Kẻ thắng, người thua trong nhiệm kỳ sắp tới của Donald Trump
Kiều Hồng Minh
Junior Analyst
Tân Tổng thống Mỹ đang muốn định hình lại dòng chảy của thương mại, vốn và lao động.
Chiến thắng vang dội của Donald Trump và Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Mỹ sẽ trao quyền lực to lớn cho một vị tổng thống bốc đồng với những quan điểm kinh tế không chính thống với cách tiếp cận hung hăng trên bàn đàm phán. Các nhân vật quan trọng trong chính phủ các nước và doanh nghiệp trên khắp thế giới đang cố gắng phân tích hậu quả - đối với Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, là quốc gia phát hành đồng tiền được dự trữ toàn cầu và là trụ sở chính của các doanh nghiệp lớn nhất hành tinh. Quy mô, chiều sâu và tầm quan trọng của đất nước này đối với với nền kinh tế toàn cầu có nghĩa là ngay cả những thay đổi chính sách nhỏ trong nước cũng có thể gây ra ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ. Ông Trump đã hứa sẽ đại tu lại các trụ cột chính của nền kinh tế Mỹ, từ thương mại, luật pháp đến vấn đề nhập cư. Các chính sách của ông có thể định hình lại dòng chảy của hàng hóa, vốn và lao động vốn đang nuôi dưỡng nền kinh tế của hầu hết các quốc gia. Điều này sẽ tạo ra những kẻ thua và người thắng trên toàn thế giới.
Bắt đầu với dòng chảy hàng hóa. Ông Trump rất nghi ngờ về chính sách thương mại của Mỹ đối với các quốc gia khác. "Từ đẹp nhất trong từ điển là thuế quan", ông đãnói với một nhóm khán giả doanh nghiệp vào tháng 10. Ông đã ủng hộ một bức tường bảo hộ cho hàng hóa Mỹ, với mức thuế 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, bên cạnh mức thuế cao hơn nhiều nhắm vào một số ít quốc gia không may mắn.
Các đề xuất trên có thể sẽ không được thực hiện đầy đủ. "Vào ngày đầu tiên, họ sẽ đưa ra điều gì đó thu hút sự chú ý của mọi người nhưng sẽ không áp dụng thuế quan chung ngay lập tức vì điều đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán", Sarah Bianchi, cựu phó đại diện thương mại Hoa Kỳ cho biết. Ông Trump có thể, một phần, sử dụng các mối đe dọa thuế quan để giành được sự nhượng bộ từ cả đồng minh lẫn kẻ thù. Tuy nhiên, chỉ cần thực hiện một phần nhỏ những gì ông đã đề xuất cũng sẽ tạo ra mức tăng thuế quan lớn nhất mà nước Mỹ từng đặt ra kể từ những năm 1930.
Chính quyền mới của Trump sẽ chọn quốc gia nào để hành động mạnh tay? Ông Trump và các cố vấn của ông bị ám ảnh bởi cán cân thương mại song phương. Họ cho rằng bất kỳ quốc gia nào có mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ đều đang lừa dối đất nước này. Danh sách những kẻ xấu này rất dài. Tổng thống đắc cử đã ám chỉ rằng ông sẽ áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc, gấp 5 lần mức trung bình hiện tại. Các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể giảm hơn một nửa, làm giảm một điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế vốn đã đình trệ. Tuy vậy, tác động của điều này có thể sẽ bị hạn chế bởi thực tế là mức thuế quan ban đầu của ông Trump, vẫn được Joe Biden duy trì, đã khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm sút.
Danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong năm 2023
Ông Trump cũng đã đe dọa áp thuế 25% đối với hầu hết hàng hóa Mexico, với mặt hàng ô tô phải chịu mức thuế cao hơn nhiều. Điều đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho Mexico. Giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Mỹ tương đương với 27% GDP quốc gia, so với chưa đến mức 3% GDP của Trung Quốc. Mexico cũng có ít lựa chọn hơn bởi gần 80% mặt hàng xuất khẩu của nước này được mua bởi các nước láng giềng tại Bắc Mỹ.
EU cũng có lý do để lo lắng. Khối này có mức thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 200 tỷ USD với Mỹ. Goldman Sachs dự báo rằng mức thuế quan mới có thể làm giảm tăng trưởng GDP của Châu Âu 0.5%, với Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều quốc gia khác có thể cũng sẽ nằm trong tầm ngắm. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã đạt 100 tỷ USD vào năm ngoái. Những nước như Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đài Loan và Thái Lan có thặng dư thương mại hàng chục tỷ USD.
Nếu một cơn sóng thuế quan xuất hiện, rất ít quốc gia sẽ tiếp tục thịnh vượng. Nhưng một số quốc gia có thể giành được lợi thế tương đối. Các đồng minh không có thặng dư thương mại rõ ràng với Mỹ có thể được miễn trừ (một thỏa thuận như vậy được cho là đang được xem xét đối với Anh Quốc). Các quốc gia khác có thể hưởng lợi bởi vì không phải là Trung Quốc. Một số công ty đa quốc gia sẽ đẩy nhanh nỗ lực di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Steve Madden, một công ty thời trang của Mỹ, đã thông báo sẽ chuyển các địa điểm sản xuất của Trung Quốc sang đất nước khác. Black & Decker, một nhà sản xuất công cụ sản xuất, đã nói rằng họ sẽ làm như vậy nếu ông Trump tiếp tục áp dụng chương trình thuế quan. Các công ty rời khỏi Trung Quốc có thể bị cám dỗ bởi Mexico và Đông Nam Á - mặc dù các quốc gia này là mục tiêu tiềm năng cho mức thuế cao hơn.
Việc phân bổ lại nguồn vốn toàn cầu - sự thay đổi lớn thứ hai - đã diễn ra sôi nổi, mặc dù ông Trump vẫn chưa được nhậm chức trong hai tháng nữa. Các nhà đầu tư kỳ vọng sự kết hợp giữa cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định mà ông đề xuất sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp trong nước. S&P 500, một chỉ số của các công ty lớn của Mỹ, đã đạt mức kỷ lục mới từ ngày 06 đến 11/11 - trong khi cổ phiếu trên khắp thế giới giảm khoảng 2%. "Chúng ta đang ở một thời điểm giao thoa giữa hiệu suất kinh tế Mỹ mạnh mẽ, sự yếu kém ở phần còn lại của thế giới và khả năng xảy ra một loạt các chính sách sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ và thị trường tài chính của nước này một cách mạnh mẽ", Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell cho biết. "Ngày càng khó khăn cho các nhà quản lý quỹ để quyết định đưa nguồn vốn ra khỏi thị trường Hoa Kỳ."
Việc bãi bỏ quy định cũng có thể mang lại cho các công ty Mỹ lợi thế về chi phí so với các công ty nước ngoài. Ông Trump đã hứa sẽ cắt giảm các quy định về môi trường đồng thời giảm chi phí năng lượng trong nước - một mối lo ngại đối với các công ty châu Âu, vốn đã chịu mức giá điện cao hơn. "Nếu họ từ bỏ các quy tắc về khí hậu trong khi chúng tôi tiếp tục theo đuổi lộ trình của mình, chúng tôi sẽ bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực sản xuất", Luis Garicano, cựu thành viên Nghị viện Châu Âu hiện đang làm việc tại Trường Kinh tế London cho biết.
Các nhà đầu tư cũng bị thu hút bởi đồng tiền của Mỹ. Đồng USD đã tăng 3% so với rổ tiền tệ nước ngoài kể từ ngày 05/11. Chiến thắng toàn diện của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả việc chiếm đa số tại cả hai viện của Quốc hội, hứa hẹn sẽ hỗ trợ đà tăng của đồng bạc xanh. Chính sách tài khóa nới lỏng có thể xảy ra bất kể ai chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng việc không có sự giằng co về mặt chính trị sẽ cho phép thâm hụt gia tăng hơn nữa. Cùng với áp lực lạm phát từmức thuế quan cao hơn và thị trường lao động thắt chặt hơn khi làn sóng nhập cư suy yếu, điều này có thể buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, giữ cho đồng USD mạnh.
Nỗi đau mà đồng USD mang lại
Đây là tin xấu cho các nước nghèo hơn. Đồng USD mạnh lên làm tăng giá trị hàng nhập khẩu của họ, khi mà nhiều mặt hàng trong số đó (đặc biệt là hàng hóa) được định giá bằng đồng tiền này. Những quốc gia đi vay bằng đồng USD sẽ thấy giá trị khoản nợ của họ tăng vọt. Nghiên cứu của IMF được công bố năm ngoái cho thấy đồng bạc xanh tăng giá 10% sẽ làm giảm sản lượng kinh tế ở các thị trường mới nổi khoảng 1.9% sau sáu tháng và những tác động này kéo dài trong hai năm rưỡi. Mặt bằng ãi suất cao hơn ở Mỹ cũng làm cho phần còn lại của thế giới kém hấp dẫn hơn. Vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi, buộc các NHTW của họ phải tăng lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ vốn đã bị suy yếu bởi cán cân thương mại xấu đi. Điều đó làm giảm cho vay và đầu tư ngay khi các nền kinh tế đó cần được thúc đẩy.
Tỷ giá của đồng USD so với 6 đồng tiền lớn khác
Các chính sách của ông Trump cũng được thiết lập để định hình lại dòng chảy nhập cư - sự đảo lộn lớn thứ ba. Ông đã nhiều lần hứa sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp. Mexico, một lần nữa, sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Việc tái hòa nhập một lượng lớn công nhân vào thị trường lao động của nước này có thể mất nhiều năm, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Việc trục xuất hàng loạt cũng sẽ làm tắc nghẽn lượng kiều hối từ Mỹ đến Mexico. Lượng kiều hối về nước này đã lên tới hơn 60 tỷ USD vào năm ngoái, vượt quá số tiền đầu tư trực tiếp từ nước ngoài mà Mexico nhận được.
Các nước có lượng kiều hối từ Mỹ lớn nhất
Việc trục xuất cũng có thể làm tê liệt các nền kinh tế trên khắp Trung Mỹ và vùng Caribe. Năm 2021, El Salvador, Guatemala và Honduras đã nhận được từ 6 tỷ đến 14 tỷ USD tiền kiều hối từ Mỹ, chiếm từ 16% đến 23% GDP của họ - một con số đã tăng đều đặn trong những năm gần đây khi di cư xuyên lục địa ngày càng tăng.
Chính sách của chính quyền Mỹ sắp tới về nhập cư đối với lao động tay nghề cao đang trở nên kém rõ ràng hơn. Vào tháng 6, ông Trump đề xuất rằng sinh viên tốt nghiệp đại học Mỹ nên đủ điều kiện nhận thẻ xanh, cho phép người sở hữu quyền thường trú. Nhưng trong 4 năm tại vị trước đó, chính quyền của ông đã hạn chế nhập cư ngay cả từ những người lao động có tay nghề cao. Nếu điều đó xảy ra một lần nữa, các khu vực khác trên thế giới có thể được hưởng lợi. Những người di cư có tay nghề có xu hướng dịch chuyển cao. Nếu Mỹ không còn chào đón họ, họ có thể đổ xô đến các quốc gia giàu có, nói tiếng Anh khác, chẳng hạn như Úc và Anh. Nghiên cứu của Saerom Lee và Britta Glennon thuộc Đại học Pennsylvania cho thấy chương trình thị thực khởi nghiệp của Canada, được khởi động vào năm 2013, đã dẫn đến mức tăng 69% trong tám năm tiếp theo về số lượng người di cư có trụ sở tại Mỹ chuyển đến Canada để thành lập công ty.
Các chính sách của Trump vẫn sẽ còn nằm trên giấy trong vài tháng tới, nhưng câu hỏi ai sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất từ chúng đã có câu trả lời. Đối mặt với rào cản lớn trên ít nhất hai mặt trận - thương mại và di cư - Mexico dường như sẽ phải chịu rất nhiều khó khăn về kinh tế. Chính quyền mới sẽ tiếp tục gây khó khăn cho cỗ máy xuất khẩu đến từ Trung Quốc, làm trầm trọng thêm những khó khăn trong nước của đất nước này. Và bên cạnh thuế quan, Khoảng cách về gánh nặng pháp lý, nếu so sánh với doanh nghiệp Mỹ, có thể làm suy yếu nền kinh tế châu Âu.
Mặt khác, danh sách những người chiến thắng có thể sẽ không nhiều. Nếu Mỹ chơi bài ngửa và thực hiện đúng những gì họ nói, danh sách có thể bao gồm các đồng minh thân thiết như Anh và Úc. Các cường quốc dầu mỏ, từng có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, có thể sẽ được bảo vệ khỏi thuế quan vì nhờ sản xuất dầu từ đá phiến tăng vọt, "Chú Sam" đã trở thành nước xuất khẩu ròng mặt hàng này kể từ năm 2021. Nếu họ có thể tránh khỏi tầm ngắm của ông Trump, các quốc gia nhỏ hơn tập trung vào xuất khẩu ở châu Á có thể hưởng lợi từ việc triển khai lại hoạt động sản xuất từ Trung Quốc, như họ đã làm trong những năm gần đây.
Sự không chắc chắn vẫn sẽ hiện hữu. Yếu tố đầu tiên góp phần cho điều này là sự khó đoán trong việc hoạch định chính sách của ông Trump. Các thế lực sẽ phải cạnh tranh với nhau để được vị tổng thống này lắng nghe. Những người theo đuổi ông không chỉ là các ông trùm Thung lũng Silicon muốn giảm bớt sự hạn chế đối với việc nhập cư của lao động tay nghề cao đến những người có quan điểm cứng rắn về biên giới trong phe "Nước Mỹ là trên hết"; từ những người quản lý quỹ đầu cơ coi thuế quan là con bài thương lượng đến những người theo chủ nghĩa trọng thương muốn cắt giảm nhập khẩu bằng mọi giá. Ông Trump có thể sử dụng thuế quan của mình theo kiểu Bố già, cấp miễn trừ cho các quốc gia và công ty tùy theo sự khuất phục của họ trước ý muốn của ông. Nhà Trắng sẽ trở thành trung tâm của những người vận động hành lang. Cơ chế này cuối cùng có thể sẽ làm xói mòn sự cạnh tranh và làm hoen ố danh tiếng của Mỹ ở nước ngoài.
Nguồn gốc khác của sự không chắc chắn là cách các chính phủ trên khắp thế giới phản ứng với các mối đe dọa và hình phạt của chính quyền Mỹ. Trong một thế giới thương mại có tổng lợi ích bằng không, việc áp đặt chính sách trả đũa bằng thuế quan và các biện pháp bảo hộ khác sẽ ngày càng tăng. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ sẽ chỉ hy vọng tránh được sự phẫn nộ tồi tệ nhất của ông Trump. Tuy nhiên, một phản ứng táo bạo hơn, ít có khả năng xảy ra hơn, sẽ là sự liên kết với nhau giữa những kẻ thua cuộc. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại giữa các quốc gia ở châu Mỹ và châu Á, vẫn tiếp tục sau khi ông Trump rút khỏi nó trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Các hiệp định đầy tham vọng hơn có thể giữ cho ngọn lửa thương mại quốc tế tồn tại, chờ đợi đến ngày nước Mỹ quay trở lại bàn đàm phán.
The Economist