Thị trường giao dịch NFTs - Mảnh đất phát triển màu mỡ của tương lai
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Những đặc tính riêng biệt của NFT hứa hẹn sẽ mang tới tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai
NFT (Non-fungible token) là một bản ghi chép đại diện cho một sản phẩm kỹ thuật số: một bức ảnh, văn bản hay video. Sau khi được sáng tạo vào năm 2014, NFTs đã chứng kiến một cơn sốt nhỏ vào năm 2017 khi "cryptokitties" - một bức ảnh của một chú mèo kỹ thuật số - được bán với giá hàng nghìn USD. Tuy nhiên, loại tài sản này bắt đầu nhận được sự chú ý thực sự vào tháng 3 năm nay khi nhà đấu giá Christie bán một tác phẩm của nghệ sỹ kỹ thuật số Beeple với số tiền 69.3 triệu USD.
Hình ảnh chú mèo CryptoKitties
Hiện tại, tổng giá trị của các sản phẩm NFT phát hành trên mạng lưới Ethereum đang ở mức 14.3 tỷ USD, so với khoảng 340 triệu USD vào năm ngoái. Theo khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường Harris vào tháng 3 năm nay, 11% số người Mỹ được hỏi nói rằng họ đã mua một NTF (chỉ ít hơn 1% so với số người đầu tư vào hàng hóa). Các nhà phân tích tại ngân hàng Jefferies kỳ vọng tổng giá trị của NFT sẽ tăng gấp đôi vào năm tới và đạt mức 80 tỷ USD vào năm 2025.
Bức tranh kỹ thuật số Beeple
Khác với bitcoin hay các đồng tiền kỹ thuật số khác, mỗi NFT đều là độc nhất, bao gồm trong đó tên và đường dẫn tới tác phẩm. Tuy vậy, nó hoàn toàn có thể được xem, sao chép hay tải xuống bởi bất kỳ ai.
NFTs có những đặc tính hữu ích tiềm năm trong tương lai. Do được lưu trữ trên một hệ thống chuỗi khối mở, lịch sử giao dịch của mỗi NFT sẽ đều được công khai. Điều này cho phép việc quy định các tính năng cho phép trong các giao dịch mua bán. Các nghệ sỹ kỹ thuật số có thể giữ lại một phần lợi ích từ các sản phẩm của mình mỗi khi chúng được bán lại. Đây là điều mà các nghệ sỹ ít tên tuổi khó có được thông qua phương thức truyền thống.
Khối lượng giao dịch hàng tháng của NFT trên các nền tảng nghệ thuật, bao gồm Nifty Gateway và Foundation, đã đạt mức 205 triệu USD vào tháng 3/2021 với đỉnh cao là tác phẩm Beeple. Cơn sốt đối với các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số sau đó đã hạ nhiệt bớt. Tuy nhiên, thị trường giao dịch NFT vẫn đang phát triển.
Rất nhiều nhà phát triển đang thử nghiệp xây dựng một nền kinh tế số mới, nơi tất cả mọi thứ bạn làm trên mạng sẽ được đưa qua các ứng dụng phi tập trung được sở hữu và vận hành bởi các người dùng. Việc phân phối các nội dung số như tranh ảnh, video cuối cùng có thể được thực hiện qua các NFT. Điều này đang được thực hiện trong lĩnh vực gaming mà nổi bật nhất đó là tựa game "Axie Infinity" với khoảng 250 nghìn người chơi trực tuyến mỗi ngày. Người chơi có thể thu lượm, nuôi dưỡng, chiến đấu và trao đổi các sinh vật trong game vốn được số hóa dưới dạng NFT.
Bên cạnh đó, NFT còn có thể được ứng dụng trong thế giới thực. Một số các trường đại học đang ứng dụng công nghệ này nhằm gây quỹ cho hoạt động nghiên cứu. Đại học California tại Berkeley đã huy động được 50 nghìn USD bằng cách bán một NFT bao gồm các tài liệu liên quan tới nghiên cứu đạt giải Nobel về điều trị ung thư. Quốc gia San Marino cũng chấp thuận việc sử dụng NFT làm hộ chiếu vắc-xin điện tử.
Tuy vậy, cũng giống như bất cứ công nghệ mới nào, NFT cũng có những nhược điểm riêng. Giới hạn về công nghệ khi mới được tạo ra khiến chúng chỉ chứa được đường dẫn tới hình ảnh thay vì chính bức ảnh đó. Điều này tạo ra một điểm yếu: Những kẻ lừa đảo có thể làm hỏng hoặc đổi đường dẫn sau khi giao dịch được hoàn tất. Ngoài ra, danh tính của người mua NFT và nguồn gốc của số tiền sử dụng không phải lúc nào cũng có thể xác định. Tuy vậy, các giải pháp đang được nghiên cứu để khắc phục các vấn đề trên.
Liệu rằng NFT có thể đánh dấu một kỷ nguyên mới về cách mọi người sống cuộc đời của họ trên mạng hay không? Thời gian sẽ mang lại câu trả lời. Dẫu vậy nó hoàn toàn đáng để được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn.
The Economist