Từ thịt bò Wagyu đến dưa lưới, gói hỗ trợ 2.2 nghìn tỷ USD của Nhật Bản có được sử dụng hiệu quả?
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Khi đại dịch COVID-19 tấn công Nhật Bản, gói kích thích khổng lồ 2.2 nghìn tỷ USD của chính phủ đã được phân phối đến nhà hàng kinh doanh các món ăn đắt tiền như thịt bò wagyu và dưa lưới; và hỗ trợ ngành du lịch thay vì giúp đỡ các công ty rất cần nhu cầu tiền mặt.
Sự khó khăn của ngành công nghiệp nhà hàng làm nổi bật một vấn đề lớn hơn trong kế hoạch hồi sinh của Nhật Bản, với 2.2 nghìn tỷ USD gói kích thích, bằng quy mô của nền kinh tế Italy nhưng vẫn không đủ hỗ trợ cho một phân khúc quan trọng – các doanh nghiệp nhỏ mà chiếm tổng cộng 70% lực lượng lao động của quốc gia.
Điều đó khiến việc phục hồi kinh tế Nhật Bản gặp trở ngại. Mặc dù ngành công nghiệp nhà hàng trị giá 232 tỷ USD rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng vì cùng với ngành nhà ở, hai ngành này tạo ra khoảng 1.3 triệu việc làm mới mỗi năm, tương đương 17% tổng số việc làm mới; tuy nhiên, hơn 190 doanh nghiệp nhỏ trong đó có 30 chủ nhà hàng đã phá sản trong cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay. Phản ứng chậm chạp của chính phủ trong việc giải ngân hàng tỷ dollar mắc kẹt trong các hồ sơ giấy tờ đang đe dọa số phận tương tự đối với nhiều công ty khác đang cần tiền mặt khẩn cấp để trả lương và tiền thuê nhà.
Ngược lại, các nhà chức trách đã nhanh chóng thúc đẩy các kế hoạch chi gần 16 tỷ USD cho chiến dịch quảng bá du lịch và 1.3 tỷ USD để giúp nông dân và ngư dân hùng mạnh về mặt chính trị quảng bá các thực phẩm đắt tiền như xoài, cá ngừ và cá cam Nhật (yellowtails). Thêm 90 triệu USD cũng đã được sử dụng để thúc đẩy các chuyến bay quốc tế - khi gần như tất cả các máy bay đều chưa được cất cánh.
“Chúng tôi cũng như nhiều người khác đang sắp hết tiền. Nếu tình hình chưa cải thiện, chúng tôi sẽ phá sản như các công ty khác. Sau đó, sẽ không còn ai được hưởng lợi từ chiến dịch du lịch”, ông Yoshikazu Moriyama, 42 tuổi, nói. Doanh số tại nhà hàng IROM của Moriyama đã sụt giảm 90% và ông phải vật lộn để trả tiền thuê nhà và tiền lương cho khoảng 100 nhân viên. “Điều mà chúng tôi cần bây giờ là hỗ trợ tài chính để giúp chúng tôi trả tiền thuê nhà và bù đắp cho việc đóng cửa kinh doanh thay vì chiến dịch du lịch trong tương lai”, ông Moriyama nói với Reuters.
Một số chủ sở hữu nói rằng khoản trợ cấp của chính phủ lên tới 55,000 USD cho mỗi công ty để trả tiền thuê nhà là không đủ, và chính phủ hoàn toàn đủ khả năng để làm nhiều hơn để giữ cho các doanh nghiệp hoạt động và tạo thêm dòng tiền. Năm ngoái, tổng tiền thuê cho tất cả các nhà hàng Nhật Bản là 13 tỷ USD - ít hơn 16 tỷ USD, số tiền sẽ được dùng để quảng bá du lịch.
Danh sách trợ cấp của chính phủ bao gồm các mặt hàng như bít tết thịt bò Kobe năm sao, có giá khoảng 37.20 USD cho 100 g và dưa Yubari chất lượng hàng đầu được bán với giá hơn 90 USD cho một quả 1.6 kg.
Satoru Nishio, quan chức của Bộ Nông nghiệp, cho biết khoản trợ cấp, bao gồm cả xoài, dâu tây và cá ngừ đắt tiền, được dự định để hỗ trợ nông dân đối mặt với sự suy giảm lượng khách du lịch và xuất khẩu.
Chính phủ trợ cấp một nửa chi phí giá vốn hàng bán cho những người bán hàng bằng thương mại điện tử, giao ngay và cung cấp bữa ăn cho trường học. Ví dụ, thương nhân nhận được tới 9.31 USD cho mỗi 100 g thịt bò Wagyu và lên đến 22.34 USD/kg dưa lưới.
Các thủ tục rườm rà
Trong khi tổng số 190 tỷ USD hỗ trợ tài chính, các khoản vay, trợ cấp tiền mặt và các lợi ích khác đã được trao cho các doanh nghiệp nhỏ, một số chuyên gia nhận định rằng các công ty đang gặp khó khăn đã không thể nhanh chóng nhận các khoản trợ cấp do thủ tục quá rườm rà, cứng nhắc không cần thiết.
“Cơ quan tài chính của chính phủ nên trợ cấp thêm các khoản vay cho các doanh nghiệp để ngăn dòng tiền cạn kiệt”, ông Kota Matsuda, đã từng là một nhà làm luật, hiện đang điều hành một chuỗi 30 nhà hàng trong đó có 22 nhà hàng kiểu Hawaii mang tên Eggs 'n Things, có tổng cộng 600 người lao động.
“Bạn không thể bù đắp các chi phí thuê mặt bằng chỉ với khoản trợ cấp hiện tại”, ông Matsuda nói, ông đã nộp đơn xin tiền trợ cấp nhưng đã thất vọng vì quá trình thủ tục quá rườm rà, trong khi ông cần hơn 650,000 USD để trả lương nhân công và 372,370 USD chi phí mặt bằng. Doanh số tại các nhà hàng của ông, mở cửa lại vào thứ Bảy tuần trước, đã giảm 90-95% so với cùng kỳ vào tháng Tư.
Moriyama, chủ cửa hàng IROM, người đã nộp rất nhiều đơn trợ cấp, cho biết “không thể đủ để bù đắp những khoản lỗ”
“Tôi không thể lường trước được những gì sẽ xảy ra với doanh nghiệp của tôi!”