Triển vọng Trung Quốc: thị trường cổ phiếu đang rơi vào giai đoạn khó khăn
Tuấn Hưng
Junior Analyst
Thị trường chứng khoán của nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề từ những yếu tố liên quan đến niềm tin nhà đầu tư. Những nỗ lực vào cuộc của chính phủ Trung Quốc bao gôm việc cắt giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng dường như vẫn là chưa đủ để kéo lại thị trường. Bên cạnh đó, ý kiến của các chuyên gia cho rằng các chính sách tài khóa cũng nên được cân nhắc và thị trường chứng khoán Trung Quốc có nhiều tiềm năng từ mức định giá thấp hiện giờ cũng được đề cập đến trong bài viết.
Chứng khoán trở thành một vấn đề cần tránh đề cập đến ở Trung Quốc những ngày nay.
Năm mới đã chứng kiến những lo ngại về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc, từ đó khiến thị trường chứng khoán khổng lồ của nước này giảm điểm. Với việc Thượng Hải bị soán ngôi thị trường chứng khoán lớn nhất Châu Á và Hồng Kông bị Ấn Độ tạm chiếm vị trí thị trường lớn thứ tư trên thế giới.
Ba năm giảm liên tiếp sau mức đỉnh đạt được vào năm 2021 đã xóa sạch hơn 6 nghìn tỷ USD vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông.
Và không chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp hay những nhà quản lý quỹ ghi nhận sự thua lỗ.
Thị trường chứng khoán của Trung Quốc có hơn 200 triệu nhà đầu tư cá nhân. Nhiều người trong số họ nhìn nhận một cách truyền thống rằng cổ phiếu và thị trường bất động sản là cách để sinh lời trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ở mức rất thấp. Và rồi chỉ để phát hiện ra rằng tài sản của họ bị hao hụt đi từ cả hai kênh đầu tư này.
Điều này đang gây ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng và tác động tiêu cực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu.
Và những tác động lên các nhà đầu tư nhỏ lẻ là rất lớn. Nếu một cá nhân đầu tư 100,000 tệ tương đương với 13,950 USD vào các cổ phiếu thuộc chỉ số CSI 300 theo đuổi sự tăng giá vào đầu năm 2021 thì khoản đầu tư đó đến nay có lẽ đã mất 36% giá trị.
Không dừng lại ở đó, nếu số tiền tương tự được đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc được niêm yết tại Hồng Kông thì sẽ ghi nhận khoản lỗ hơn 60%.
Ngược lại, việc đầu tư khoản tiền đó vào chỉ số S&P 500 hoặc Nikkei 225 đã mang lại lợi nhuận tối thiểu là 30%.
Những khoản lỗ này chủ yếu là do người dân gánh chịu gây ra một rủi ro thực sự đối với Chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ của ông.
Với tình hình đó, các nhà chức tranh đã phải vào cuộc trong tuần này, bắt đầu bằng mệnh lệnh yêu cầu các biện pháp “mạnh mẽ” để bình ổn thị trường của Thủ tướng Lý Cường. Ngân hàng trung ương đột ngột công bố giảm dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Một gói giải cứu trị giá khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ của chính phủ cũng đang được cân nhắc. Những nhà đầu tư lớn cho biết rằng họ nghi ngờ tính khả thi của gói cứu trợ và nghi vấn liệu Bắc Kinh có thực sự giải quyết các vấn đề cấu trúc liên quan đến sự khó khăn của thị trường bất động sản và nền kinh tế. Họ cũng tin rằng chỉ có chính phủ mới có thể hình thành một mức sàn cho thị trường vào lúc này. Một nhà quản lý quỹ cho biết: “nếu không có có sự hỗ trợ từ chính phủ, chúng tôi có thể mất việc”. Một số người đã từ bỏ việc chờ đợi thị trường phục hồi.
Một người bạn của tôi làm trong ngành công nghệ mới bán hết cổ phần của anh ấy trong đợt phục hồi gần đây vì lợi ích sức khỏe tinh thần của anh ấy. Anh ấy chia sẻ rằng: “Cảm giác thật nhẹ nhõm khi bạn không còn phải nhìn chằm chằm vào những khoản lỗ đó nữa. Tôi chỉ tiếc là tôi đã có thể mua chiếc áo Canada Goose vào năm ngoái nhưng tôi lại bỏ tiền vào thị trường chứng khoán vì nghĩ rằng mình đang mua đáy. Và giờ đây, tôi phải chịu lạnh trong mùa đông này.” Vậy tương lai của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ đi về đâu và có ý nghĩa như nào đối với phần còn lại của thế giới? Chúng tôi sẽ đi sâu vào:
Tại sao tâm lý nhà đầu tư lại tiêu cực đến vậy?
Thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn phản ánh nỗi lo của nhà đầu tư đối với sự chậm lại của nền kinh tế bên cạnh khả năng của chính phủ Trung Quốc trong việc chèo lái quốc giá thoát khỏi tình cảnh giảm phát, giải cứu thị trường bất động sản và khơi dậy tinh thần kinh doanh của tư nhân.
Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại tại Gavekal Dragonomics, chi nhánh nghiên cứu Trung Quốc của công ty tư vấn có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong năm qua rõ ràng là một phán xét đối với nền kinh tế Trung Quốc”.
Việc nhà đầu tư nước ngoài thiếu niềm tin vào thị trường cũng là một vấn đề quan trọng Chua Hon Sook đã thông báo trong tuần này rằng quỹ Asia Genesis Macro trị giá 330 triệu USD của ông sẽ ngừng hoạt động sau khi đã nhận định sai lầm về thị trường Trung Quốc và thị trường Nhật Bản. Ông đã đổ lỗi cho việc thiếu các chính sách hành động đến từ phía chính phủ và quyết định không hạ lãi suất trong tháng này của ngân hàng trung ương.
Sự sụt giảm này khác gì so với suy thoái năm 2015?
Khi bong bóng chứng khoán quốc gia vỡ vào năm 2015, chính quyền đã cho phép Tập đoàn Tài chính Chứng khoán Trung Quốc vay số tiền trị giá 3 nghìn tỷ nhân dân tệ để trực tiếp mua cổ phiếu như một cách để bình ổn giá thị trường. Mặc dù động thái này đã giúp ổn định thị trường trong ngắn hạn, nhưng sự hồi phục mới chỉ xuất hiện vào giữa năm 2016 khi nền kinh tế bắt đầu cải thiện.
Gói cứu trợ khổng lồ cũng là một yếu tố. Chính phủ đã cung cấp 3 nghìn tỷ nhân dân tệ để phá dỡ các tòa chung cư cũ cũng như xây dựng và giao bán các tòa mới. Các nhà hoạch định chính sách cũng cắt giảm mạnh lãi suất từ đó thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và nhà đầu tư kinh doanh. Dữ liệu chính thức chỉ ra mức tăng trưởng GDP của năm 2015 là 7%.
Lần này, các quan chức đã thể hiện rằng họ sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ thị trường. Nhưng họ cũng cho biết rằng họ không muốn sử dụng các gói kích thích bằng nợ để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản và nền kinh tế nói chung. Suy cho cùng, mặc cho áp lực giảm phát và nỗi lo về cuộc khủng hoảng tài sản trên khắp cả nước, Trung Quốc vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP vào khoảng 5% trong năm ngoái.
Điều gì khiến chúng ta nên mua cổ phiếu Trung Quốc vào lúc này?
Định giá rẻ. Dựa trên mức thu nhập dự phóng, chỉ số MSCI của Trung Quốc chưa bao giờ rẻ đến mức này so với chỉ số S&P 500.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, một kỷ lục mới đã được ghi nhận khi vốn hóa của thị trường chứng khoán Mỹ hiện đang cao hơn 38 nghìn tỷ USD so với hai thị trường Hồng Kông và Trung Quốc cộng lại.
Theo một số nhà đầu tư, những sự khó khăn của thị trường chứng khoán Trung Quốc đang đem đến mức giá tốt nhất trên toàn cầu.
Charles Gave, người đồng sáng lập Gavekal, cho biết: “Thị trường chứng khoán Trung Quốc bị định giá thấp so với tiền mặt, trái phiếu Trung Quốc, vàng và các thị trường chứng khoán thế giới khác và nó đang ở trong tình trạng hoàn toàn hoảng loạn”. Bridgewater Associates cũng nhắc đến mức định giá hấp dẫn khi chia sẻ với các nhà đầu tư rằng họ nhận định chứng khoán Trung Quốc “có xu hướng tăng vừa phải”, một lời kêu gọi được đưa ra vài ngày trước cú sập mới nhất của thị trường.
Mức định giá rẻ có lẽ cũng là nguyên nhân khiến Jack Ma, người sáng lập Alibaba, mua lại cổ phiếu của chính công ty mình lần đầu tiên sau tám năm. Jack Ma đã mua lại khoảng 50 triệu USD giá trị cổ phiếu trong quý trước, chủ tịch Joseph Tsai đã mua riêng lượng cổ phiếu với số tiền 150 triệu USD trong lần đầu tiên kể từ 2017.
Cần thêm những biện pháp nào để hỗ trợ thị trường?
Đã có nhiều tranh luận xoay quanh việc nới lỏng tiền tệ trong tháng này, nhưng một số nhà kinh tế đang tập trung hơn vào những chính sách tài khóa để có thể cải thiện phần cầu của thị trường.
Vào đầu tháng này, Bộ trưởng tài chính cho biết chi tiêu chính phủ sẽ tăng bên cạnh những cam kết khác từ các quan chức đứng đầu, những người hiểu được sự cần thiết của việc tăng cường hỗ trợ tài khóa.
Bloomberg đưa tin rằng chính phủ đang cân nhắc việc phát hành 139 tỷ USD dưới dạng trái phiếu chính phủ đặc biệt. Khoản tiền này không chỉ hỗ trợ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mà còn giúp tạo ra sự bền vững trong mô hình vay nợ của chính phủ để từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một biện pháp quan trọng khác để hỗ trợ niềm tin của thị trường là cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty tư nhân bằng cách đưa ra những sự bảo vệ tốt hơn với quyền sở hữu tài sản và đưa ra các chính sách cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc phân bổ nguồn lực. Manish Bhargava, nhà quản lý quỹ Straits Investment Holdings tại Singapore, cho biết: “Con đường lấy lại niềm tin và đạt được sự phục hồi bền vững của thị trường chứng khoán có thể sẽ diễn ra dần dần và đòi hỏi những nỗ lực nhất quán từ chính quyền Trung Quốc”.
Bloomberg