Trump: Bài kiểm chứng cho ‘lý thuyết vĩ nhân’
Huyền Trần
Junior Analyst
Donald Trump đặt ra thách thức lớn đối với quan điểm hiện đại coi các lực lượng phi cá nhân là yếu tố chính định hình lịch sử, khi ông hội tụ quyền lực và tham vọng thay đổi sâu sắc trật tự thế giới. Là lãnh đạo dân chủ quyền lực nhất kể từ năm 1945, Trump có thể là bài kiểm chứng rõ nét nhất cho "lý thuyết vĩ nhân" của thời đại.
Mỗi ngày, quan điểm của các nhà báo lại mâu thuẫn với cách nhìn nhận của các sử gia hàn lâm. Nhà báo thường tập trung vào vai trò của các cá nhân trong việc định hình lịch sử.
Trước đây, sự chú trọng vào các cá nhân được gọi là “lý thuyết vĩ nhân.” Nhà sử học thế kỷ 19 Thomas Carlyle, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất, từng khẳng định: “Lịch sử thế giới chỉ là tiểu sử của những vĩ nhân.” Diarmaid MacCulloch của Đại học Oxford đề xuất đổi tên lý thuyết này thành “lịch sử của những nhân vật lớn” để loại bỏ yếu tố thiên vị giới tính. Tuy nhiên, nhà sử học Jane Ridley lại thẳng thừng gọi lý thuyết này là “sự viển vông lãng mạn.”
Ngày nay, các sử gia hiện đại thường không đồng tình với việc gán các biến cố lịch sử cho vai trò cá nhân. Thay vì vậy, họ hướng tới các yếu tố phi cá nhân như địa lý, kinh tế, công nghệ, hoặc gần đây là biến đổi khí hậu và đại dịch.
Theo họ, những yếu tố này đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình lịch sử.
Nhưng Donald Trump xuất hiện và thách thức quan điểm đó.
Trump là bài kiểm tra lớn nhất cho lý thuyết vĩ nhân trong thời đại chúng ta. Những người ủng hộ, những đối thủ và thậm chí chính ông đều khẳng định ông là tác nhân thay đổi lịch sử. Liệu đây chỉ là hội chứng “ám ảnh Trump,” hay thật sự cá nhân này sẽ tạo nên bước ngoặt?
Một sử gia chuyên nghiên cứu về các lực lượng cấu trúc có thể dễ dàng bác bỏ tầm quan trọng của Trump. Họ lập luận rằng các nhà độc tài có thể ảnh hưởng lớn đến lịch sử, như việc những quyết định cá nhân của Vladimir Putin dẫn đến cuộc xâm lược Ukraine, nhưng điều đó khó xảy ra ở một quốc gia dân chủ như Mỹ, nơi quyền lực được phân tán. Thậm chí, Trump còn không thể tự ý bổ nhiệm tổng chưởng lý theo ý muốn.
Thay vào đó, họ nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ trong việc định hình thời đại. Trong một thế giới nơi công nghệ quyết định cách chúng ta làm việc, sống và suy nghĩ, ảnh hưởng của Trump có thể kém quan trọng hơn những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Amazon, Google hay Apple. Những xu hướng như sự khoan dung về sắc tộc hay năng lượng tái tạo cũng đi ngược lại với tư tưởng Trump.
Tuy nhiên, Trump vẫn là lãnh đạo dân chủ có khả năng thay đổi lịch sử nhiều nhất kể từ năm 1945.
Thứ nhất, ông nắm quyền điều hành nền dân chủ mạnh nhất thế giới. Nếu như năm 2016 ông chỉ là một "kẻ đột kích" nắm giữ một phần quyền lực nhỏ trong Đảng Cộng hòa, thì hiện nay ông đã kiểm soát toàn bộ. Những người trung thành với Trump chi phối Quốc hội, Tòa án Tối cao, và các cấp lãnh đạo cao nhất của bộ máy liên bang.
Trump có thể là người quyền lực thứ hai thế giới, sau Tập Cận Bình. Nhưng điều khiến Trump khác biệt chính là tham vọng định hình lại dòng chảy lịch sử. Ông thách thức các giá trị truyền thống như luật pháp, tính hợp pháp của bầu cử, thương mại toàn cầu, khoa học, và quan hệ đồng minh.
Câu hỏi đặt ra là: Trump sẽ sử dụng quyền lực này như thế nào?
Trump có thể thay đổi lịch sử nước Mỹ và thế giới theo nhiều cách. Ông từng đề cập đến việc sử dụng quân đội trong nước để tấn công đối thủ hoặc trục xuất người nhập cư. Ông có thể tạo ra một đội quân dân sự trung thành với cá nhân mình, hoặc tiến hành chiến tranh bằng công nghệ drone mà không cần triển khai binh sĩ. Ông cũng có thể gây ảnh hưởng lớn bằng cách từ bỏ NATO hoặc ủng hộ các cuộc chiến mở rộng ở Trung Đông.
Ảnh hưởng văn hóa của Trump còn lớn hơn thế. Ông đã tạo ra một hệ tư tưởng và ngôn ngữ đặc trưng mà người ủng hộ ông chấp nhận, đồng thời làm gia tăng sự phân cực trong xã hội Mỹ. Vì tất cả những điều này được truyền tải bằng tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến nhất lịch sử, Trump có sức ảnh hưởng văn hóa toàn cầu chưa từng có.
Trump có thể thực sự thay đổi thế giới, dù nhiều tác động lớn nhất của ông có thể chỉ là vô tình. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần đưa các cá nhân trở lại làm trung tâm của lịch sử.
Financial Times