Ứng dụng ChatGPT trong việc dự báo về chính sách tiền tệ của ECB như thế nào?
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Phía CommerzBank chia sẻ cách sử dụng ChatGPT để phân tích hàng nghìn bài phát biểu của các thành viên Hội đồng Quản trị ECB và phân loại chúng thành hai sắc thái: “dovish” hoặc “hawkish”, từ đó xây dựng một mô hình dự báo với tên gọi "Chỉ báo ChatECB". Kết quả dự báo ủng hộ quan điểm trước đó của chúng tôi về việc ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong những quý tới, mặc dù ở mức độ vừa phải.
"Chỉ số ChatECB" mới...
Một thành phần quan trọng trong dự báo lãi suất của ECB - bên cạnh dữ liệu và mô hình kinh tế vĩ mô - là tâm lý của các thành viên trong Hội đồng Quản trị. Chúng tôi cố gắng phân tích điều đó từ các bài phát biểu và phỏng vấn của các quan chức trên bằng cách diễn giải quan điểm của họ là “dovish” hay “hawkish”. Việc tích hợp ChatGPT trong hoạt động phân tích này có hai ưu điểm:
- Dễ dàng xử lý khối lượng thông tin khổng lồ: Công cụ này cho phép chúng tôi phân tích hàng nghìn bài phát biểu của các thành viên Hội đồng Quản trị kể từ năm 1999.
- Tính khách quan: Ứng dụng AI này cung cấp một mức độ khách quan nhất định. Các bài phát biểu và phỏng vấn được diễn giải dựa trên thang đánh giá nhất quán.
Điều này giúp mô tả trực quan những thay đổi về tâm lý của các quan chức ECB và mối tương quan với những thay đổi lãi suất trong một khoảng thời gian dài hơn.
... đã dự báo được trước các quyết định của ECB trong quá khứ...
‘Chỉ báo ChatECB’ sử dụng thang đo có phạm vi từ -1 (“dovish”) đến +1 (“hawkish”). Khi sử dụng dữ liệu trong quá khứ để kiểm tra, chỉ báo này đã báo hiệu sự thay đổi trong chính sách tiền tệ vài tháng trước khi lãi suất thực sự đảo chiều:
- Sau bong bóng dotcom năm 2000, quan điểm của các thành viên Hội đồng Quản trị ECB trở nên ôn hòa hơn và khoảng chín tháng sau, họ đã hạ lãi suất. Với những lần cắt giảm lãi suất tiếp theo, ECB đã cố gắng bảo vệ nền kinh tế và thị trường tài chính châu Âu khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ.
- Sau khi thị trường tài chính đã khắc phục được phần lớn hậu quả từ vụ phá sản của Lehman Brothers, các quan chức ECB đã trở nên tự tin hơn từ giữa năm 2009, dẫn tới giọng điều “hawkish” hơn và ECB đã tăng lãi suất vào tháng Tư.
- Nhưng chỉ vài tháng sau, cuộc khủng hoảng nợ lan rộng và nền kinh tế khu vực Eurozone rơi vào suy thoái. Các tuyên bố của các NHTW lại trở nên ôn hòa hơn và ECB hạ lãi suất chỉ sáu tháng sau đó, vào tháng 11 năm 2011.
- Giữa năm 2013, bình luận của ECB trở nên “dovish” hơn sau cuộc suy thoái dường như không có hồi kết. Nền kinh tế khu vực suy thoái, với GDP giảm 0.3% (so với quý trước) trong sáu quý liên tiếp. Đồng thời, lạm phát suy yếu dần và, thậm chí còn chuyển sang giảm phát trong thời gian ngắn vào cuối năm 2014. Các nhà hoạch định chính sách cuối cùng đã quyết định hạ lãi suất điều hành xuống mức -0.10% vào tháng 6/2014 – đánh dấu lần đầu tiên NHTW này duy trì mức lãi suất âm.
- Sau gần một thập kỷ lãi suất thấp, các nhà hoạch định chính sách trở nên “hawkish” hơn nhiều vào năm 2021 trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, phải mất khoảng một năm ECB mới có thể chống lại lạm phát và thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên.
Tuy nhiên, vào khoảng những năm 2000 và thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính, sự thay đổi trong quan điểm và lãi suất điều hành xảy ra gần như đồng thời. Điều này xảy ra do các thành viên của Hội đồng quản trị ECB, chẳng hạn như Chủ tịch Willem Duisenberg (1998-2003) và người kế nhiệm ông là Jean-Claude Trichet (2003-2011) hoặc Chuyên gia kinh tế trưởng lúc bấy giờ là Otmar Issing (1998-2006), hiếm khi bình luận về các diễn biến hiện tại, mà thay vào đó là có bài phát biểu về các vấn đề chung chung như chính sách tiền tệ đơn nhất, đồng Euro hoặc sự hội nhập của khu vực châu Âu. Khi làm như vậy, ECB đã tạo ra những yếu tố bất ngờ lớn cho những người tham gia thị trường.
Trong khi đó, việc cùng lúc thay đổi quan điểm và cắt giảm lãi suất sau sự sụp đổ của Lehman Brothers có thể được giải thích là do các quan chức ECB đã ngạc nhiên trước sự bùng phát của cuộc khủng hoảng và buộc phải phản ứng nhanh chóng.
Cuối cùng, sự biến động mạnh của chỉ báo này từ năm 2015 đến năm 2020 là điều đáng chú ý. Điều này có thể được giải thích bởi sự biến động của lạm phát và hoạt động nền kinh tế. Tuy nhiên, vì lạm phát hiếm khi đạt mức 2% trong những năm này, hầu hết các bài phát biểu đều thể hiện giọng điệu ôn hòa.
... và hiện cho rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn dự kiến trước đó
Trước xu hướng ôn hòa hơn của các quan chức ECB kể từ cuối năm 2022, có thể giả định rằng họ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa sau khi đã trải qua mức lãi suất cao trong thời gian dài. Tuy nhiên, theo quan điểm có phần “hawkish” gần đây, ECB có thể sẽ cắt giảm lãi suất một cách thận trọng hơn. Lạm phát cơ bản hiện mới chỉ dưới mức 3% một chút - cao hơn nhiều so với mục tiêu của ECB - rõ ràng đã khiến các nhà hoạch định chính sách phải chú ý.
Triển vọng lạm phát cũng khiến thị trường trở nên hoài nghi hơn về tốc độ và phạm vi cắt giảm lãi suất trong tương lai. Thị trường hiện kỳ vọng sẽ có thêm hai lần cắt giảm lãi suất nữa vào cuối năm nay và chỉ một vài lần nữa sau đó, tương ứng với mức lãi suất tiền gửi khoảng 2.75% vào cuối năm 2025.
Dự báo lộ trình lãi suất của ECB (Nguồn: Bloomberg, ECB, Commerzbank)
Lời kết
Với dữ liệu quá khứ, "ChatECB" của chúng tôi đã báo hiệu những thay đổi ngay từ giai đoạn đầu trong định hướng của chính sách tiền tệ trong một số trường hợp. Do đó, chỉ báo là một sự bổ sung hợp lý cho bộ công cụ dự báo chính sách tiền tệ. Chỉ báo hiện tại ủng hộ quan điểm của chúng tôi rằng ECB sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong tương lai, nhưng việc cắt giảm lãi suất sẽ bị hạn chế. Lập trường hiện tại của ECB có lẽ được mô tả rõ ràng nhất bằng phát biểu của Thống đốc NHTW Pháp, François Villeroy de Galhau, người ủng hộ cách tiếp cận "thận trọng" và "dần dần".
Phụ lục: Cơ chế hoạt động của mô hình “ChatECB”
Chúng tôi đã phân tích hàng nghìn bài phát biểu và phỏng vấn của các thành viên Hội đồng quản trị từ năm 1999 trong ba bước:
- Đầu tiên, sử dụng trình thu thập dữ liệu web để thu thập các bài phát biểu và phỏng vấn của các thành viên Hội đồng quản trị trước đây và hiện tại từ các trang web khác nhau (chủ yếu là của ECB và các NHTW quốc gia).
- Tiếp theo, yêu cầu ChatGPT chọn trước xem bài phát biểu có liên quan đến việc hiểu lộ trình chính sách tiền tệ hay không. Bước này loại bỏ các bài phát biểu về các chủ đề chung như đồng euro kỹ thuật số.
- Cuối cùng, sử dụng các bài phát biểu và phỏng vấn có liên quan và yêu cầu ChatGPT phân loại chúng là "ôn hòa", "ôn hòa vừa phải", "trung lập", "hawkish vừa phải" và "hawkish". Các danh mục này sau đó được chuyển đổi thành giá trị số từ -1 đến +1.
Khi diễn giải các bình luận, ChatGPT dựa trên kiến thức đã học được của nó, theo đó chúng tôi sử dụng phiên bản mới nhất, GPT-4. Ứng dụng AI được đào tạo bằng cách sử dụng tập dữ liệu văn bản rộng lớn từ nhiều nguồn khác nhau trên internet. Dữ liệu đào tạo bao gồm nội dung đa dạng như sách, bài báo (khoa học), trang web và các hình thức văn bản khác. Đây là cách ChatGPT học cách diễn giải các bài phát biểu của đại diện ECB là “hawkish” hay “dovish”.
Nhìn chung, các dữ liệu trong "chỉ báo ChatECB" được hiển thị là đường trung bình động của 40 bài phát biểu. Kết quả cuối cùng được cho ra sẽ là thước đo tâm lý đối với chính sách tiền tệ của ECB theo thời gian.
Commerzbank