Ảo giác về tăng lương có đang ám ảnh Fed?
Linh Đặng
Investment Analyst
Trong những tuần gần đây, nhà kinh tế học Larry Summers và Olivier Blanchard, đã cảnh báo biện pháp kích thích tài khóa được đề xuất của Mỹ quá lớn và có thể gây ra áp lực giá nghiêm trọng.
Nhận định của những nhà kinh tế này dựa trên khái niệm về Output gap (chênh lệch giữa GDP thực tế và GDP tiềm năng) - đo lường mức độ trì trệ trong nền kinh tế. Summers cho rằng rằng gói kích thích 1.9 nghìn tỷ USD lớn đến mức có nguy cơ lấp đầy thậm chí nhiều hơn cả khoảng chênh lệch này và tạo ra lạm phát chưa từng thấy trong một thế hệ.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là Summers và Blanchard đều không phải là quan điểm chính sách diều hâu (Hawk). Blanchard trước đây đã kêu gọi các ngân hàng trung ương áp dụng mục tiêu lạm phát 4% (thường NHTW đặt mục tiêu 2%). Trong khi đó, Summers cho rằng lãi suất cực thấp là cần thiết đối với nền kinh tế đình trệ như Mỹ hiện tại.
Vậy Fed sẽ phản ứng như thế nào nếu lạm phát tăng cao?
Hiện nay rất nhiều người lo ngại về lạm phát, nhưng Powell không phải là một trong số đó. Tuần trước, Chủ tịch ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã chia sẻ rằng nền kinh tế Mỹ không đủ khỏe mạnh để đáp ứng các tiêu chí của Fed về thắt chặt chính sách tiền tệ.
Thật vậy, khi Powell phát biểu, ông tỏ ra lo lắng hơn nhiều về tình trạng thị trường lao động - đặc biệt là đối với những người lao động được trả lương thấp - hơn là khả năng giá cả leo thang trong nền kinh tế.
Đối với bất kỳ ai quan tâm, đây không phải là một điều ngạc nhiên. Năm 2020, Fed đã thay đổi khuôn khổ chính sách tiền tệ của mình để phát tín hiệu rằng họ sẽ chịu lạm phát cao hơn trong một thời gian dài để thúc đẩy việc làm toàn diện.
Nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng ông ấy có thể phải đối diện áp lực thay đổi chính sách. Nguyên nhân là gì? Nỗi đau trên thị trường lao động có thể tạo ra lạm phát gia tăng tạm thời vì nỗi đau đó hầu hết được cảm nhận bởi những người có việc làm không ổn định và mức lương thấp.
Dưới đây là cách Richard Barwell của BNP Paribas Asset Management đưa ra:
"Phần lớn người được trả lương cao không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch. Ngược lại, rất nhiều người làm việc trong các lĩnh vực khó khăn như nhà hàng khách sạn, nơi lương thường thấp, đã bị mất việc làm. Mức lương trung bình tăng lên do hầu hết các trường hợp mất việc tập trung ở những người được trả lương thấp và sẽ giảm xuống khi họ được thuê lại. Sự thay đổi về số giờ làm thêm trong các lĩnh vực này nếu nhu cầu tăng trở lại có thể làm cho tình hình phức tạp hơn. Thật khó để nói chính xác điều gì đang xảy ra với áp lực tiền lương."
Có một số bằng chứng cho thấy đây là những gì đã xảy ra trong giai đoạn đầu của đại dịch ở Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang San Francisco đã công bố nghiên cứu hồi tháng 8 mang tên "Ảo giác về tăng trưởng tiền lương", tăng lương trong quý II gần như do các công việc mức lương thấp bị mất đi.
Điều này được minh họa như ví dụ dưới đây:
Năm 2018, một chủ nhà hàng nhỏ tạo ra 3 việc làm, cô ấy và hai người phục vụ. Chủ nhà hàng đã trả cho bản thân 75,000 USD và mỗi nhân viên 27,000 USD mỗi năm. Điều này có nghĩa là thu nhập trung bình hàng năm tại nhà hàng là 43,000 USD/năm. Khi Covid-19 xảy ra vào tháng 3 năm 2020, chủ nhà hàng đã chuyển sang phục vụ gọi để mang đi, và cho hai nhân viên nghỉ việc. Kết quả là thu nhập trung bình hàng năm tại nhà hàng tăng từ 43,000 USD lên 75,000 USD.
Chúng tôi cho rằng hoàn toàn hợp lý khi điều này có thể sẽ tiếp tục tác động trong năm nay cho đến khi các nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trở lại.
Thật vậy, với những lý do chúng tôi đã đề cập trong bài này, chỉ số lạm phát sẽ cho chúng ta biết rất ít về những áp lực lạm phát thực sự trong 12 tháng tới.
Sự thiếu chắc chắn đó dẫn đến tình thế lưỡng nan cho Powell và các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của Fed là chú trọng vào toàn dụng thị trường việc làm thì Fed nên bỏ qua những ý kiến lo ngại lạm phát và tiếp tục "mạnh tay" nới lỏng.