Trump muốn phô diễn sức mạnh ngay khi trở lại cầm quyền

Trump muốn phô diễn sức mạnh ngay khi trở lại cầm quyền

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

14:13 20/01/2025

Với quan điểm rằng mình có “sứ mệnh lịch sử,” Trump đang xây dựng một nhiệm kỳ hai quyết đoán, không khoan nhượng và đầy tranh cãi.

Donald Trump ngồi ở vị trí trung tâm của một bàn họp hình chữ U, xung quanh là những đồng minh cánh hữu cứng rắn. Vào một đêm thứ Sáu, chỉ 10 ngày trước lễ nhậm chức, ông tiếp đón vài chục thành viên của nhóm cánh hữu House Freedom Caucus tại phòng khiêu vũ ở Mar-a-Lago, chia sẻ góc nhìn về quyền lực và chiến lược cho nhiệm kỳ mới.

Vị tổng thống thứ 45 (và sắp trở thành tổng thống thứ 47) tin rằng phe Dân chủ đang suy yếu, mất tinh thần và rối loạn, theo lời kể của hai người tham dự. Dù thừa nhận rằng "một con thú bị thương có thể nguy hiểm nhất", ông Trump vẫn muốn tận dụng thời cơ để giành lợi thế. Với ông, đây là lúc để hành động dứt khoát.

Từ kế hoạch đẩy nhanh một "dự luật lớn, đẹp đẽ" nhằm thông qua gói chi tiêu hàng nghìn tỷ USD, tham vọng đạt thỏa thuận chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine (và có thể chạm tay vào giải Nobel Hòa bình mà ông từng khao khát), cho đến ý định mở rộng lãnh thổ với Greenland, kênh đào Panama và thậm chí cả Canada - Trump đang phát tín hiệu về một nhiệm kỳ đầy quyết liệt.

Ông hiểu rằng thời gian không chờ đợi. Ngay khi bước vào Nhà Trắng, Trump đã là một tổng thống với quỹ thời gian hạn chế. Sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2026, sự chú ý sẽ chuyển sang người kế nhiệm, và ảnh hưởng của ông đối với đảng Cộng hòa lẫn giới doanh nghiệp Mỹ có thể suy giảm đáng kể. Do đó, Trump không giấu quyết tâm sẽ ký liên tục các sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày nhậm chức, cho đến khi "tay không thể viết nổi nữa".

“Năm 2017, đảng Cộng hòa có lợi thế 40 ghế tại Hạ viện nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện chương trình nghị sự,” Kellyanne Conway, cựu quản lý chiến dịch tranh cử năm 2016 và cố vấn cấp cao của Trump, nhận xét. “Lần này, dù thế đa số mỏng manh hơn, nhưng ông ấy có một sự ủy nhiệm mạnh mẽ hơn. Tổng thống Trump hiểu rằng ông phải hành động nhanh và dứt khoát.”

Những người từng trao đổi với Trump gần đây cho biết ông nhìn nhận quyền lực của mình rất khác so với năm 2017. Khi đó, ông bước vào Nhà Trắng trong thế bị động, đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội và còn nhún nhường trước giới chính trị gia kỳ cựu của Washington. Nhưng giờ đây, ông thấy sự suy yếu ở khắp nơi từ Quốc hội, doanh nghiệp đến truyền thông và tin rằng chính mình là cố vấn đáng tin cậy nhất.

Trump dự định ký khoảng 100 sắc lệnh hành pháp ngay khi nhậm chức, bao gồm chiến dịch trục xuất quy mô lớn nhất lịch sử Mỹ, trước tiên nhắm vào người nhập cư không giấy tờ có tiền án. Các trợ lý cho biết ông có thể sớm đến Nam California để thị sát khu vực bị cháy rừng tàn phá, và thăm Bắc Carolina, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Helene năm ngoái.

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của Trump không phải đảng Dân chủ mà chính là nội bộ đảng Cộng hòa. Với thế đa số sít sao tại Quốc hội, chỉ cần một vài nghị sĩ bất đồng cũng có thể làm chệch hướng kế hoạch của ông. Trong cuộc họp ngày 10/1 với nhóm House Freedom Caucus, Trump nhấn mạnh: “Chúng ta phải đoàn kết,” đồng thời bày tỏ sự bất mãn rằng phe Dân chủ có kỷ luật nội bộ tốt hơn nhiều so với Cộng hòa.

Một trong những thách thức lớn nhất đang chờ Trump là cuộc đối đầu tại Quốc hội về trần nợ công. Ông cảnh báo các cố vấn rằng nếu Mỹ vỡ nợ, nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng “như năm 1929” cách ông ví von một Đại Suy Thoái mới. Trump đã thúc ép đảng Cộng hòa nâng hoặc xóa bỏ trần nợ trước khi ông nhậm chức để tránh phải xử lý vấn đề này, nhưng họ đã không làm được.

Trump hiểu rõ rằng Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, đặc biệt là Hạ viện, vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc. Ngay cả ở Thượng viện, ông cũng không có toàn quyền kiểm soát khi một số thượng nghị sĩ có ảnh hưởng như Tom Cotton (Arkansas) và Pete Ricketts (Nebraska) công khai chống lại ông về lệnh cấm TikTok. Những lời đe dọa trả đũa hay thách thức bầu cử sơ bộ của Trump đôi khi hiệu quả, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Ký ức về thất bại đầu tiên trong nhiệm kỳ trước khi ông nghe theo lời khuyên của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan để rồi thất bại trong nỗ lực bãi bỏ Obamacare vẫn còn in sâu trong tâm trí.

Dù vậy, Trump tin rằng chưa bao giờ ông nắm trong tay nhiều quyền lực như lúc này. Ông tận dụng cơ hội, liên tục gọi điện cho các CEO, kêu gọi sự ủng hộ của họ và nhiều người sẵn sàng đáp ứng, thậm chí không cần ông yêu cầu.

Tại Mar-a-Lago, hàng loạt tỷ phú công nghệ từng bị Trump công kích, bao gồm Bill Gates, Mark Zuckerberg và Jeff Bezos, đã đến gặp ông, bày tỏ sự tôn trọng và ca ngợi công khai lẫn riêng tư.

“Giờ ai cũng muốn làm bạn với tôi,” Trump khoe với các trợ lý.

Không chỉ trong nước, Trump còn tìm cách tận dụng thế trận toàn cầu. Trước đây, ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm lợi thế, nhưng sau sự sụp đổ của chính quyền Assad tại Syria, Trump thay đổi suy nghĩ. Giờ đây, ông coi Putin đang rơi vào thế yếu về tài chính và tin rằng các lệnh trừng phạt mạnh hơn có thể buộc Nga phải đàm phán chấm dứt chiến tranh với Ukraine.

Trump cũng nhìn thấy cơ hội từ sự suy yếu của Iran khi Israel đã phá hủy hệ thống phòng không và làm hao tổn lực lượng Hezbollah. Ông tin rằng đây là thời điểm thích hợp để buộc Iran nhượng bộ, hướng tới một “thỏa thuận lớn” mà ông từng muốn đạt được nếu thắng cử nhiệm kỳ hai vào năm 2020.

Từ khóa Trump liên tục nhắc đến cả công khai lẫn riêng tư là “ủy nhiệm.” Cách Trump nhìn nhận chiến thắng năm 2024 của mình và những bài học ông rút ra từ đó có thể sẽ định hình toàn bộ nhiệm kỳ hai.

Trump đặc biệt chú trọng đến chiến thắng trong cuộc bầu cử phổ thông, điều mà ông không đạt được trong cuộc đua năm 2016 với Hillary Clinton. Tuy nhiên, ông đã tái định nghĩa chiến thắng này, mặc dù không cách biệt lớn, thành một "chiến thắng áp đảo." Mặc dù gần một nửa cử tri Mỹ không bầu cho ông, Trump vẫn tuyên bố chiến thắng của mình là một "ủy nhiệm mạnh mẽ và chưa từng có."

Một số người thân cận với ông lo ngại rằng ông sẽ nhanh chóng thử thách mức độ ủng hộ mà ông có. Một cuộc khảo sát gần đây của Wall Street Journal cho thấy mặc dù công chúng đồng tình với nhiều mục tiêu lớn của Trump, nhưng phần lớn lại không tán thành những đề xuất cực đoan. Ví dụ, hầu hết người Mỹ ủng hộ việc trục xuất những người nhập cư có tiền án, nhưng sẽ không thoải mái với việc khám xét nhà cửa hay nơi làm việc của những người nhập cư không giấy tờ.

Về kế hoạch của Trump trong việc ân xá cho những người bị kết án trong cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021, một khảo sát của Đại học Monmouth vào tháng 12 cho thấy chỉ 34% người dân ủng hộ, trong khi 61% không đồng tình. Các cố vấn của Trump đã tranh luận về phạm vi của các lệnh ân xá này và liệu có nên mở rộng cho những người như Enrique Tarrio, kẻ bị kết án tội phản loạn và cựu lãnh đạo nhóm Proud Boys hay không.

Những người đã làm việc với Trump trong nhiệm kỳ đầu nhận thấy rằng ông có xu hướng tự gây tổn thương khi cảm thấy quá tự tin. Ví dụ, sau khi công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller III điều trần trước Quốc hội về cuộc điều tra sự can thiệp của Nga trong chiến dịch 2016, Trump đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine và gây áp lực yêu cầu điều tra Joseph R. Biden Jr. và con trai ông. Cuộc gọi này cuối cùng dẫn đến cuộc luận tội đầu tiên của ông.

Tuy nhiên, Trump tin rằng lần này ông sẽ gặp ít trở ngại hơn so với trước.

Ông Trump đã đề cử những ứng viên cho các vị trí cao cấp trong chính quyền và Nội các, mà trước đây, lý lịch cá nhân và quan điểm chính trị của họ chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngoại trừ sự thất bại của lựa chọn đầu tiên cho Bộ trưởng Tư pháp, Matt Gaetz, những người được ông chọn bao gồm Kash Patel cho Giám đốc FBI và Pete Hegseth cho Bộ trưởng Quốc phòng có cơ hội lớn để được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát xác nhận. Trong phiên điều trần của Hegseth, các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tận dụng để chỉ trích đảng Dân chủ về việc tạo ra một ảo tưởng về đạo đức khi chất vấn ông về các mối quan hệ ngoài hôn nhân và việc uống rượu.

Người duy nhất mà ông Trump vẫn băn khoăn là Tulsi Gabbard, người mà ông chọn làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia. Gabbard từng đổ lỗi cho Mỹ và NATO về việc kích động chiến tranh ở Ukraine. Ngoài ra, một số ứng viên khác có thể gặp khó khăn trong quá trình xác nhận, đặc biệt là Robert F. Kennedy Jr., người mà ông Trump đề cử làm người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Ông Trump mong đợi sẽ có một trải nghiệm khác biệt tại thủ đô lần này. Ông vẫn giữ những kỷ niệm không mấy vui vẻ về Washington, một nơi mà ông cảm thấy bị "săn lùng" trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga.

Chính quyền của ông Trump lần đầu tiên đã chứng kiến những câu chuyện gây sốc từ các nguồn tin nội bộ, lần này, ông quyết tâm kiểm soát tốt hơn. Ông dự định tái áp dụng sắc lệnh hành pháp Schedule F, giúp dễ dàng sa thải những quan chức chính phủ lâu năm mà ông cho là không trung thành.

Ông đã yêu cầu các trợ lý không để "kẻ tiết lộ thông tin" tồn tại, và không muốn có ai viết sách kể lại chuyện. Các trợ lý của ông cũng đã được trao quyền thẩm vấn các ứng viên cho các vị trí quan trọng về quan điểm của họ đối với cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 và tuyên bố sai của ông về kết quả bầu cử năm 2020.

Gwenda Blair, một trong những người viết tiểu sử đầu tiên của ông Trump, cho rằng ông đã áp dụng mô hình mà ông sử dụng khi còn là một nhà phát triển bất động sản, tạo ra sự đối đầu giữa những người xung quanh để giữ họ trong tầm kiểm soát. "Lần đầu tiên ở Nhà Trắng, ông ấy chưa thực sự hiểu được mức độ quan liêu và sự trì trệ trong chính phủ liên bang," bà Blair nói. "Lần này, có vẻ ông đã gần như nắm vững vấn đề và sẵn sàng thực hiện những gì chưa làm được trước đây, khiến mọi người sợ hãi và kiểm soát các liên minh ngang hàng."

Tổng thống sắp nhậm chức nhận xét rằng các phương tiện truyền thông đối xử với ông tốt hơn kể từ khi ông chiến thắng. Ông đang nhận cuộc gọi từ các nhà dẫn chương trình của các kênh truyền hình mà ông từng gọi là "tin giả," như CNN và NBC. Tuy nhiên, ông cũng đe dọa các phóng viên và cơ quan truyền thông khác bằng các vụ kiện vì những bài viết ông không đồng tình và ám chỉ muốn thu hồi giấy phép phát sóng của các đài không thân thiện.

Ông Trump cũng có những kế hoạch thay đổi Washington về mặt hình ảnh. Ông đang tìm cách mua lại khách sạn Waldorf Astoria trên Đại lộ Pennsylvania và biến nó thành một khách sạn Trump, một nơi an toàn cho những người ủng hộ ông trong một thành phố mà ông chỉ giành được khoảng 7% số phiếu vào tháng 11. Các đồng minh của ông cũng đang cố gắng tạo ra một câu lạc bộ xã hội dành cho những người thân cận với Trump. Mới đây, ông Trump đã nói với thị trưởng D.C., Muriel Bowser, rằng ông muốn dọn dẹp graffiti.

Ông cũng có những ý tưởng thiết kế lại Nhà Trắng; ông đã đề xuất biến một phòng gần khu ăn trưa của Oval Office thành một không gian thư giãn cho bạn bè. Elon Musk, người đã hỏi trong vài ngày qua liệu ông có thể có văn phòng tại Tây Cánh Nhà Trắng, có thể là một người thường xuyên hiện diện trên chiếc ghế sofa nếu ông Trump thực hiện kế hoạch này.

The New York Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Hậu nhậm chức, đâu là thách thức thương mại của Trump?
Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

Hậu nhậm chức, đâu là thách thức thương mại của Trump?

Chính quyền Trump trước đây đã đảo ngược lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề thương mại toàn cầu. Chỉ ngay sau đó, Joe Biden đã tăng gấp đôi mức thuế quan, đồng thời bổ sung thêm nhiều chính sách khác liên quan tới ngành công nghiệp. Bây giờ, ''món quà chia tay'' của ông dành cho Trump là một ''phán quyết thương mại'' mới, cụ thể là đối với các lĩnh vực hàng hải, đóng tàu,... trước sự cạnh tranh của Trung Quốc.
Chứng khoán châu Á khởi sắc sau cuộc trò chuyện tích cực giữa Trump và Tập
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Chứng khoán châu Á khởi sắc sau cuộc trò chuyện tích cực giữa Trump và Tập

Chứng khoán châu Á tăng mạnh sau cuộc trò chuyện tích cực giữa Trump và Tập Cận Bình, làm dấy lên kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung. Nhà đầu tư vẫn thận trọng trước nhiệm kỳ thứ hai của Trump, khi ông dự kiến ban hành hàng loạt sắc lệnh tác động đến nhập cư, thuế quan và quy định. Thị trường crypto biến động khi Trump ra mắt token kỹ thuật số, trong khi USD tiếp tục củng cố vị thế.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ