Thỏa thuận quỹ phục hồi mang tính lịch sử và sự hồi sinh của đồng Euro
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Đã có một sự thay đổi khổng lồ với “vận may” của đồng Euro. Các nhà quản lý quỹ đang có cái nhìn lạc quan nhất từ trước đến nay về triển vọng của đồng tiền chung châu Âu sau tháng tăng mạnh nhất của nó trong gần một thập kỷ.
Đó là bởi vì Quỹ cứu trợ mang tính bước ngoặt của Liên minh châu Âu đã có tác động to lớn trong việc xoa dịu những lo ngại về rủi ro cấu trúc của khối, và những nỗ lực để kiểm soát virus COVID-19 và phục hồi nền kinh tế có vẻ đặc biệt hứa hẹn hơn so với Hoa Kỳ. Những yếu tố này đang tạo tiền đề cho một sự thay đổi lâu dài ở đồng Euro.
“Đây không phải là vấn đề về tăng trưởng trong năm nay, năm sau hay các dự đoán về chu kỳ - nó thực sự là một cái gì đó mang tính cấu trúc tổng thể hơn,” Nicolas Veron, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết. Ông cũng nói thêm rằng: “Thỏa thuận ngân sách thay đổi cách thị trường tài chính nhìn nhận về khu vực đồng Euro theo một cách đáng kể. Đó là một sự củng cố lớn cho EU và đồng Euro.”
Sự phấn khích về thay đổi lớn lao của đồng Euro cũng đã khiến các cổ phiếu (thường thấy nhu cầu giảm khi đồng tiền nước đó mạnh lên) tăng giá, khi các trader tìm kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch tăng trưởng giữa Châu Âu và Mỹ. Và lợi suất trên một số TPCP có lợi suất cao nhất trong khối 27 thành viên đã giảm mạnh xuống mức trước khi các biện pháp phong tỏa được triển khai.
Sự thay đổi lớn
Nền tảng cho sự thay đổi “vận may” của đồng Euro là gói cứu trợ 750 tỷ Euro (882 tỷ Dollar) mang tính bước ngoặt của EU. Thỏa thuận, được đưa ra vào tháng 7 để giúp hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, đã thành công trong khi nhiều năm tranh cãi chính trị đã thất bại. Quỹ giải cứu này, sẽ được tài trợ bởi việc phát hành trái phiếu chung, đã giúp xoa dịu nỗi lo tan vỡ khối.
Cùng với các chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, sự khác biệt về lợi suất giữa TPCP Ý và Đức, một thước đo tâm lý rủi ro ở châu Âu đã tăng vọt trong tháng 3, hiện đã giảm về gần mức thấp nhất kể từ tháng 2.
“Đó là một câu chuyện mang tính ảnh hưởng cao đối với đồng Euro,” Tony Small, người đứng đầu chiến lược lãi suất châu Âu tại Morgan Stanley cho biết. "Một phần lớn những tin đồn liên quan đến sự sụp đổ của đồng Euro có thể sẽ được coi là đã biến mất, và thay vào đó là một tổ chức phát hành trái phiếu chất lượng cao, điều này sẽ kéo toàn bộ chất lượng tín dụng của đồng Euro đi lên."
Mức tăng 4.8% của đồng Euro trong tháng 7 đã đưa đồng tiền này bứt phá lên trên đường xu hướng giảm đã giới hạn các xu hướng tăng giá kể từ năm 2008, mở ra tiềm năng nới rộng các xu hướng tăng giá khác. Nó cũng thúc đẩy các nhà phân tích gấp rút điều chỉnh dự báo của họ lên cao hơn.
Và trong khi đồng tiền này đã giảm nhẹ trên thị trường giao ngay trong tháng 8, các vị thế mua ròng trên thị trường hợp đồng tương lai đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, theo dữ liệu của CFTC.
So sánh với đồng Dollar
Các yếu tố cơ bản của đồng tiền này đặc biệt mạnh mẽ khi so sánh với đồng Dollar, vốn đang bị bán ròng so với các đồng tiền chính khác ở mức cao nhất kể từ năm 2012, theo tính toán của Bloomberg về dữ liệu CFTC.
Chỉ số DXY đã trải qua tháng 7 tồi tệ nhất kể từ năm 2010, đóng cửa tháng gần mức thấp nhất trong gần hai năm. Nó đang bị đè nặng bởi số lượng ca nhiễm ngày càng tăng ở Mỹ, hiện đã vượt quá 5 triệu người, phản ứng rời rạc của quốc gia này đối với COVID-19, sự bế tắc của Washington đối với dự luật cứu trợ kinh tế mới và cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vào tháng 11.
Những rủi ro này có lợi cho đồng Euro.
Có những dấu hiệu cho thấy khu vực đồng Euro đã thành công trong việc phá vỡ mối liên kết giữa việc các nền kinh tế đang mở cửa trở lại và sự tái bùng phát COVID-19, giúp thúc đẩy dự báo tăng trưởng. Mặc dù các biện pháp phong tỏa và sự suy thoái ban đầu của châu Âu là lớn hơn, nhưng GDP vẫn được dự báo tăng 5.5% vào năm 2021, cao hơn khoảng 1.5% so với Mỹ, theo ước tính của Bloomberg.
Điều đó chỉ xảy ra 8 lần kể từ năm 1992, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Lợi suất thực
Tuy nhiên, có những lo ngại ngày càng tăng về các đợt bùng phát lây nhiễm mới ở châu Âu. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins và Bloomberg News, số ca nhiễm mới được xác nhận ở Đức, nền kinh tế lớn nhất của lục địa già, đã tăng hơn 6,000 ca trong 7 ngày tính đến Chủ nhật, mức cao nhất kể từ tháng 5.
“Vẫn tồn tại rủi ro về những đợt bùng phát mới, đặc biệt là khi chúng ta bước vào mùa đông,” Iain Begg, một nhà nghiên cứu tại Viện Châu Âu của London School of Economics cho biết. “Đối với tôi, phạm vi chính sách - cả chính sách kinh tế và chính sách ngăn chặn đại dịch ở châu Âu - dường như hiệu quả hơn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe và khủng hoảng kinh tế so với nước Mỹ”.
Với lợi suất thực của Mỹ nằm ở mức thấp kỷ lục và giảm nhanh hơn so với các nơi khác, các khoản đầu tư đang đổ ngược vào châu Âu, nơi mà phản ứng của chính phủ đối với COVID-19 có vẻ dễ đoán hơn, Jordan Rochester, nhà phân tích ngoại hối G-10 đến từ Nomura International cho biết.
Cho đến khi những động lực đó thay đổi hoặc có làn sóng lây nhiễm thứ hai, Kenneth Broux, chiến lược gia tại Societe Generale SA ở London, khuyến nghị buy on dip đồng Euro trong trung hạn.
“Đó không chỉ là tăng trưởng,” Peter Chatwell, người đứng đầu chiến lược đa tài sản tại Mizuho International Plc cho biết. Ông cũng là dự báo EUR/USD sẽ tăng lên mốc 1.3000 vào tháng 7/2021.“ Về mặt chính trị, đồng euro chưa bao giờ mạnh như lúc này, và nó chưa bao giờ gần được xây dựng đúng như thế này. "