Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 - Chiến thắng áp đảo cho Biden hay liệu lịch sử sẽ lặp lại?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Những ký ức của cuộc bầu cử 4 năm trước khiến cho nhiều người vẫn còn dè dặt về khả năng chiến thắng của ông Biden
Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức chỉ còn cách khoảng 3 tuần và ứng viên Joe Biden vẫn đang chiếm lợi thế lớn so với đương kim Tổng thống Donald Trump trong các cuộc khảo sát cử tri, gia tăng khả năng về một chiến thắng áp đảo dành cho ứng viên đảng Dân chủ vào ngày 03/11 tới.
Dẫu vậy, không nhiều đảng viên Dân chủ hay học giả chính trị sẵn sàng dự đoán chắc chắn về một chiến thắng cho ông Biden khi ký ức về cuộc lộn ngược dòng đầy bất ngờ của ông Trump trước bà Hillary Clinton vào năm 2016 vẫn còn hiện hữu. Bất cử một sự đảo chiều nào của cử tri, hay một bước ngoặt không lường trước đều có thể khiến cục diện xoay chuyển theo hướng có lợi cho đương kim Tổng thống.
Một loạt các cuộc khảo sát được thực hiện sau màn tranh luận nảy lửa đầu tiên giữa 2 ứng viên và thông tin ông Trump phải nhập viện do Covid-19, đã đều cho thấy khoảng cách của ông Biden đã nới rộng tại thời điểm mà hàng triệu người Mỹ đã thực hiện bỏ phiếu sớm hoặc lên kế hoạch cho việc này, dù là trực tiếp hay qua đường bưu điện.
"Nếu được tham mưu cho ông Biden, tôi chắc chắn sẽ khuyên ông ta đừng vội sửa soạn hành lý vội," giám đốc viện nghiên cứu chính trị và dịch vụ công tại đại học Georgetown, Mo Elleithee cho biết. "Năm 2020 ẩn chứa quá nhiều biến động và ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra? Tôi dự đoán rằng sẽ còn nhiều điều bất ngờ xảy ra trong tháng 10 này."
Dựa trên kết quả khảo sát hiện tại, Priorities USD, ủy ban vận động chính trị thân Biden, đã phân loại ra 319 phiếu đại cử tri theo "Dân chủ" hoặc "nghiêng về Dân chủ", so với 188 phiếu theo "Cộng hòa" hoặc "nghiêng về Cộng hòa". Một ứng viên Tổng thống sẽ cần ít nhất 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng.
Tuy nhiên, Guy Cecil, chủ tịch Ủy ban vận động tranh cử Mỹ, vẫn giữ giọng điệu thận trọng trong buổi họp ngắn với phóng viên hôm thứ 6 khi cho biết: "Mặc dù chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi của các số liệu thống kê trong tháng vừa qua, cuộc đua giữa 2 ứng viên vẫn đang rất cân bằng và sát sao." Ông cũng bổ sung thêm rằng chỉ cần những thay đổi rất nhỏ cũng sẽ tạo nên sự khác biệt trong kết quả cuối cùng.
Một vài khảo sát trên toàn quốc gần đây cho thấy cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang dẫn trước với khoảng cách 2 con số, trong khi phân tích của Financial Times từ dữ liệu RealClearPolitics cho thấy khoảng cách hiện là 9 điểm. Ông Biden hiện cũng đang dẫn trước tại một số bang trọng yếu đối với các lá phiếu đại cử tri, dù chỉ với khoảng cách nhỏ. Trong số đó có Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, 3 bang đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc lộn ngược dòng của ông Trump vào năm 2016.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính trị của trường đại học Virginia, Larry Sabato, nói rằng bản chất phân cực triệt để của chính trị Hoa Kỳ có nghĩa rằng sẽ rất khó có một kịch bản chiến thắng áp đảo dành cho ông Biden tương tự như chiến thắng của Ronald Reagan vào năm 1984 khi giành chiến thắng tại 49/50 Bang với 60% tổng phiếu bầu phổ thông. Tuy nhiên, trớ trêu thay, ông Trump lại có vẻ như đang làm mọi thứ để ủng hộ kịch bản trên khi quyết định trì hoãn cuộc tranh luận thứ 2 vào tuần trước. "Đó là một cơ hội cho ông ta để vượt lên khi hiện chính là người tụt lại phía sau. Những cử tri ủng hộ cũng đang tự thừa nhận điều đó. Họ đang thực sự lo lắng cho ứng viên của mình." ông Sabato nhận định.
Frank Luntz, một nhà phân tích kỳ cựu thuộc đảng Cộng hòa, nói rằng không thể hiểu nổi quyết định của ông Trump về việc dời thời gian diễn ra 2 cuộc tranh luận còn lại sát ngày bầu cử chính thức hơn trong bối cảnh rất nhiều người dân Mỹ đang lên kế hoạch đi bỏ phiếu sớm.
"Donald Trump sẽ không thể thu hẹp khoảng cách nếu như ông ta không tham gia 2 cuộc tranh luận còn lại", ông nói. "Không còn là lúc để "há miệng chờ sung". Mọi chuyện giờ đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi mà tất cả mọi người đều ít nhất đã chọn cho mình một ứng viên để bỏ phiếu. Càng để thời gian trôi qua, mọi chuyện sẽ càng khó khăn hơn và thậm chí là bất khả thi."
Giữa những lo ngại về dịch bệnh, có ít nhất 9.1 triệu người Mỹ đã thực hiện bỏ phiếu sớm, theo như US Elections Project, dữ liệu được tập hợp bởi Michael McDonald, giáo sư tại đại học Florida.
"Bạn không thể nhìn vào kết quả khảo sát mà không lo lắng cho một tháng đầy khó khăn sắp tới" Luke Thompson, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa nhận định. Tuy nhiên, ông Thompson lập luận rằng đương kim Tổng thống vẫn còn cơ hội nếu như giới truyền thông bỏ qua tình hình sức khỏe của ông và nếu như các khảo sát hiện tại đang bỏ sót lá phiếu của các cử tri đảng Cộng hòa.
Bộ máy tranh cử của ông Trump đã liên tục cho rằng các khảo sát đã không tính toán đủ số lượng các cử tri đảng Cộng hòa dự kiến sẽ bỏ phiếu. Trong khi đảng Dân chủ chiếm ưu thế so với Cộng hòa về số lượng cử tri đăng ký bỏ phiếu tại các bang trung lập quan trọng, phía Cộng hòa cũng đã thu hẹp khoảng cách tại các bang như Pennsylvania và Florida.
Dẫu vậy, những lập luận trên không hề gây lo lắng cho những người theo đảng Dân chủ, đặc biệt là số ít những người đã sẵn sàng tuyên bố rằng ông Biden sẽ dành chiến thắng dễ dàng vào tháng 11 tới. "Tôi nghĩ rằng nếu như không phải một chiến thắng như năm 1984 thì cũng sẽ là một chiến thắng áp đảo nhất trong 20 năm trở lại đây" đồng sáng lập của cơ quan tư vấn chính sách của đảng Dân Chủ Third Way, Matt Bennett khẳng định. "Mọi người sẽ không cần phải dùng tới đồng xu để quyết định có bầu cho ông Trump hay không, họ đã có quyết định riêng cho riêng mình và ông Trump sẽ chẳng thể thay đổi được nhiều điều từ giờ cho tới ngày 03/11."