Thuế quan Trump: Gánh nặng thương mại mà Canada không mong muốn
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Với mức thuế quan 10% mà Trump đề xuất (và giả sử Canada sẽ đáp trả mạnh mẽ lên hàng nhập khẩu từ Mỹ), nền kinh tế Canada sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. GDP thực có thể giảm khoảng 2.4 ppts trong vòng 2 năm so với dự báo.
Tóm tắt:
- Với mức thuế quan 10% mà Trump đề xuất (và giả sử Canada sẽ đáp trả mạnh mẽ lên hàng nhập khẩu từ Mỹ), nền kinh tế Canada sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. GDP thực có thể giảm khoảng 2.4 ppts trong vòng 2 năm so với dự báo.
- Đây có thể là một kịch bản tồi tệ nhất vì các mô hình kinh tế thường đánh giá thấp tác động giảm nhẹ sau cú sốc. Ví dụ, cách mà Canada đáp trả có thể mang tính chiến lược và tập trung, trong khi sự điều chỉnh hành vi của các nhà sản xuất và người tiêu dùng sẽ giúp giảm bớt tác động tiêu cực.
- Chúng tôi lạc quan rằng Canada sẽ tránh được việc bị áp thuế quan toàn diện. Nguy cơ thuế quan làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy lạm phát tăng cao là đủ để Mỹ không áp thuế lên Canada.
- Cuối cùng, việc sử dụng thuế quan như một công cụ thương lượng buộc Canada nhượng bộ trong quá trình đàm phán lại USMCA năm 2026 có thể là lựa chọn tốt nhất và cũng có khả năng cao nhất mà Trump sẽ theo đuổi.
Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sắp diễn ra và kết quả cuối cùng vẫn là một ẩn số. Chúng tôi vừa công bố một bài viết nêu rõ những tác động kinh tế và tài khóa của các chính sách mà hai ứng viên tổng thống đề xuất. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào đề xuất áp thuế của Trump – cụ thể là mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ – và tác động tiềm ẩn đối với nền kinh tế Canada.
Với giá trị giao thương khoảng 3.6 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ giữa Canada - Hoa Kỳ mỗi ngày, gần như chắc chắn rằng mức thuế này sẽ gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với nền kinh tế Canada. Tuy nhiên, chúng tôi lập luận rằng kịch bản “xấu nhất” này khó có thể xảy ra. Thay vì áp thuế đồng loạt, một kịch bản khả thi hơn là Canada và Hoa Kỳ sẽ đạt được thỏa thuận nhượng bộ trong quá trình rà soát Thỏa thuận Hoa Kỳ - Mexico - Canada (USMCA) vào năm 2026.
Biểu đồ 1: Thương mại nội khối được thúc đẩy nhờ Hiệp định USMCA
Hợp tác thương mại mang tính quyết định
Điều đáng chú ý là các mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Canada (và Mexico) vào thời điểm thương mại giữa ba nước đang phát triển mạnh mẽ, mặc dù vẫn còn tồn đọng một số căng thẳng. Tính đến năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Canada, Mỹ và Mexico đã vượt mốc 1.5 nghìn tỷ USD, cao hơn gần 30% so với năm 2019 (Biểu đồ 1). Trước những căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, việc thông qua Hiệp định USMCA năm 2020 – được chính cựu Tổng thống Trump thúc đẩy trong nhiệm kỳ đầu tiên – đã đưa Canada và Mexico lên vị trí hàng đầu trong danh sách các đối tác nhập khẩu lớn nhất của Mỹ.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại này, hiện hơn 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada là sang thị trường Mỹ, mức cao nhất kể từ năm 2006. Đồng thời, Canada là thị trường xuất khẩu hàng đầu của hơn 30 tiểu bang của Mỹ. Xuất khẩu năng lượng của Canada sang Mỹ đang dẫn đầu, chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này. Tỷ trọng này tăng lên gần 50% nếu tính cả xuất khẩu ô tô. Canada cũng có thặng dư thương mại hàng hóa lớn với Mỹ, chiếm hơn 7% GDP, chủ yếu nhờ xuất khẩu năng lượng. Ngoài năng lượng, thặng dư từ các mặt hàng khác cũng đã tăng lên kể từ khi USMCA có hiệu lực.
Trong khi tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ từ Canada ổn định ở mức khoảng 13% trong những năm gần đây, thì tỷ trọng này từ Mexico lại tăng đều – từ 13% năm 2016 lên hơn 15% vào năm ngoái. Thặng dư thương mại của Mexico với Mỹ hiện ở mức cao, tương đương 17% GDP.
Thuế quan 10% sẽ tác động mạnh đến Canada
Để đánh giá tác động của một mức thuế quan áp dụng cho tất cả các mặt hàng đến nền kinh tế Canada, chúng tôi đã đưa ra những giả định sau:
- Mặc dù Tổng thống Trump đã đề xuất mức thuế 20%, chúng tôi giả định rằng ông sẽ giữ nguyên đề xuất ban đầu là mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ Canada. Nói cách khác, Canada sẽ không được miễn thuế.
- Canada sẽ đáp trả bằng cách áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với mức tương tự.
- Các mức thuế sẽ được áp dụng dần từ đầu năm 2025 và sẽ được gỡ bỏ vào năm 2027, sau khi chúng tôi tin rằng hiệp định USMCA sẽ được gia hạn thành công.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nếu kế hoạch thuế quan được áp dụng hoàn toàn, khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Canada sang Mỹ có thể giảm gần 5% vào đầu năm 2027, so với dự báo hiện tại của chúng tôi (Biểu đồ 2). Việc Canada trả đũa sẽ làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất trong nước và làm giảm khối lượng hàng hóa nhập khẩu. Sự giảm này sẽ phần nào giảm bớt tác động tiêu cực lên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giúp Canada tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn sẽ trải qua một giai đoạn trì trệ kéo dài trong hai năm 2025 và 2026 (Biểu đồ 3). Mức tăng này vẫn thấp hơn so với GDP tiềm năng, dẫn đến sản lượng giảm 2.4% vào cuối năm 2026 so với các ước tính ban đầu.
Biểu đồ 2: Xuất khẩu của Canada sang Mỹ gần như sẽ chững lại dưới tác động của thuế quan do Trump áp đặt
Biểu đồ 3: GDP thực của Canada sẽ rơi vào tình trạng trì trệ
Khi chênh lệch sản lượng gia tăng, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) có thể sẽ phải tiếp tục nới lỏng lãi suất thêm 50–75 bps, làm tăng thêm chênh lệch với lãi suất Mỹ và tạo áp lực giảm giá lên đồng đô la Canada. Các loại thuế quan gây tác động tiêu cực lên thu nhập của người Canada khi họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu, điều này sẽ dẫn đến mức tăng nhẹ và tạm thời của lạm phát lên khoảng 2.5–3.0% y/y trước khi quay trở về mục tiêu 2% của BoC vào năm 2026 (Biểu đồ 4).
Xét theo từng ngành, ngành ô tô sẽ chịu tác động tiêu cực sâu sắc nhất. Chuỗi cung ứng ô tô là một trong những chuỗi được tích hợp chặt chẽ và khó đa dạng hóa nhất, thể hiện qua gần 20% các mặt hàng trung gian được nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài ngành ô tô, các ngành năng lượng, sản xuất hóa chất/ nhựa/ cao su, sản phẩm lâm nghiệp và máy móc đều phụ thuộc đáng kể vào thị trường Mỹ (Biểu đồ 5). Ngành khai thác kim loại, khoáng sản phi kim loại và ngành nông nghiệp chịu tác động ít hơn, do chỉ khoảng 25% và 50% sản lượng xuất khẩu của các ngành này được xuất sang thị trường Mỹ.
Biểu đồ 4: Giá nhập khẩu cao hơn sẽ ảnh hưởng đến lạm phát ở Canada
Biểu đồ 5: Các ngành của Canada có mức độ tiếp xúc khác nhau với thị trường Mỹ
Hạn chế của Mô hình Dự báo
Các tác động mạnh mẽ mà chúng tôi đã mô hình hóa không khác biệt so với dự báo từ các tổ chức khác. Tuy nhiên, kết quả này có thể là một kịch bản tệ nhất.
Một hạn chế chính của các mô hình dự báo là chúng thường đánh giá thấp tác động của các điều chỉnh hành vi nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực. Trước các rào cản thuế quan, các công ty Canada có khả năng sẽ thích ứng bằng cách tìm nguồn cung mới hoặc phát triển chuỗi cung ứng thay thế, trong khi người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế khi có thể. Chúng tôi không loại trừ khả năng thuế quan có thể gây ra lạm phát thông qua việc tăng giá cho người tiêu dùng, nhưng khả năng cao là các nhà sản xuất Canada sẽ chọn hấp thụ một phần chi phí thuế quan thay vì chuyển toàn bộ gánh nặng lên người tiêu dùng. Mức độ mà các công ty chấp nhận giảm lợi nhuận và sự sẵn có của các sản phẩm thay thế sẽ quyết định phần lớn đến tác động cuối cùng lên thu nhập thực tế của các hộ gia đình.
Thêm vào đó, nếu tất cả các hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Canada sang Mỹ đều bị áp thuế, mức độ mở cửa cao của Canada có thể giúp nước này đa dạng hóa nhập khẩu và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp giảm thiểu phần nào tác động tiêu cực. Trong kịch bản này, các đối tác thương mại như Mexico, EU và Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng.
Cuối cùng, chiến lược trả đũa của Canada có thể sẽ mang tính chọn lọc và chiến lược hơn thay vì áp dụng rộng rãi cho tất cả hàng xuất khẩu của Mỹ. Điều này tương tự như hành động của Canada vào năm 2018 khi nước này công bố danh sách hàng tiêu dùng sẽ chịu thuế 10%, bên cạnh các sản phẩm thép và nhôm. Từ rượu whisky đến nước cam và máy cắt cỏ đến siro cây phong (maple syrup), các loại hàng hóa này được chọn lọc kỹ càng để gây tổn hại đến các bang có nhiều cử tri Đảng Cộng hòa và các bang dao động, đồng thời bảo vệ các nhà sản xuất và người tiêu dùng Canada. Canada có thể sẽ ưu tiên một giải pháp nhằm miễn thuế hoàn toàn, nhưng trong trường hợp không đạt được, một cách tiếp cận trả đũa có chọn lọc sẽ là lựa chọn hàng đầu.
Có lẽ lý trí sẽ chiến thắng
Bỏ qua một số sai sót trong mô hình dự báo, chúng tôi vẫn lạc quan rằng cuối cùng Canada sẽ tránh được tình trạng áp thuế quan sâu rộng và toàn diện
- Bài học từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump – cựu Tổng thống từng nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế lên Canada trong thời gian nắm quyền trước đây. Đề xuất áp thuế 30% lên xuất khẩu ô tô của ông đã khiến thị trường chấn động. Tuy nhiên, phần lớn các đe dọa này không được thực hiện và những biện pháp đã thực hiện thì mang tính chọn lọc hơn so với dự báo. Đáng chú ý, mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Canada, được áp dụng vào năm 2018, có tác động đến một số ngành công nghiệp cụ thể nhưng không ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô. Các nhà sản xuất Canada đã nhanh chóng điều chỉnh khi thuế quan được áp dụng, điều này thể hiện qua sự giảm sút về khối lượng thương mại (Biểu đồ 6). Ngoài ra, Canada cũng áp thuế trả đũa lên thép và nhôm nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Cuối cùng, Canada đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ để gỡ bỏ thuế vào tháng 5 năm 2019, gần một năm sau khi thuế quan có hiệu lực.
Biểu đồ 6: Tác động của thuế quan Trump lên thị trường kim loại năm 2018
- Nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và thị trường tài chính Mỹ. Mặc dù trong chiến dịch tranh cử, thuế quan được đề cập như một biện pháp nhằm cải thiện việc làm và thúc đẩy nền kinh tế, chúng tôi kỳ vọng rằng sự cân nhắc hợp lý sẽ được đặt lên hàng đầu. Đa số các nhà kinh tế đều đồng thuận rằng việc áp thuế cao, đặc biệt là đối với Canada và Mexico, sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngắn hạn và gây tổn thất cho các doanh nghiệp cũng như người dân Mỹ. Chúng tôi cho rằng cựu Tổng thống sẽ không chấp nhận suy thoái hoặc cú sốc lớn trên thị trường dưới nhiệm kỳ của mình, tuy nhiên, chính sách của ông có thể dẫn đến hệ quả đó. Theo các phân tích của chúng tôi về tác động kinh tế và tài chính của nhiệm kỳ Trump, dự báo rằng so với kịch bản cơ sở, việc Đảng Cộng hòa chiến thắng sẽ khiến tăng trưởng GDP thực tế giảm 1% chỉ riêng do tác động của thuế quan trong suốt nhiệm kỳ. Nguồn thu từ thuế quan theo kế hoạch cũng sẽ không đủ để bù đắp cho các đề xuất cắt giảm thuế, khiến thâm hụt ngân sách dự kiến tăng thêm 3.5-4,0 nghìn tỷ USD. Hơn nữa, gánh nặng thuế quan cuối cùng có khả năng cao sẽ đổ lên vai người tiêu dùng Mỹ.
Đàm phán lại USMCA - Lối thoát của Canada khỏi hàng rào thuế quan
Giữa bối cảnh bất ổn từ các chính sách của Trump, chúng tôi tin rằng kịch bản khả thi nhất là chính quyền Hoa Kỳ sẽ yêu cầu nhượng bộ trong đợt đàm phán lại thỏa thuận USMCA dự kiến vào năm 2026. Cựu Tổng thống đã thừa nhận rằng thuế quan có thể là công cụ hữu hiệu để đạt được các thỏa thuận thương mại tốt hơn cho Hoa Kỳ. Thực tế, cả Trump và Harris đều đã bày tỏ ý định sẽ mở lại đàm phán về thỏa thuận USMCA nếu được bầu.
Dưới đây là một số lĩnh vực ưu tiên mà Hoa Kỳ có thể sẽ muốn Canada điều chỉnh:
- Tăng cường kiểm soát quan hệ thương mại với Trung Quốc
Một trong những biện pháp quan trọng nhất là Canada cần thực thi các chính sách quản lý thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Các phương án có thể bao gồm áp đặt mức thuế tương tự như Hoa Kỳ, tăng cường kiểm soát hải quan để ngăn ngừa gian lận, và thắt chặt các quy định đối với hàng nhập khẩu sử dụng lao động cưỡng bức từ Trung Quốc. Canada cần thể hiện với Hoa Kỳ rằng họ sẵn sàng củng cố mối quan hệ kinh tế thông qua các biện pháp phối hợp chống lại thương mại với Trung Quốc. Gần đây, chính phủ Canada đã áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với các sản phẩm thép và nhôm khác.
Tuy nhiên, nhượng bộ trong lĩnh vực này có thể đẩy Canada vào tâm điểm của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc và gây ra những hệ lụy kinh tế lớn. Quá khứ đã chứng minh rằng Trung Quốc sẵn sàng áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại đối với Canada, như vào năm 2019 khi họ cấm nhập khẩu hạt cải dầu và các sản phẩm khác từ Canada. Kết quả là xuất khẩu hạt cải dầu giảm tới 70% và chỉ phục hồi về mức năm 2018 vào năm ngoái. Điều này có nghĩa là các lĩnh vực nông nghiệp và hàng hóa chủ chốt vẫn sẽ đứng trước rủi ro khi Canada cố gắng đáp ứng yêu cầu từ phía Hoa Kỳ. Gần đây, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá kéo dài một năm đối với hạt cải dầu của Canada để trả đũa các mức thuế mà Canada áp đặt lên họ.
- Thực thi các quy định nghiêm ngặt hơn về sản xuất ô tô
Theo Hiệp định USMCA, một chiếc ô tô hoặc xe tải sẽ được miễn thuế nếu 75% các linh kiện của nó được sản xuất tại Bắc Mỹ. Trong khi đó, yêu cầu tương ứng theo NAFTA chỉ là 62.5%. Mục tiêu của việc tăng tỷ lệ này là khuyến khích nhiều hoạt động sản xuất trong ngành công nghiệp ô tô được thực hiện tại Bắc Mỹ. Tại thời điểm ký kết, đã có sự bất đồng giữa Mỹ và Canada (cũng như Mexico) về cách tính toán nguồn gốc của các bộ phận ô tô. Cuối cùng, Mỹ đã thua trong một tranh chấp pháp lý với Canada và Mexico, trong đó ủng hộ cách giải thích của hai nước này về nội dung giá trị khu vực (RVC) so với quan điểm của Mỹ cho rằng việc tính toán nên nghiêm ngặt hơn. Mỹ có khả năng sẽ muốn đưa vấn đề này trở lại bàn đàm phán vào năm 2026.
- Hệ thống Quản lý cung ứng sữa và gia cầm của Canada
Vào những năm 1970, Canada đã triển khai một hệ thống sử dụng hạn ngạch sản xuất và thuế nhập khẩu như một cách để bảo vệ ngành công nghiệp sữa và gia cầm. Canada đã không từ bỏ hệ thống quản lý này khi Hiệp định USMCA ban đầu được ký kết, nhưng họ đã cam kết nâng cao khả năng tiếp cận thị trường với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã liên tục cáo buộc rằng Canada đang thực hiện cam kết một cách không đúng đắn. Trong vòng đàm phán tiếp theo, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ xem xét vấn đề này bằng cách yêu cầu thực thi nghiêm ngặt hơn đối với thỏa thuận hiện tại hoặc yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn hệ thống. Mặc dù những thay đổi này có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến ngành công nghiệp sữa và gia cầm của Canada, nhưng tác động vĩ mô của chúng sẽ là tối thiểu do đóng góp nhỏ bé của ngành này vào tổng kim ngạch thương mại.
- Thuế Dịch vụ Kỹ thuật số (DST)
Canada đã áp dụng Thuế Dịch vụ Kỹ thuật số (DST) trong năm nay, đánh thuế 3% đối với doanh thu trên 20 triệu USD từ các dịch vụ trực tuyến tại Canada của các công ty Mỹ (và các công ty nước ngoài khác). Mỹ hiện đang phản đối loại thuế này thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của USMCA. Các quan chức Mỹ cũng đã cảnh báo rằng nếu Canada giữ nguyên mức thuế này, điều đó có thể đe dọa đến các cuộc đàm phán tái thương lượng, vì vậy họ có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên Canada để bãi bỏ thuế.
Kết luận
Mặc dù chúng tôi không loại trừ khả năng Mỹ sẽ áp đặt các mức thuế suất cao đối với hàng xuất khẩu từ Canada nếu cựu Tổng thống trở lại nắm quyền, nhưng chúng tôi tin rằng sẽ có những quyết định sáng suốt hơn. Điều này phản ánh tầm quan trọng của thương mại Canada (cũng như thương mại trên toàn châu lục) đối với nền kinh tế Mỹ - một mối quan hệ đã được củng cố thêm nhờ vào việc Trump ký kết USMCA trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc đạt được thỏa thuận USMCA mới sẽ không gặp phải những trở ngại lớn.
TD Economics