Trung Quốc hiện tại sẽ chưa phải mối lưu tâm hàng đầu đối với Tổng thống Joe Biden
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Quan hệ Mỹ-Trung dự kiến vẫn sẽ tạm thời yên ắng trong thời gian tới
Sự xoay trục chính sách với Trung Quốc là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của ông Trump trong nhiệm kỳ tại Nhà Trắng. Chưa từng có chính quyền nào trước đó từng đề cập một cách trực diện tới việc vươn lên của Trung Quốc sẽ đe dọa lợi ích của nước Mỹ. Tuy vậy, ông Trump và cộng sự đã thất bại trong việc đưa ra một chiến lược mạch lạc để đối phó với vấn đề trên hay huy động được sự ủng hộ đông đảo trong nước. Nhiệm vụ này giờ đây được bàn giao lại cho tân Tổng thống Joe Biden và có thể kỳ vọng rằng tình hình vẫn sẽ chưa có nhiều thay đổi ít nhất tới thời điểm hiện tại.
Mục tiêu cam kết thương mại
Ông Trump đã từng tuyên bố chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ là một cuộc chiến "có lợi và dễ dàng chiến thắng". Tuy nhiên, những số liệu kinh tế lại mang tới một bức tranh hoàn toàn khác. Thương chiến Mỹ - Trung đã thổi bay một phần tăng trưởng kinh tế tại cả 2 quốc gia. 1 năm kể từ sau thỏa thuận Giai đoạn 1, số liệu ước tính cho thấy lượng nhập khẩu hàng hóa Mỹ từ phía Trung Quốc mới chỉ tương đương 60% so với quy mô đã cam kết.
Tương quan quy mô 2 nền kinh tế
Nhìn vào bức tranh lớn hơn, khi ông Trump lên nhậm chức Tổng thống vào năm 2016, GDP của Trung Quốc khi đó chỉ tương đương 60% so với GDP Mỹ. Tới năm 2020, tỷ lệ trên đã tăng lên mức 71%. Viễn cảnh Trung Quốc xóa ngôi Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới giờ đây không còn quá xa xôi mà hoàn toàn có thể xảy ra trước mắt.
Liệu ông Biden sẽ có biện pháp nào để đối phó? Các chuyên gia tại Bloomberg cho rằng chiến lược cơ bản vẫn sẽ là cạnh tranh và đối đầu. Lĩnh vực chống biến đổi khí hậu có thể sẽ là nơi sẽ có cách tiếp cận hợp tác hơn. Tuy nhiên, đối với thương mại, công nghệ, nhân quyền và vấn đề chủ quyền của Trung Quốc, dư địa để thỏa hiệp sẽ vẫn hạn chế.
Mặc dù chiến lược chung sẽ không thay đổi, cách tiếp cận của ông Biden nhiều khả năng sẽ có nhiều khác biệt. Nếu như nhiệm kỳ của ông Trump nổi tiếng với những thông báo chính sách bất ngờ, sự thay đổi lập trường chóng mặt và những phát ngôn gây tranh cãi, thì đối với ông Biden, sự cẩn trọng trong chính sách ngoại giao sẽ trở lại là chủ đạo.
Ở trong nước, ông Biden tiếp nhận lại một nền kinh tế đang ở trong hố sâu của khủng hoảng. Để củng cố vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế, việc tái kiến thiết lại nền kinh tế trong nước nên là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trước mắt sẽ là chấm dứt cuộc khủng hoảng Covid-19 và sau đó là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khóa học nhằm phục hồi lợi thế cạnh tranh.
Một điểm đáng chú ý khác đó là đã có những dấu hiệu cho thấy mức độ tham vọng của chính quyền Mỹ qua các đời Tổng thống trong việc gây sức ép cải cách lên nền kinh tế Trung Quốc, từ hệ thống doanh nghiệp nhà nước cho tới cơ chế tỷ giá hối đoái, đang dần giảm sút. Còn tại Trung Quốc, sự lúng túng của Mỹ trong việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng củng cố niềm tin của lãnh đạo nước này vào chế độ hiện tại. Cùng với đó, với việc môi trường địa chính trị quốc tế ngày càng phức tạp, chính quyền Tập Cận Bình cũng đang tập trung củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế thay vì sa đà vào cuộc chiến với Hoa Kỳ.
Vẫn còn rất nhiều vấn đề bất đồng giữa 2 bên: Thuế quan áp lên hàng tỷ đô-la hàng hóa, cấm vận đối với các công ty Trung Quốc, đe dọa hủy niêm yết với các công ty Trung Quốc, mâu thuẫn xung quanh Huawei hay đóng cửa các đại sứ quán...Sẽ có một vài trong số những vấn đề trên cần được theo dõi sát trong thời gian tới. Tuy nhiên, tình hình chung giữa 2 nước dự kiến sẽ chưa có những biến chuyển lớn.
Mục tiêu của ông Trump đó là chấm dứt một mối quan hệ không công bằng, nơi mà Trung Quốc được hưởng lợi lớn hơn Mỹ. Trong khi đó, nhiệm vụ của ông Biden sẽ là xây dựng một cách tiếp cận mới với lợi ích của nước Mỹ là trung tâm. Để phá hủy một thứ là rất nhanh chóng, còn xây dựng thì sẽ cần nhiều thời gian hơn thế. Một khuôn khổ mới cho quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ định hình lại nền kinh tế của cả 2 bên cũng như trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ chưa xảy ra ngay lúc này.