Bộ đôi Biden - Yellen sẽ thay đổi nền kinh tế Mỹ như thế nào?
Kinh nghiệm hoạch định chính sách hàng thập kỷ của Janet Yellen gợi ý về cách bà sẽ lãnh đạo Bộ Tài chính thông qua sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ.
Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là sẽ đề cử bà Yellen đứng đầu Bộ Tài chính, đưa bà trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính nữ đầu tiên. Yellen đã là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, và nếu thông tin này được xác nhận, bà sẽ là người đầu tiên giữ nhiều cương vị quan trọng, bao gồm: điều hành Bộ Tài chính, Fed và Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng.
Nhà kinh tế học 74 tuổi sẽ gia nhập nội các vào thời điểm kinh tế căng thẳng. Các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng, và dữ liệu cho thấy sự phục hồi ban đầu của nền kinh tế đã chậm lại đáng kể trong suốt mùa thu. Các nhà kinh tế cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi viện trợ của chính phủ hết hạn và các cuộc họp mặt trong tuần nghỉ lễ làm gia tăng số ca nhiễm.
Từ việc cải thiện mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Fed đến việc điều chỉnh các chương trình cứu trợ quan trọng, đây sẽ là cách Yellen lãnh đạo chính sách kinh tế dưới thời chính quyền Biden.
Gói kích thích mới
Sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Biden trên phương diện kinh tế nhiều khả năng sẽ liên quan tới gói kích thích tài khóa mới. Gói viện trợ 2.2 nghìn tỷ đô la đang gần cạn kiệt và các chương trình trợ cấp thất nghiệp quan trọng sẽ hết hạn vào tháng 12.
Trong bối cảnh tốc độ phục hồi kinh tế có dấu hiệu chững lại, đảng Dân chủ đang tạo áp lực lên đảng Cộng hòa nhằm thông qua một gói kích thích khác. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn còn mâu thuẫn về quy mô của một thỏa thuận kích thích mới, với nhiều tháng đàm phán không có bước tiến đáng kể nào. Chính quyền của ông Biden cho biết sẽ thúc đẩy một gói kích thích hàng tỷ đô la vào năm 2021, và những bình luận gần đây từ Yellen cho thấy bà sẽ đẩy mạnh việc thông qua các biện pháp kích thích mới cho đến khi mối đe dọa virus biến mất.
"Chính sách tiền tệ còn nhiều điểm hạn chế và chính sách tài khóa sẽ cần khắc phục những điểm này.", cựu chủ tịch Fed nói với Bloomberg TV vào tháng 10. "Trong khi đại dịch vẫn đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế, chúng ta cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ tài khóa đặc biệt."
Khả năng dự luật mới được thông qua sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc kiểm phiếu ở Georgia. Đảng Dân chủ có thể kiểm soát Thượng viện nếu họ giành chiến thắng ở cả 2 cuộc đua, nhưng chỉ một thất bại sẽ khiến Thượng viện rơi vào tay Đảng Cộng hòa và tình trạng bế tắc xung quanh gói kích thích mới sẽ tiếp tục kéo dài.
Các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện có thể sẽ thống nhất một gói viện trợ nhỏ hơn vào năm 2021 và đặt mục tiêu trả các khoản nợ chính phủ ngay khi mối đe dọa virus giảm dần, Ernie Tedeschi, nhà kinh tế học chính sách tại Evercore ISI, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
"Điều mà bà Janet Yellen có thể làm để giúp các nhà hoạch định chính sách là giữ họ tập trung. Ngay cả sau khi vắc-xin được phân phối, nền kinh tế Mỹ còn lâu mới phục hồi hoàn toàn.", ông nói thêm
Sáng tạo
Nếu một thỏa thuận hỗ trợ tài khóa khó đạt được, Yellen có thể chuyển trọng tâm sang các chương trình cho vay khẩn cấp được tạo ra trước đó trong đại dịch. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm thứ Ba đã chuyển 455 tỷ đô la trong quỹ Đạo luật CARES chưa sử dụng vào Quỹ chung của bộ, về cơ bản yêu cầu Yellen phải có sự chấp thuận của Quốc hội trước khi đưa tiền trở lại hoạt động.
Động thái này khiến Bộ trưởng Tài chính tiếp theo có khoảng 80 tỷ USD để triển khai nhiều cơ sở cho vay khác nhau. Số tiền này chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì Yellen có thể mong đợi sẽ quản lý, nhưng kinh nghiệm của vị cựu chủ tịch Fed sẽ giúp số tiền được tận dụng tối đa, Tedeschi nói.
Ông nói: “Janet Yellen là người tốt nhất để đưa ra những lựa chọn thông minh về đối tượng cần hỗ trợ nhằm mục tiêu hồi phục nền kinh tế và thị trường tài chính."
"Cải cách một số chương trình cho vay được thiết lập giữa Fed và Bộ Tài chính cũng có thể giúp cho 80 tỷ USD hữu ích hơn trong quá trình phục hồi. Hai cơ quan có thể tập trung vào việc giảm lãi suất cho các thành phố tự quản cụ thể và các doanh nghiệp nhỏ thay vì duy trì các cơ sở tín dụng ít được sử dụng của họ", nhà kinh tế Fed Claudia Sahm nói với Business Insider.
Trong khi kích thích tài khóa ngắn hạn là không thể, việc cải thiện đáng kể các điều khoản của một khoản vay khiến nó "khá tương đồng với việc cung cấp tiền cho mọi người", bà nói thêm.
"Những cộng đồng này cần một cầu nối. Và cầu nối đó có thể được xác định", Sahm nói. "Fed sẽ không bao giờ làm điều đó vì Fed không muốn chọn người thắng và người thua. Nhưng Bộ Tài chính có thể vì họ được bầu."
Mối quan hệ giữa Fed và Bộ Tài chính
Nhiều năm kinh nghiệm tại Fed giúp Yellen hình thành một mối quan hệ hợp tác tốt giữa Bộ Tài chính và Fed. Mối quan hệ giữa 2 bên trở nên căng thẳng vào tuần trước khi sau khi ông Mnuchin bất ngờ yêu cầu Fed trả lại các khoản tiền đã được phân bổ cho chương trình cho vay khẩn cấp. Đáp lại những động thái đó, Ngân hàng Trung ương đã đưa ra một tuyên bố "thúc giục bộ Tài chính cần gia hạn đầy đủ các công cụ cứu trợ khẩn cấp"
Tranh chấp làm dấy lên những lo ngại rằng 2 nhà hoạch định chính sách kinh tế quyền lực nhất đang đối đầu với nhau giữa bối cảnh phục hồi kinh tế chững lại. Những lo lắng như vậy ít có khả năng xuất hiện khi bà Yellen ở vị trí lãnh đạo, Sahm cho biết. "Bởi vì Yellen hiểu rõ những gì Fed có thể và không thể làm".
Cựu chủ tịch Fed cũng có quan hệ rất tốt đối với chủ tịch đương nhiệm Jerome Powell. Ông Powell từng làm việc dưới quyền bà Yellen trong nhiệm kỳ 2014 - 2018. Điều này sẽ tạo tiền đề cho mối quan hệ thành công giữa Fed và Bộ Tài chính dưới chính quyền Biden.
"Họ sẽ hợp tác rất hiệu quả" , Sahm cho biết. "Nếu là một ai đó Jay chưa từng làm việc cùng, giữa họ sẽ chỉ là mối quan hệ công việc. Nhưng mối quan hệ này đã có cơ sở để phát triển. Họ từng hợp tác rất ăn ý."
Tập trung vào thị trường lao động
Cựu chủ tịch Fed cũng tập trung mạnh mẽ vào thị trường lao động Mỹ. Yellen chuyên nghiên cứu việc làm và dành nhiều thời gian tại ngân hàng trung ương để cập nhật các công cụ đánh giá sức khỏe thị trường lao động. "Khả năng chất vấn về tính chính thống và thay thế những số liệu đã tồn tại hàng thập kỷ bằng các lựa chọn tốt hơn của bà là "khả năng đặc biệt hiếm có và vô cùng hữu ích"
Trọng tâm đó đến vào thời điểm thất nghiệp hàng loạt ở Mỹ. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 6.9% trong tháng 10, hơn 11 triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp. Lần đầu tiên kể từ tháng 7, tình trạng thất nghiệp tăng trong hai tuần liên tiếp trong tháng này, báo hiệu sự phục hồi của thị trường lao động đang chững lại.
Tedeschi lưu ý rằng việc hồi sinh thị trường lao động là nơi mà "sự tín nhiệm và gây ảnh hưởng của Yellen sẽ hữu ích nhất với chính quyền Biden".
Khi quyền hành trở lại
Yellen cũng quá quen thuộc với những đợt suy thoái lịch sử. Bà từng là phó chủ tịch của Fed giai đoạn 2010 - 2014, khi Hoa Kỳ bắt đầu vượt qua cuộc Đại Suy thoái. Không có ứng cử viên nào khác cho vị trí Bộ trưởng Tài chính có kinh nghiệm như Yellen trong việc xử lý các cuộc suy thoái chưa từng có và đưa ra những quyết sách quan trọng.
Bà đã từng giữ vai trò lãnh đạo trong thời khắc đen tối nhất. Giai đoạn quý IV năm 2008 là một khoảng thời gian vô cùng đáng sợ. Việc giữ vai trò lãnh đạo ở Fed chẳng khác nào ngồi trên mỏm đá cả.
Những kinh nghiệm của Yellen rất quý giá cho vai trò của bà trong việc phục hồi kinh tế. Ông Tedeschi nói, cựu chủ tịch Fed luôn tập trung vào phục hồi nền kinh tế trước, sau đó mới xử lý nợ công.
"Về bản chất, bà Yellen là một chuyên gia và là người phù hợp nhất với vị trí này".