và đồng tiền nước này?
Mark Cudmore, Bloomberg