2025: Kịch bản thú vị nào đang chờ đợi trong năm tới?
Trần Quốc Khải
Junior Editor
Mỗi tháng 12, TS Lombard đều xuất bản những dự đoán táo bạo cho năm tiếp theo. Điều đáng lo ngại là một số dự đoán đã trở thành sự thật. Có khả năng cao rằng một số (thậm chí là nhiều) dự đoán cho năm 2025 sẽ trở thành sự thật. Nhưng là những dự đoán nào?
bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của Dario Perkins và Alexandros Xenofontos từ TS Lombard
Tiền bảo kê
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định áp dụng cách tiếp cận “lợi ích đổi lợi ích” đối với an ninh toàn cầu, với Mỹ - nay tự gọi mình là “capo di tutti i capi” - thu phí nhỏ để triển khai sức mạnh quân sự khổng lồ của mình. Ban đầu, hệ thống mới hoạt động khá hiệu quả. Tàu chiến Mỹ tiếp tục tuần tra trên các vùng biển quốc tế, châu Âu vẫn nằm dưới sự bảo vệ của vũ khí hạt nhân Mỹ, và đồng minh của Mỹ chỉ cần trả một khoản phí nhỏ để được xem là "đồng minh".
Tuy nhiên, theo thời gian, xuất hiện nghi ngờ về tính khả thi lâu dài của thỏa thuận này, đặc biệt khi Mỹ liên tục "vòi vĩnh" các thành viên cấp thấp hơn trong tổ chức bằng cách tăng phí "cống nạp". Dù ban đầu phủ nhận tin đồn rằng họ đang trả tiền cho một "nhóm bên ngoài" từ Moscow để xâm nhập vào "lãnh thổ" NATO nhằm biện minh cho việc thu phí cao hơn, chính quyền cuối cùng thừa nhận và bắt đầu áp lực các thành viên theo những cách công khai hơn.
Mọi thứ trở nên mất kiểm soát vào tháng 10, khi Thủ tướng Anh Keir Starmer "trốn chui trốn lủi" (sau khi tìm thấy đầu một con ngựa trên bậc thềm số 10 Downing Street), còn Justin Trudeau hoàn toàn biến mất (người ta cho rằng ông đã vào chương trình bảo vệ nhân chứng sau khi vi phạm Nghị quyết 470 của NATO, được gọi vui là “Omertà”).
Chiến dịch tiết kiệm
Với một lễ ra mắt trị giá 750 tỷ USD do người dân đóng thuế tài trợ (cùng màn trình diễn Tesla bay và rô-bốt cầm cưa máy cực kỳ ấn tượng), Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) cuối cùng cũng được công bố - chậm hơn 9 tháng so với kế hoạch và vượt ngân sách 5 nghìn tỷ USD. Tham vọng của DOGE còn táo bạo hơn mong đợi, với việc tỷ phú Elon Musk công bố mục tiêu cắt giảm số lượng quan chức tới 300% và tiết kiệm 20 nghìn tỷ USD từ chi tiêu công.
Dù sẽ thuê hàng triệu chuyên gia tư vấn để thực hiện kế hoạch, ông Elon kỳ vọng chiến dịch này sẽ tạo ra khoản tiết kiệm thực sự vào năm 2045 và hoàn toàn biện minh cho gói thù lao 12 nghìn tỷ USD của mình.
Không may, chiến dịch "lái Tesla để tiết kiệm" nhanh chóng gặp rắc rối, đặc biệt khi các “AI Efficiency Bots” tối tân chuyển sự chú ý sang địa chỉ 1600 Pennsylvania Avenue.
Tổng thống Trump phản ứng dữ dội khi DOGE quyết định ngừng hoạt động của “Air Force One”. Ông sa thải Elon Musk ngay lập tức - đây có vẻ là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Mỹ bị cách chức qua “Truth Social”.
Mối quan hệ đặc biệt
Sau nhiều tháng “đùa cợt” giữa EU và Mỹ (và thất bại trong việc lợi dụng sự đối đầu giữa hai siêu cường này vì cả hai thực sự không quá quan tâm), Anh buộc phải chọn mối quan hệ "đặc biệt mãi mãi" của mình. Quyết định này dẫn đến một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, trong đó Anh cung cấp những sản phẩm "tinh túy" nhất của mình (chủ yếu là nghiên cứu kinh tế độc lập và giải bóng đá Ngoại hạng Anh) để đổi lấy quyền tiếp cận không giới hạn với công nghệ Mỹ, ô tô cồng kềnh, thịt gà ngâm clo, và thuốc kê đơn đắt đỏ.
Dĩ nhiên, thông báo này khiến EU “không ghen tị” nhưng ngay lập tức loại tất cả các câu lạc bộ bóng đá Anh khỏi UEFA và cấm các nhà nghiên cứu kinh tế Anh tham dự các buổi họp báo của ECB. Dù các nhà kinh tế Anh vẫn xoay xở mà không cần những “insight lòng vòng” từ bà Lagarde, các biện pháp trừng phạt của EU giáng một đòn mạnh vào giải Ngoại hạng Anh. Nhiều cầu thủ nước ngoài rời khỏi các câu lạc bộ Anh; và khi những đội như Man City, Liverpool, Chelsea, và Arsenal chuyển đến Ireland, khán giả Mỹ bắt đầu chán nản (vì "chẳng giống gì Ted Lasso"). Thỏa thuận thương mại tự do bị hủy vào tháng 12 khi chỉ có 15 người Mỹ đến xem trận đấu đỉnh cao giữa Tranmere Rovers và Fleetwood Town ở Miami.
Trump đối đầu Powell - Màn cuối
Quan hệ giữa Nhà Trắng và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục xấu đi trong nửa đầu năm 2025, khi Trump liên tục công kích Powell trên mạng X, còn Chủ tịch Fed phản đòn bằng cách tăng thêm 250 bps vào lãi suất vay mỗi lần bị xúc phạm. Tình hình đạt đỉnh căng thẳng vào tháng 8, khi Trump dọa “gọi quân đội” còn Powell đáp trả bằng cách tung ra lực lượng còn đáng gờm hơn cả quân đội Mỹ - thị trường trái phiếu.
Bằng bài phát biểu với tựa đề “Tôi sẽ không bao giờ làm QE nữa, nó không hiệu quả, các bạn thật ngây thơ khi nghĩ rằng nó từng hiệu quả”, Powell kích hoạt một đợt bán tháo khổng lồ trên thị trường trái phiếu Mỹ, khiến phí bảo hiểm tăng vọt lên mức chưa từng có (2%).
Chính phủ Mỹ lập tức rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, buộc Trump phải từ chức. Powell trở thành người hùng trong giới Dân chủ và được kỳ vọng sẽ trở thành ứng cử viên Tổng thống năm 2028 (một vai trò mà ông dự kiến từ chối vì nhận được lời mời hấp dẫn hơn từ ngành âm nhạc, như làm tay guitar chính trong một ban nhạc tribute Grateful Dead).
Một gói cứu trợ Eurozone khác
Đối mặt với sự suy thoái cấu trúc và bất ổn chính trị gia tăng, Đức, Pháp (cùng một số thành viên “cốt lõi” khác) phải cầu viện một gói cứu trợ từ Ủy ban châu Âu. Gói hỗ trợ tài chính được thông qua nhưng với những điều kiện nghiêm ngặt do nhóm PIIGS (Bồ Đào Nha, Ý, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha) áp đặt.
Trong khi nhóm PIIGS tận hưởng một thời kỳ bùng nổ chưa từng có, nhóm GAFFs (Đức, Áo, Pháp, và Phần Lan) trở thành trò cười trên thị trường tài chính. Các quỹ đầu cơ Anglo-Saxon thường xuyên chế nhạo những sai lầm chính sách của họ.
Các điều kiện của gói cứu trợ bao gồm việc từ bỏ mọi quy định tài khóa (các quy định về giới hạn nợ trở thành bất hợp pháp), nới lỏng quy định ngân hàng, và quyền kiểm soát ECB hoàn toàn thuộc về nhóm Italo-Iberian, khiến Bundesbank mất quyền bỏ phiếu về lãi suất. Thậm chí, một số tài sản danh tiếng của Đức và Pháp phải nhượng lại cho các nước khác.
Người Đức đặc biệt bất bình với “khoản bồi thường khắc khổ” phải trả cho Hy Lạp, bao gồm cả việc từ bỏ quyền sở hữu nhiều điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Biển Baltic.
Hy vọng về một liên minh tài khóa cũng tan biến do lo ngại về “rủi ro đạo đức” và tác động đến xếp hạng tín dụng của nợ ngoại vi.
Dự trữ Bitcoin chiến lược
Chính quyền mới của Mỹ trong năm 2024 khiến nhiều nhà đầu tư bối rối với sự ưu ái kỳ lạ dành cho tiền điện tử. Tại sao chính phủ Mỹ lại làm suy yếu vị thế thống trị toàn cầu của USD bằng cách quảng bá các giải pháp thay thế tiềm năng? Những câu hỏi này càng trở nên cấp bách vào năm 2025 khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu in hàng nghìn tỷ USD và đầu tư số tiền đó vào các loại tiền kỹ thuật số.
Chỉ trong vòng ba tháng, Bitcoin đã đạt mức giá 1,000,000 USD, Jay Powell xuất hiện trong các cuộc họp báo với hình ảnh “mắt laser”, các NHTW trên thế giới đồng loạt bán tháo dự trữ USD và chuyển sang tiền điện tử, dường như những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của các nhà đầu tư USD đã trở thành hiện thực. Đây tất nhiên là tin tốt đối với nhóm BRICS; họ thậm chí tổ chức một “đám tang giả” cho USD.
Nhưng rồi mọi thứ đột ngột thay đổi. Giá Bitcoin bắt đầu giảm, và những người theo dõi Fed nhận thấy NHTW này bí mật giảm lượng tài sản nắm giữ thông qua một chương trình thắt chặt định lượng (QT) ngầm.
Chỉ trong ba tháng, Fed trở thành "anti-Bitcoin" hoàn toàn, BTC rơi xuống mức 0.75 USD, và mọi NHTW khác trên thế giới về mặt kỹ thuật đều rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. (Nhân viên Fed không che giấu sự chế giễu khi xuất bản một bài nghiên cứu với tựa đề "Chúc bạn nghèo vui vẻ"). USD trở lại ngôi vương, và giờ đây vị thế bá chủ của nó được đảm bảo - ít nhất là trong một thế kỷ nữa. Hóa ra dự trữ Bitcoin thực sự “chiến lược” hơn mọi người nghĩ.
Giao dịch Karmanomics
Đường cong Phillips, lãi suất trung lập, quy tắc Taylor, các mô hình DSGE, lý thuyết tiền tệ hiện đại (MMT), kinh tế học Áo - tất cả những thứ đó đều không thực sự hiệu quả. Và bạn chắc chắn không thể kiếm tiền lâu dài bằng cách giao dịch theo các lý thuyết kinh tế vĩ mô, vì ngay khi một ý tưởng trở thành đồng thuận, niềm tin vào ý tưởng đó sẽ tạo ra các điều kiện dẫn đến sự đảo ngược kịch tính.
Thay vào đó, cách tốt nhất để giao dịch vĩ mô là dựa vào ba nguyên tắc cốt lõi: châm biếm, mê tín và hư vô. Hãy tự hỏi: Kết quả nào sẽ mỉa mai nhất, gây khó chịu nhất cho nhiều nhà kinh tế? Điều gì sẽ khiến các “guru vĩ mô” trên mạng xã hội trở nên ngớ ngẩn nhất? Làm thế nào để tối đa hóa “tiếng cười”?
Và hãy chú ý đến các dấu hiệu cổ điển. Kiêu ngạo của NHTW? Đỉnh chu kỳ. Chính phủ quyết tâm không lặp lại sai lầm của lần trước? Đợi họ mắc đúng những sai lầm đối lập (họ luôn làm thế). Khi mọi người nói rằng không có giải pháp thay thế cho một loại tài sản, bạn có thể chắc chắn rằng đó là giai đoạn cuối cùng của FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ).
Có lẽ vào năm 2025, ai đó sẽ thành lập một quỹ đầu cơ vĩ mô để giao dịch dựa trên những ý tưởng quan trọng này. Nhưng đó sẽ không phải là tôi. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bất kỳ nhà kinh tế nào là có ai đó cố gắng thực hiện quan điểm của họ.
ZeroHedge