Xu hướng Thương mại tự do vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết!
Hữu Thăng
FX Strategist
Nhiệm vụ của chúng ta là hỗ trợ điều chỉnh và củng cố chủ nghĩa đa phương
Thương mại quốc tế đã và đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Nhưng nó cũng đang gây ra những tác động xấu. Một phần lý giải cho điều này là do chúng ta không hiểu được lợi ích của thương mại, không chia sẻ được lợi ích của nó, không giúp được những người bị ảnh hưởng xấu, không cập nhật các quy tắc toàn cầu và không duy trì được sự hợp tác thiết yếu. Chính quyền của Donald Trump đã làm cho tất cả những điều trên trở nên tồi tệ hơn và giờ Joe Biden nên cố gắng khắc phục những yếu tố này.
Trong 60 năm qua, tỷ lệ thương mại hàng hóa và dịch vụ so với sản lượng đầu ra trên thế giới đã tăng từ 12% lên hơn 30%. Không phải ngẫu nhiên mà thời đại này cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử, tỷ lệ dân số nghèo đói trên thế giới giảm mạnh và lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, sự bất bình đẳng giữa các hộ gia đình trên thế giới giảm xuống. Phong độ vượt trội của các nền kinh tế ủng hộ tự do thương mại, chẳng hạn như Hàn Quốc và Trung Quốc, đã cho thấy vai trò tích cực của nó trong việc thúc đẩy thịnh vượng.
Tuy nhiên, thương mại thế giới còn lâu mới phát triển mạnh như trước. Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã lưu ý: tăng trưởng thương mại đã chậm lại rõ rệt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chịu thêm một đòn giáng mạnh từ đại dịch COVID-19. Sự chậm lại này một phần do khủng hoảng kinh tế và thiếu hụt tự nhiên của nhu cầu. Tuy nhiên không quá khó hiểu khi đã rất lâu rồi kể từ khi có làn sóng tự do hóa thương mại mạnh mẽ, cũng như việc có sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và việc ông Trump được bầu làm tổng thống.
Trong một cuốn sách gần đây, "Thương mại Quốc tế: Điều Mọi người Cần Biết", Anne Krueger tại Đại học Stanford, một nhà kinh tế quốc tế nổi tiếng, đã giải mã những sự thật về cách tiếp cận của ông Trump. Và sự thật là, không ai có thể giảm thâm hụt thương mại tổng thể của một quốc gia bằng cách can thiệp vào thâm hụt song phương. Sự thật là, các nhà xuất khẩu nước ngoài không chịu chi phí của các mức thuế quan mà ông Trump áp đặt. Sự thật là, Mỹ sẽ không khiến Trung Quốc phải làm những gì họ muốn bằng cách đơn phương trừng phạt. Sự thật là, thương mại tự do không phải là một âm mưu chống lại Mỹ. Và cuối cùng, chủ nghĩa bảo hộ sẽ không bao giờ mang lại những công việc trong ngành công nghiệp đã biến mất trong quá khứ.
Đã đến lúc ta phải bước sang trang mới. Khi xem xét lại chặng đường phía trước, chính quyền sắp tới của Mỹ cần có cách tiếp cận phù hợp với các mục tiêu và ưu tiên rộng lớn hơn.
Đầu tiên họ phải thừa nhận rằng, cũng như các hình thức kinh tế khác, thương mại tạo ra kẻ thắng và người thua. Một nền kinh tế năng động sẽ vận hành tốt chỉ khi lợi ích từ sự thay đổi được chia sẻ rộng rãi và những người dân, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất được giúp đỡ. Mục đích phải là nâng cao thu nhập trong ngắn hạn, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và trang bị các kỹ năng cần thiết để khai thác các cơ hội mới.
Thứ hai, họ nên hợp tác. Các thể chế đa phương đưa ra một khuôn khổ để các tranh chấp có thể được giải quyết và các quy tắc mới và được phát triển. Điều quan trọng là WTO cần được hồi sinh sau khi ông Trump đã đẩy tổ chức này đến bờ vực. Việc bổ nhiệm Ngozi Okonjo-Iweala, công dân Hoa Kỳ và Nigeria, làm tổng giám đốc mới, cần phải được xác nhận. Quy trình giải quyết tranh chấp nên được phục hồi, có thể theo các nguyên tắc được điều chỉnh. Mỹ cũng nên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định được sinh ra sau khi ông Trump từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Quan trọng nhất, Mỹ, EU và các cường quốc quan trọng khác cần đạt được một thoả thuận mới về thương mại và giải quyết các vấn đề với Trung Quốc. Thoả thuận với Trung Quốc khi quốc gia này gia nhập WTO năm 2001 đã lỗi thời. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì Trung Quốc không thể bị/được đối xử như các nước khác. Một bộ nguyên tắc và thủ tục xác định cách thức xử lý tranh chấp thương mại giữa các siêu cường quá khác biệt với nhau là thứ cần thiết vào lúc này. Từ bỏ một thoả thuận sẽ gây ra thiệt hại cả về mặt kinh tế và chính trị. Nhưng nỗ lực của một bên nhằm buộc bên kia phải từ bỏ những tham vọng lớn của mình hoặc trở nên giống hệt với bên đó cũng sẽ có kết quả tương tự. Thay vào đó, ta cần một thoả thuận ôn hoà hơn. Các hiệp định mới phải cho phép các bên tham gia bảo vệ lợi ích quan trọng của họ, đồng thời cho phép hoạt động thương mại lành mạnh và đầu tư được diễn ra.
Điều này sẽ không dễ dàng. Nhưng sẽ là một nước đi sai lầm với Mỹ và các đồng minh khi từ bỏ việc hợp tác toàn cầu về thương mại. Thương mại vốn dĩ không xấu, nhưng nó phải nằm trong tầm kiểm soát. Một chiến lược mới về thương mại là cần thiết, cả đối nội và đối ngoại tại nước Mỹ. Nhưng rõ ràng ta không nên để hoạt động thương mại phải "héo mòn".