Thiếu hụt nguồn cung - vấn đề nhức nhối nhất đối với nước Mỹ hiện tại
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Số lần lặp lại khái niệm "thiếu hụt" đã tăng vọt trong báo cáo Beige Book mới nhất của Fed
Tại San Francisco, các cửa hàng đã không còn các sản phẩm từ giấy và thực phẩm. Các nhà thầu xây dựng tại Dallas báo cáo về tình trạng khan hiếm cửa kính, gạch và thiết bị gia dụng. Tại Chicago, các nhà sản xuất cho biết họ đang thiếu hụt các nguyên vật liệu như nhôm, thép, đồng, chất dẻo, giấy, keo và chip điện tử. Đó là tình trạng thiếu hụt mà các doanh nghiệp Mỹ đang phải đối mặt và đã được nhắc tới trong báo cáo Beige Book của Fed vừa được công bố trong tuần này.
Số lần sử dụng khái niệm "thiếu hụt" đã có xu hướng tăng vọt trong báo cáo lần này của Fed mà cụ thể là 70 lần - nhiều nhất kể từ sự kiện cấm vận dầu mỏ của các nước Ả rập đối với Mỹ vào năm 1973. Sự kiện này khi đó đã dẫn tới sự thiếu hụt năng lượng lan rộng tại Mỹ. Lần gần nhất mà vấn đề thiếu hụt trở thành một mối lo ngại lớn đối với nước Mỹ là vào năm 1999 khi bong bóng Dotcom và sự bùng nổ của nền kinh tế dẫn tới sự thiếu hụt lao động trong ngành bán lẻ, xây dựng và công nghệ.
Sự thiếu hụt hiện tại xuất phát từ sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu và sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng. Bắt đầu tư năm 2020, khi đại dịch khiến người dân buộc phải ở nhà và mua sắm online. Với sự hỗ trợ từ các gói trợ cấp từ chính phủ, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đã ngày càng một mạnh mẽ trong năm nay.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn để bắt kịp sự gia tăng của nhu cầu. Sự thiếu hụt nhân công tại các bến cảng, lái xe và công nhân đường sắt khiến cho sự lưu chuyển hàng hóa trong nước trở nên khó khăn. Ngoài ra, quá trình vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng trở nên đắt đỏ và chậm chạp hơn một phần bởi sự bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc. Theo ghi nhận bởi Freightos, nơi giao dịch các hoạt động vận chuyển, chi phí vận chuyển trung bình cho một container 40 foot từ Thượng Hải tới Los Angeles là hiện khoảng 17,400 USD so với mức 3,700 USD một năm trước. Lao động cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt bất chấp những lời đề nghị với mức lương thưởng cao hơn.
Tình trạng trên nhiều khả năng sẽ chưa thể qua đi trong tương lai gần. Lực lượng lao động của Mỹ đã thu hẹp khoảng 4 triệu người so với mức trước đại dịch, một phần bởi mọi người vẫn chưa sẵn sàng để quay trở lại làm việc do lo ngại dịch bệnh. Báo cáo Beige Book ghi nhận việc các gói trợ cấp thất nghiệp hết hạn và năm học mới bắt đầu đã không thể tăng cường nguồn cung cho thị trường lao động như kỳ vọng.
Số lần khái niệm "thiếu hụt" được nhắc tới trong báo cáo Beige Book trong lịch sử
Tình trạng nghẽn cổ chai của chuỗi cung ứng cũng sẽ chưa được giải quyết trong vài tháng tới. IKEA, nhà sản xuất nội thất Thụy Điển, dự kiến sự đứt gãy sẽ kéo dài sang năm 2022. Đối với chip điện tử vốn đang làm đình trệ quá trình sản xuất xe oto, các nhà cung cấp tại New York cho biết tình hình trước mắt vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Vấn đề trên đặt Fed vào tình thế khá khó xử. Sự bất cân xứng giữa cung và cầu là một cấu phần lớn gây áp lực lên lạm phát. Rất nhiều nhà phân tích kỳ vọng rằng Fed sẽ công bố kế hoạch thu hẹp nới lỏng vào tháng 11 tới. Động thái này có thể sẽ làm hạ nhiệt bớt nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên điều này sẽ không giúp cho các doanh nghiệp lấp đầy các kho hàng của mình và thậm chí tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp nhỏ.
The Economist