Các "chuyên gia tiền ảo" và trò lừa đảo Bitcoin đa cấp
Đức Nguyễn
FX Strategist
Những "chuyên gia" này nói với công chúng về cơ hội làm giàu nhanh chóng, nhưng đa phần chỉ phục vụ lợi ích riêng cho mình.
Thế giới tiền ảo có những tranh cãi riêng của nó. Tại đây, những người chỉ trích Bitcoin thường xuyên hứng chịu những lời “giáo huấn” từ phe cuồng tín, những kẻ sẵn sàng lăng mạ bất kỳ ai nói tiêu cực về đồng tiền của họ. Gần đây, xuất hiện một câu nói nổi lên từ đội quân Bitcoin: “Have Fun Staying Poor” (Cứ nghèo đi nhé).
Câu nói này trở nên nổi tiếng tới nỗi một bài hát được đặt tên theo nó, và thậm chí được in lên cả áo phông. Lời chế nhạo này chủ yếu nhắm tới những người chỉ trích tiền ảo mỗi khi họ bộc lộ hoài nghi. Tư tưởng ở đây là do giá sẽ tăng lên mãi mãi, những người không lên chuyến tàu Bitcoin sẽ mãi nghèo, còn những người đầu tư sẽ giàu nứt vách.
Nghe có vẻ hơi giống mô hình Ponzi? Nó chính là mô hình Ponzi, chỉ thiếu đi một số yếu tố như người cầm đầu và lưu chuyển tiền. Những người tham gia phải liên tục kêu gọi thêm nhà đầu tư. Một số tự nhận mình là “chuyên gia tiền ảo”, lăng xê rằng tiền ảo là giải pháp cho một loạt vấn đề tài chính - kinh tế mà họ không có chuyên môn, như Antony “Pomp” Pompliano, một nhà đầu tư tiền ảo có tiếng, đã đăng trên Twitter của mình rằng, “mọi thị trường tăng đều phải truyền bá về tầng lớp đầu tư tiền ảo.”
Theo Martin Walker, giám đốc mảng ngân hàng - tài chính tại CEBMa, “về cơ bản nó không hoạt động như mô hình Ponzi, nhưng kết quả thu được là gần như nhau. Cái hay của trò lừa đảo tiền ảo là bạn không cần phải sinh lời để trả tiền cho ai cả, nên bạn không hết tiền vì bạn khiến người khác tin rằng giá cứ tăng lên.”
Nhưng những “Bitcoiner” này không giải thích - thậm chí một số còn không hiểu - đây là trò chơi tổng không: lãi của người này là lỗ của người kia. Nếu nghe những “góc nhìn chuyên gia”, không ai nói gì về việc này, hay việc hệ thống được xây dựng để làm giàu cho những người đứng đầu. Những phân tích của họ chỉ tập trung vào “dân chủ hóa tài chính”, “tăng tự do kinh tế”, hay đối đầu với các ngân hàng trung ương muốn thổi phồng lạm phát.
Khi El Salvador chính thức công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp, nhiều “chuyên gia” này đã phân tích về việc thúc đẩy tài chính toàn diện, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giá Bitcoin. Nhưng họ lại quên nói về việc gần 90% của 21 triệu Bitcoin có thể tồn tại đã được đào, và đang đợi để bán lấy lời. Hay họ cũng không hề nhắc đến sự chênh lệch giàu nghèo trong giới tiền ảo - một báo cáo của Glassnode cho biết ba phần tư tổng số Bitcoin đang nằm trong tay của 2% “thực thể mạng”.
“Bất bình đẳng Bitcoin tệ hơn bất cứ đồng tiền định danh nào khác, và với việc không phải chịu thuế, không có cách nào để phân phối thu nhập cả,” theo Frances Coppola, một nhà bình luận về tài chính và kinh tế.
Các "chuyên gia Bitcoin" bỏ qua hoàn toàn những điều này, đơn giản vì họ muốn hưởng lợi từ việc tăng giá. Vấn đề nằm ở việc họ có được “chuyên môn” bằng cách trực tiếp tham gia vào thị trường. Pompliano cho rằng đây là lý do nên nghe theo lời họ, nói rằng đừng để ý tới những ai không tham gia. Nhưng Pompliano cũng chỉ là loại “chuyên gia” như vậy: để Bitcoin được sử dụng rộng rãi, sẽ cần rất nhiều người mua nó từ những người đã sở hữu từ trước, biến những kẻ nắm giữ lâu dài thành giới siêu giàu.
May mắn thay, vẫn còn có quá nhiều vấn đề với Bitcoin - một trong số đó là hàng ngàn đối thủ cạnh tranh - ngăn cản điều này thực sự xảy đến.
Financial Times