Bitcoin sẽ giết chết vàng?
Phạm Quỳnh Anh
Junior Analyst
Vàng có những trở ngại rõ ràng để thực hiện chức năng tiền tệ trong nền kinh tế hiện đại - đa phần là bởi nó khó vận chuyển. Bitcoin và tiền điện tử đã khắc phục điều đó.
Tôi luôn yêu thích Danh mục đầu tư vĩnh viễn của Harry Browne. Khái niệm này rất đơn giản và rõ ràng - sở hữu tài sản với một tỷ lệ tương đương để bảo vệ bạn trong những biến động của thị trường:
- 25% cổ phiếu: đem lại lợi nhuận cho giai đoạn tăng trưởng.
- 25% trái phiếu: đem lại lợi nhuận cho giai đoạn tăng trưởng hoặc giảm phát.
- 25% tiền mặt / tín phiếu: cho nhu cầu thanh khoản hoặc cho giai đoạn suy thoái.
- 25% vàng: phòng ngừa lạm phát.
Danh mục đầu tư này gần xấp xỉ với Danh mục đầu tư thị trường toàn cầu. Nó đơn giản, đa dạng và bao gồm tất cả các giai đoạn mà chúng ta có thể gặp phải trong một chu kỳ kinh tế. Nó cũng có mức phí thấp và có rất nhiều bằng chứng và dữ liệu lịch sử để củng cố cho tính hiệu quả của danh mục. Điểm không hay duy nhất theo tôi về Danh mục đầu tư vĩnh viễn là thời điểm này có thể thực sự khác với thời điểm Browne tạo danh mục đầu tư vào những năm 1980, chủ yếu là vì:
- Lãi suất 0% có nghĩa là 25% số tiền của bạn bỏ vào tiền mặt / tín phiếu là một tỷ trọng quá lớn đối với hầu hết nhà đầu tư.
- Vàng là một loại tiền tệ dựa vào việc mọi người đặt niềm tin vào nó. 25% danh mục là vàng cho thấy 25% lợi nhuận trong tương lai của bạn sẽ phải chịu rủi ro khi niềm tin này suy giảm hoặc biến mất.
Tôi có thể viết 100 trang về danh mục đầu tư này, về những ưu và nhược điểm của nó, nhưng tôi muốn tập trung vào điểm cuối cùng - “niềm tin” đặt vào vàng.
Lập luận cơ bản là vàng từ lâu đã được xem như một phương tiện tiền tệ thay thế cho tiền pháp định. Về bản chất, vàng chỉ là một loại hàng hóa và cũng có công dụng kinh tế như các loại hàng hóa khác. Nhưng trong lịch sử, vàng đã từng đánh bại các mặt hàng khác về mặt lợi nhuận. Một lời giải thích về lợi nhuận cao hơn này là do cầu về vàng cao khi nó trở thành một hình thức thay thế của “tiền”. Nói tóm lại, vàng có một lịch sử lâu dài là một dạng tiền phi tập trung có thể sử dụng để thay thế cho tiền pháp định tập trung.
Về tiền điện tử
Một trong những hệ quả của tiền điện tử và vàng, với tư cách là các dạng của tiền, là cả hai đều dựa trên các khái niệm phi tập trung giống nhau, khiến chúng trở thành lựa chọn thay thế hữu ích cho tiền pháp định. Vàng có những trở ngại rõ ràng về chức năng tiền tệ trong nền kinh tế hiện đại - đa phần là bởi nó khó vận chuyển. Bitcoin và tiền điện tử đã khắc phục điều đó. Cá nhân tôi thấy lợi ích phòng ngừa rủi ro lạm phát dài hạn của tiền điện tử có phần kém lợi hơn so với những gì nhiều người ủng hộ tin tưởng. Rốt cuộc, tất cả tiền điện tử đều là nội sinh, theo nghĩa đen là nó được tạo ra từ không thứ gì cụ thể và có thể được vay mượn giống hệt như cách mà các ngân hàng hiện đại tạo tiền từ con số không khi họ cho vay. Một hệ thống Bitcoin "dự trữ một phần" kết hợp với việc cho vay nội sinh có thể từng chút một tạo ra lạm phát như hệ thống tiền pháp định hiện tại, với sự khác biệt chính là không có chính phủ nào ở đó để bơm hàng nghìn tỷ vào hệ thống theo ý thích. Và đó là nơi mà 18 tháng qua, “niềm tin” đặt vào vàng trở nên khá thú vị….
Một điều kỳ lạ đã xảy ra trong thời kỳ COVID. Chính phủ Hoa Kỳ đã chi 6 nghìn tỷ USD để chống lại đại dịch. Đúng như dự đoán, gói kích thích tài khóa khổng lồ đã dẫn đến mức lạm phát không mấy dễ chịu. Nhưng đây là nơi mọi thứ trở nên thú vị - kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3 năm 2020, giá vàng đã tăng 6.5%. Mặt khác, giá Bitcoin tăng gần 10 lần. Đó không chỉ là một sự khác biệt nhỏ. Đó là một sự khác biệt đáng kinh ngạc. Đó là sự khác biệt khiến bạn phải tự hỏi liệu mọi người có còn tin rằng vàng là một biện pháp phòng ngừa lạm phát hay không.
Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng vàng hoàn toàn là tiền nếu xét theo khía cạnh một phương tiện trao đổi. Nhưng vàng không phải là một hình thức tốt của tiền vì nó là một loại tiền tệ lỗi thời trong nền kinh tế kỹ thuật số. Tiền điện tử khắc phục điều đó mặc dù chúng chưa chắc khắc phục được vấn đề lạm phát. Nhưng tôi không nghĩ điều đó quan trọng. Thực tế là tiền điện tử hoạt động như một phương tiện trao đổi tốt hơn có nghĩa là nhu cầu về chúng sẽ vượt xa nhu cầu về vàng, như một phương tiện trao đổi.
Nhưng đây là nơi mà phần bù lợi suất cho “niềm tin” đặt vào vàng trở nên thú vị. Nếu bạn giống như tôi, tin rằng vàng chủ yếu chỉ là một loại hàng hóa được đặt niềm tin như là một loại tiền tệ, thì có một lời giải thích hoàn toàn hợp lý cho việc vàng đã từng đánh bại các hàng hóa khác về mặt lợi nhuận. Tóm lại, vàng luôn được xem là phương tiện thay thế cho tiền tệ bởi vì nó là lựa chọn tốt nhất từ sau thời kỳ Bản vị vàng và trong thế giới vật chất. Do đó, nó đã có được một phần chênh lệch giá, so sánh với chức năng thuần túy là một hàng hóa cơ bản của nó.
Nhưng khi nhìn lại 18 tháng qua, chúng ta phải tự hỏi tại sao Chỉ số Hàng hóa CRB lại tăng 80% trong khi vàng hầu như không tăng? Một phần giải thích cho việc vàng không tăng giá trị trong 18 tháng qua một phần lớn là do “niềm tin” đặt vào vàng đang chuyển dịch. Nói cách khác, một số lượng lớn người hiện đang tích cực bán vàng để đổi lấy tiền điện tử và chủ yếu là Bitcoin. Kết quả là giá vàng giảm trong thời kỳ bùng nổ hàng hóa, một phần là do niềm tin đang đảo ngược.
Quan điểm của tôi đúng chứ? Tôi không chắc. Nhưng đây là một sự thay đổi tiềm năng và đầy hấp dẫn trong thuyết về phương tiện thay thế tiền tệ cũng như trong việc quản lý danh mục đầu tư. Xét cho cùng, nếu “niềm tin” đặt vào vàng đang chết dần, thì chúng ta đang trong giai đoạn ban đầu của một sự thay đổi mang tính thế hệ trong cách mọi người bảo vệ danh mục đầu tư của họ và trong cách nhìn về tiền.
Seeking Alpha