Bitcoin vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn bắt kịp vàng
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Bất chấp đà tăng ấn tượng vừa qua, Bitcoin vẫn đang rất nhỏ bé so với vàng về cả quy mô lẫn chiều sâu thị trường
Với sự tăng giá như vũ bão của giá Bitcoin trong thời gian vừa qua, có một câu hỏi thú vị được đặt ra đó là tại sao tốc độ tăng của tài sản này lại mạnh mẽ hơn rất nhiều so với vàng dù cho cả 2 loại tài sản đều có nguồn cung hạn chế và được xem là nơi cất trữ giá trị.
So sánh quy mô
So sánh về mặt quy mô giữa vàng và Bitcoin, trong đó sử dụng vàng vật chất là đơn vị so sánh, tại mức giá khoảng 38,900 USD tại thời điểm viết bài và với 18.589 triệu đơn vị đang ở trong lưu hành, Bitcoin có quy mô vốn hóa thị trường khoảng 723 tỷ USD. Theo đó, nếu giá Bitcoin tăng thêm 1000 USD sẽ tương ứng với giá trị vốn hóa tăng thêm 18.598 tỷ USD, tuy nhiên đối với vàng thì chỉ cần mức tăng 2.88 USD/Oz để đạt được mức tăng tương đương.
Với khoảng 200,5 nghìn tấn vàng đã được khai thác trong lịch sử (trong đó có khoảng 3 nghìn tấn tăng thêm trong năm 2020) và mức giá khoảng 1900 USD/Oz, quy mô vốn hóa của vàng là khoảng 12,25 nghìn tỷ USD. Do đó, về mặt quy mô, thị trường vàng toàn cầu vẫn đang lớn hơn khoảng 17 lần so với Bitcoin. Nguồn cung vàng vật chất đã được khai thác cũng tăng với tốc độ rất chậm, khoảng 1,5% mỗi năm.
Thị trường "Vàng giấy - Paper Gold"
Một điểm khác biệt lớn khác giữa vàng và Bitcoin đó là về chiều sâu của thị trường. Đối với vàng, bên cạnh vàng vật chất, việc đầu tư vào vàng có thể thực hiện thông qua thị trường "vàng giấy - Paper Gold" với sự xuất hiện của các Quỹ ETF vàng hay các sản phẩm phái sinh. Điều này dẫn tới một thực trạng đó là rất nhiều các giấy tờ có giá được giao dịch dựa trên cùng một lượng vàng vật chất. Và do đó, giá vàng được xác định chủ yếu dựa trên thị trường "vàng giấy" (chủ yếu bởi các giao dịch liên ngân hàng tại London và trên sàn COMEX) thay vì dựa trên thị trường vàng vật chất. Trong khi đó đối với Bitcoin, giá vẫn đang được xác định dựa trên cung cầu thị trường giao ngay và thiếu vắng các sản phẩm phái sinh liên quan.
Điều này đồng nghĩa rằng thay đổi về nhu cầu đối với đồng Bitcoin sẽ tác động trực tiếp tới giá của tài sản này, trong khi tổng nhu cầu đối với vàng không thể phản ánh hoàn toàn vào giá do đã được hấp thụ bởi thị trường "vàng giấy" khổng lồ. Nói tóm lại, giá vàng không đơn thuần phản ánh cân đối cung cầu của vàng vật chất trong khi đó giá Bitcoin vẫn đang phản ánh hoàn toàn tương quan cung cầu của thị trường đối với tài sản này.
Kết luận
Trong khi nguồn cung của vàng tổng hợp là vô hạn, nguồn cung vàng vật chất lại có hạn. Trong thực tế, sự gia tăng nguồn cung vàng vật chất là rất chậm chạp. Không may đó là cung cầu đối với vàng vật chất không có nhiều tác động tới giá vàng quốc tế mà thay vào đó là thị trường "vàng giấy". Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như các nhà đầu tư đều chuyển đổi "vàng giấy" ra vàng vật chất. Khi đó giá vàng vật chất sẽ tăng mạnh, trong khi khiến cho giá vàng quốc tế niêm yết tại London và COMEX giảm mạnh khi sự kết nối giữa 2 thị trường bị nứt gãy.
Tất nhiên kịch bản trên chỉ là giả định, với bối cảnh hiện tại, giá vàng vẫn sẽ có xu hướng tăng khi các yếu tố hỗ trợ vẫn đang thuận lợi như NHTW tiếp tục in thêm tiền, lãi suất thực ở mức âm, rủi ro lạm phát quay trở lại.