Cán cân thương mại và mối liên hệ với thị trường ngoại hối
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Tỷ giá ngoại tệ là vô cùng quan trọng trong giao thương thương mại giữa hai quốc gia.
Cán cân thương mại
Cán cân thương mại (trade balance) đo lường sự chênh lệch giữa tổng giá trị xuất khẩu so với tổng giá trị nhập khẩu của một quốc gia.
Như vậy, nếu một quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, cán cân thương mại sẽ có giá trị dương, khi đó quốc gia này xuất hiện thặng dư thương mại (trade surplus). Ngược lại, nếu quốc gia này nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, cán cân thương mại sẽ có giá trị âm, khi đó quốc gia này có sự thâm hụt thương mại (trade deflict).
Số liệu cán cân thương mại của một quốc gia sẽ được công bố định kỳ, và thời gian công bố có thể được tìm thấy trên lịch kinh tế.
Cán cân thương mại tác động đến thị trường ngoại hối như thế nào?
Xuất khẩu
Lấy một ví dụ, khi Mỹ muốn xuất khẩu hàng hóa sang Anh, người mua tại Anh sẽ phải sử dụng đồng Bảng Anh của họ để đổi sang đồng Dollar nhằm đáp ứng việc thanh toán nếu như hàng hóa được yết giá theo USD. Như vậy, những người mua hàng ở nước ngoài sẽ có nhu cầu đối với USD. Như vậy, khi xuất khẩu tăng tích cực, đồng USD sẽ mạnh lên, và ngược lại.
Nếu người bán ở Mỹ chấp nhận thanh toán bằng GBP, điều này sẽ tác động tới nguồn cung ngoại tệ ở nước này. Xuất khẩu tăng lên sẽ khiến nguồn cung đồng USD yếu đi so với nguồn cung GBP, điều này cũng góp phần khiến đồng bạc xanh mạnh lên.
Nhập khẩu
Trong trường hợp Mỹ phải nhập khẩu hàng hóa từ Anh, họ sẽ phải bán ra đồng USD để đổi lấy GBP, nhằm phục vụ cho thanh toán. Nếu nhập khẩu tốt lên, đồng USD sẽ bị bán ra nhiều hơn, khiến USD suy yếu.
Như vậy, kết hợp cả hai tác động đến từ xuất khẩu và nhập khẩu, ta có:
- Khi cán cân thương mại của một quốc gia tăng lên (tăng thặng dư, giảm thâm hụt hoặc thâm hụt chuyển đổi thành thặng dư) thì đồng nội tệ sẽ tăng giá so với các đồng ngoại tệ khác.
- Khi cán cân thương mại giảm xuống (giảm thặng dư, tăng thâm hụt hoặc thặng dư chuyển sang thâm hụt) thì đồng nội tệ sẽ yếu đi.
Mỹ đã chứng kiến thâm hụt thương mại lớn, và hơn 18% sản lượng nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc. Do đó, chúng ta có thể chứng kiến sự tương quan mạnh mẽ giữa cán cân thương mại của Mỹ với tỷ giá USD/CNY.
Thị trường ngoại hối có tác động đến cán cân thương mại theo chiều ngược lại?
Giả sử tỷ giá USD/VND đang ở mức 23,200. Mỹ muốn xuất khẩu sang Việt Nam một chiếc điện thoại iPhone 12 với giá $1,000. Khi đó, người mua tại Việt Nam sẽ mất 23.2 triệu VND để mua chiếc điện thoại này (bất kể tiền tệ thanh toán là VND hay USD). Nếu đồng USD yếu đi, tỷ giá USD/VND giảm xuống 23,000, người mua tại Việt Nam sẽ mất 23 triệu VND để sở hữu chiếc iPhone 12 này, rẻ hơn giá ban đầu. Tuy vậy đối với người bán tại Mỹ, họ sẽ đều thu về $1,000 trong cả hai trường hợp, doanh thu bình quân cho mỗi sản phẩm không bị giảm đi.
Khi giá của mặt hàng tính theo VND giảm, nhu cầu mua hàng tại Việt Nam sẽ tăng lên, Mỹ sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn trong khi giá bán theo USD là không đổi. Như vậy, khi USD suy yếu, xuất khẩu tại Mỹ sẽ được thúc đẩy. Ngược lại, khi USD tăng, xuất khẩu sẽ bị hạn chế. Đó là lý do mà các nhà hoạch định chính sách tại bất kỳ quốc gia nào xuất khẩu dồi dào đều mong muốn đồng nội tệ yếu đi.
Đối với nhập khẩu, trong trường hợp tỷ giá USD/VND ở mức 23,200 và Mỹ muốn nhập khẩu một mặt hàng tại Việt Nam với giá 232,000 đồng. Khi đó, người mua tại Mỹ sẽ cần bỏ ra $10. Trong trường hợp tỷ giá giảm xuống 23,000, người Mỹ sẽ cần phải bỏ ra $10.09 cho sản phẩm này. Giá cao lên sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Như vậy, việc đồng USD suy yếu sẽ khiến nhập khẩu giảm đi, và ngược lại.
Tóm lại:
- Khi một đồng tiền suy yếu, xuất khẩu tăng lên và nhập khẩu giảm đi, dẫn đến sự gia tăng của cán cân thương mại.
- Khi một đồng tiền mạnh lên, xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng, khiến cán cân thương mại thâm hụt hơn.
Có thể nói, tỷ giá và cán cân thương mại có mối liên hệ mật thiết với nhau và có tính chu kỳ. Trên thực tế, khi một quốc gia chứng kiến sự tăng trưởng trong xuất khẩu, cán cân thương mại tăng lên, đồng nội tệ mạnh lên, dẫn đến xuất khẩu không duy trì được tốc độ tăng trưởng như trước. Khi đó NHTW sẽ can thiệp để làm suy yếu đồng nội tệ, thúc đẩy xuất khẩu trở lại.
Tiền tệ, thương mại và tăng trưởng kinh tế
Việc làm suy yếu đồng nội tệ có ý nghĩa rất quan trọng: giúp thúc đẩy xuất khẩu, tăng cán cân thương mại. Cán cân thương mại tăng lên cũng khiến GDP tăng lên, theo như công thức tính GDP:
GDP = C + I + G + (X – M)
Các quốc gia không mong muốn đồng tiền của mình quá mạnh, bởi chúng sẽ làm nền kinh tế khó tăng trưởng.