Thị trường lao động Canada bất ngờ giảm sút trong tháng 3
Ngọc Lan
Junior Editor
Thị trường lao động Canada bất ngờ giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 2 năm, cho thấy nền kinh tế ngày càng trì trệ, đặt ra thách thức cho Ngân hàng Trung ương trong việc có nên bắt đầu cắt giảm lãi suất trong thời điểm hiện tại không.
Theo báo cáo của Statistics Canada được công bố hôm thứ Sáu tại Ottawa, Canada đã mất 2,200 việc làm trong tháng 3 và tỷ lệ thất nghiệp tăng 0.3 điểm phần trăm lên 6.1%. Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng về mức tăng 25,000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp là 5.9%, theo ước tính của cuộc khảo sát các nhà kinh tế của Bloomberg.
Đây là lần đầu tiên số việc làm giảm kể từ tháng 7 và là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ tháng 1/2022. Ngoài quãng thời gian đại dịch Covid, Canada chưa từng có tỷ lệ thất nghiệp trên 6% kể từ năm 2017.
Dữ liệu của Mỹ được công bố cùng thời điểm cho thấy nước này đã tạo thêm 303,000 việc làm trong tháng 3, vượt các ước tính. Sau các báo cáo này, đồng CAD đã có mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 2 và được giao dịch USDCAD ở mức 1.3645. Lợi suất trái phiếu chính phủ Canada kỳ hạn 2 năm giảm khoảng 4 bsp trong ngày, xuống còn 4.14%.
Dữ liệu của Canada cho thấy sự suy yếu dần của thị trường lao động, củng cố thêm bằng chứng cho thấy BoC có thể sẽ sớm cần phải cân nhắc cắt giảm lãi suất. Mức giảm việc làm trong tháng 3, tiếp nối sau giai đoạn tuyển dụng chậm hơn so với gia tăng dân số trong vài tháng qua, có thể giúp thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng có đủ tiền đề để lạm phát đi xuống ổn định về mức mục tiêu 2%.
“Các vết nứt đang xuất hiện trên thị trường lao động Canada đột nhiên trở nên rộng hơn rất nhiều,” Andrew Grantham, nhà kinh tế tại Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada, cho biết trong báo cáo gửi các nhà đầu tư.
“Mặc dù thị trường đã giảm bớt kỳ vọng về lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của BoC sau dữ liệu tăng trưởng GDP vào đầu năm, nhưng dữ liệu về lực lượng lao động hôm nay có thể khiến họ điều chỉnh lại kỳ vọng đó cho gần hơn với dự đoán của chúng tôi về động thái đầu tiên vào tháng 6.”
Tháng trước, Thống đốc Tiff Macklem và các quan chức của ông đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 5% trong 5 kỳ họp liên tiếp, thừa nhận những tiến bộ trong việc kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để cân nhắc nới lỏng chính sách. Macklem cho biết có những dấu hiệu cho thấy áp lực lương có thể đang giảm bớt khi thị trường lao động dần dần nới lỏng.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Canada tăng
Đây là báo cáo việc làm thứ hai trước khi BoC đưa ra quyết định lãi suất tiếp theo vào ngày 10/4, thời điểm các nhà hoạch định chính sách cập nhật dự báo của họ. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg dự đoán ngân hàng sẽ giữ nguyên lãi suất một lần nữa vào tuần tới và nhiều người trong số họ kỳ vọng chu kỳ nới lỏng sẽ bắt đầu vào cuộc họp trong tháng 6 tới. Thị trường dự đoán khoảng 80% khả năng cắt giảm lãi suất vào cùng tháng này.
"Cuối cùng, dữ liệu hôm nay xác nhận rằng nền kinh tế Canada không mạnh như dữ liệu GDP chính thức và như BoC đang thể hiện, và việc cần thiết là phải cắt giảm lãi suất đáng kể để tránh sự đảo chiều tồi tệ hơn," Simon Harvey, Trưởng nhóm phân tích ngoại hối tại Monex Canada, cho biết trong một email.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng trong tháng 3 là do có thêm 60,000 người đang tìm kiếm việc làm hoặc tạm thời nghỉ việc, nâng tổng số người thất nghiệp lên 1.3 triệu người.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữ nguyên ở mức 65.3% trong 3 tháng liên tiếp. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động có việc làm giảm 0.1 điểm phần trăm xuống 61.4%, đây là tháng giảm thứ 6 liên tiếp.
Trong suốt năm qua, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 0.9 điểm phần trăm do việc 324,000 việc làm mới vẫn không theo kịp với mức tăng trưởng 1 triệu người trong độ tuổi lao động. Vào năm 2023, dân số Canada tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm là 3.2%, thuộc nhóm nhanh nhất thế giới do mức nhập cư cao.
BoC có thể sẽ nhìn nhận những kết quả tổng thể này như một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát sẽ giảm xuống trong tương lai. Douglas Porter, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Montreal, cho biết trong báo cáo gửi các nhà đầu tư, BoC sẽ chờ đợi thêm một vài số liệu lạm phát tiếp theo, nhưng khả năng cao sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
“Vì vậy, ngay cả với việc điều chỉnh tăng trưởng GDP, ngân hàng khả năng cao vẫn sẽ giữ quan điểm dovish hơn tại cuộc họp chính sách vào tuần tới,” Porter nói.
Tổng số giờ làm việc trong tháng 3 hầu như không thay đổi so với tháng trước nhưng tăng 0.7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng lương cho nhân viên chính thức tăng nhẹ lên 5%, khớp với dự đoán và tăng so với mức 4.9% của tháng trước.
Số lượng mất việc chủ yếu đến từ lĩnh vực dịch vụ ăn uống, với giảm sút 27,000 việc làm. Ngành bán buôn, bán lẻ và các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật cũng ghi nhận tình trạng mất việc. Ngược lại, lĩnh vực y tế, trợ giúp xã hội và xây dựng lại có mức tăng việc làm đáng kể.
Việc làm giảm ở khu vực Quebec, Saskatchewan và Manitoba. Mặc dù Ontario có tăng việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh này vẫn tăng 0.2 điểm phần trăm lên 6.7% do có thêm nhiều người tham gia tìm kiếm việc làm.
Khu vực St. Catharines-Niagara của Ontario chứng kiến mức tăng tỷ lệ thất nghiệp theo năm cao nhất lên 7.6%, mức cao nhất trong số các trung tâm dân cư lớn. Tỷ lệ thất nghiệp của Toronto và Windsor đạt 7.5% vào tháng 3.
Bloomberg