Tương lai nào cho quá trình phục hồi kinh tế khi các chương trình cứu trợ dần chấm dứt?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Các chương trình cứu trợ khẩn cấp của các chính phủ đã góp phần giảm thiểu tổn thất mà Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, liệu rằng những tổn thất này đã hoàn toàn được giải quyết hay chỉ đơn thuần bị trì hoãn lại?
Thế giới nói chung và các quốc gia phát triển nói riêng đã trải qua hơn 1 năm rưỡi trong tình trạng đóng cửa do đại dịch Covid-19. Tuy vậy, khá bất ngờ đó là hậu quả gây ra tới lúc này dường như ít nghiêm trọng hơn so với dự báo. Liệu rằng những tổn thất do Covid-19 đã hoàn toàn được giải quyết hay chỉ đơn thuần bị trì hoãn? Chúng ta có thể sẽ sớm có câu trả lời khi các chương trình hỗ trợ dịch bệnh của các quốc gia sẽ dần chấm dứt trong thời gian tới.
Khi làn sóng phong tỏa đầu tiên lan rộng, chính phủ của các nước phát triển đã triển khai một loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ gia đình, từ việc phát tiền trợ cấp, hoãn thuế hay các gói cho vay lãi suất thấp. Rất nhiều trong số các chương trình này đã và sẽ sắp sửa kết thúc. Tại khu vực Euro, có ít nhất 3/4 số lượng hoãn trả nợ đã đến hạn. Tại Mỹ, một nửa số bang đang chấm dứt chi trả khoản trợ cấp thất nghiệp 300 USD/tuần trong tháng 6 và 7, phần còn lại sẽ chấm dứt vào tháng 9 tới. Các chương trình trợ cấp tuyển dụng tại Anh và Canada cũng sẽ kết thúc vào mùa thu tới.
Các biện pháp trên đã phần nào giảm thiểu tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế các quốc gia. Thậm chí tình hình tài chính của các hộ gia đình tại các nước phát triển lại tích cực một các bất ngờ. Thu nhập ròng sau thuế trên đầu người đã tăng 3% trong năm 2020 dẫu cho GDP chung sụt giảm. Điều này dĩ nhiên một phần đến từ các khoản hỗ trợ từ chính phủ khi chiếm khoảng 2.3% GDP của nhóm các nước phát triển. Tại Mỹ, tỷ lệ người nghèo chỉ tăng nhẹ từ mức 10.7% vào tháng 1/2021 lên mức 11% vào tháng 6 năm nay.
Diễn biến trên đảm bảo duy trì nhu cầu cao đối với hàng hóa và dịch vụ kể cả trong các giai đoạn giãn cách. Điều này cùng với các biện pháp giải cứu khác đồng nghĩa rằng các doanh nghiệp cũng sẽ không bị tổn hại quá nhiều. Trái ngược với các giai đoạn suy thoái thông thường, số lượng doanh nghiệp phá sản không những không tăng mà còn giảm mạnh tại nhiều nước phát triển trong năm 2020.
Thu nhập ròng của hộ gia đình gia tăng và số doanh nghiệp phá sản giảm xuống trong giai đoạn Covid-19 năm ngoái
Điều khó lường lúc này đó là liệu bức tranh này có thay đổi một khi các biện pháp kích thích trên chấm dứt? Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã xác định một "làn sóng doanh nghiệp phá sản" vẫn đang là một dấu hỏi lớn đối với triển vọng sắp tới. Có 3 vấn đề lo ngại được đưa ra: Thu nhập người dân giảm sút và ảnh hưởng tới tiêu dùng, việc chấm dứt các chương trình hỗ trợ tuyển dụng sẽ khiến hàng triệu người thất nghiệp, các khoản nợ đến hạn gây sức ép lên chi tiêu hoặc dẫn tới phá sản.
Đầu tiên, đối với vấn đề cắt giảm trợ cấp. Mặc dù trợ cấp thất nghiệp đã bị cắt giảm dần tại Mỹ hay Anh, mức chi tiêu chung có thể sẽ không chịu tác động quá nặng nề. Mức tiết kiệm của các hộ gia đình đã tăng cao hơn mức bình thường trong giai đoạn dịch bệnh. Điều lo ngại lớn nhất với nhu cầu tiêu dùng trong năm 2021 không phải việc cắt giảm trợ cấp mà là việc người dân không muốn chi tiêu số tiền tiết kiệm của mình.
Mức tiết kiệm của các hộ gia đình đã tăng lên trong đại dịch Covid-19
Lo ngại tiếp theo là về các chương trình trợ cấp tuyển dụng. Báo cáo từ ngân hàng UBS cho thấy có khoảng 5% lao động tại 4 nền kinh tế lớn nhất tại khu vực Euro và Anh vẫn đang nằm trong các chương trình này. Nếu họ không thể tìm được việc làm khi các chương trình này kết thúc, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong nhóm 5 nước này sẽ vượt lên trên mức trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vấn đề thứ 3 về các khoản nợ đến hạn có lẽ là nghiêm trọng nhất và cũng khó đánh giá nhất. Điều này liên quan tới các khoản đã đến hạn nhưng chưa được chi trả, từ thuế cho tới lãi vay hay tiền thuê. Báo cáo từ BOE lưu ý rằng các doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với các khoản phải trả lớn khi các khoản hoãn thuế VAT và tiền thuê bắt đầu đến hạn. Quy mô của các khoản nợ trên khó có thể đo lường chính xác.
Nhìn trên tổng thể, rủi ro trên vẫn đang được kiểm soát. Lấy ví dụ về quy mô các khoản tiền thuê thương mại tại Mỹ. Báo cáo của thành phố San Francisco ước tính các doanh nghiệp tại đây không có khả năng trả khoảng 400 triệu USD trong 9 tháng cho tới tháng 12/2020. Nhân mức ước tính này lên ta có con số khoảng 30 tỷ USD trên toàn nước Mỹ - chỉ tương đương khoảng 3% mức tiền thuê trả trong một năm thông thường. Do đó, có bằng chứng để tin rằng phần lớn các hóa đơn đều đã được hoàn trả. Tại Anh, hơn 80% số hộ đề nghị hoãn trả vay thế chấp đã hoàn trả đầy đủ. Điều này cho thấy các hộ gia đình ở đây vẫn đang tận dụng biện pháp hỗ trợ này một cách thận trọng.
Tuy vậy, cũng giống như rất nhiều thứ xảy ra trong đại dịch lần này, những người ở tầng lớp dưới cùng của xã hội vẫn sẽ chịu tác động lớn nhất nếu các gói hỗ trợ chấm dứt. Vào năm ngoái, chính phủ các nước đã rất nhanh chóng triển khai các chương trình cứu trợ một cách hào phóng. Nhiệm vụ lúc này đó là thu hồi lại các biện pháp trên và đồng thời bảo vệ những người cần sự trợ giúp nhất.
The Economist