Hiểu về Cục dự trữ liên bang Mỹ - FED
Hãy cùng tìm hiểu về lịch sử của Fed, ảnh hưởng của Fed đối với đồng USD và cách giao dịch dựa trên các quyết định chính sách tiền tệ của Fed.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được thành lập vào năm 1913 bởi Quốc hội Hoa Kỳ. Các hành động và chính sách của Fed tác động mạnh đến giá trị tiền tệ, ảnh hưởng đến nhiều giao dịch liên quan đến đồng dollar Mỹ.
Cục dự trữ Liên bang là gì?
Cục Dự trữ Liên bang là Ngân hàng Trung ương của Hoa Kỳ. Được thành lập để tạo ra một hệ thống tài chính tiền tệ ổn định, linh hoạt cho nước Mỹ. Nhiệm vụ chung của Fed là thiết lập chính sách tiền tệ và giám sát hoạt động kinh tế hiệu quả, để mục tiêu cuối cùng là phục vụ lợi ích quốc gia. Để đáp ứng các mục tiêu này, Fed thực hiện 5 chức năng chung:
- Tối đa hóa việc làm, giữ vững lạm phát ổn định và lãi suất vừa phải trong dài hạn.
- Giảm thiểu rủi ro nếu có thể để hướng tới hệ thống tài chính ổn định.
- Thúc đẩy an toàn trong hệ thống tài chính.
- Giữ vững an toàn trong hệ thống thanh toán.
- Bảo vệ người tiêu dùng thông qua giám sát.
Để đảm bảo thực hiện các hoạt động hàng ngày, Fed bao gồm 12 Ngân hàng dự trữ trong hệ thống tại 12 bang khác nhau tại Mỹ. Mỗi ngân hàng Dự trữ liên bang đại điện cho một bang và được đặt tên theo thành phố mà đặt trụ sở. Các ngân hàng thành viên này hoạt động độc lập trong khi được giám sát bởi Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang.
Ai là chủ sở hữu Fed?
Fed vừa là một tổ chức tư nhân, cũng vừa là một tổ chức công cộng. Hội đồng thống đốc là cơ quan chính phủ, trong khi bản thân các ngân hàng được cấu trúc giống như các tập đoàn tư nhân - các ngân hàng thành viên nắm giữ cổ phiếu và nhận cổ tức.
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang là ai?
Tính đến tháng 11/2020, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang là ông Jerome Powell, người đã phục vụ tại văn phòng này kể từ ngày 5/2/2018. Ông là người thứ 16 đã giữ chức vụ này và sẽ phục vụ nhiệm kỳ 4 năm. Trước khi được bổ nhiệm, ông Powell từng là thành viên của Hội đồng Thống đốc từ ngày 25/5/2012. Ông hiện cũng là Chủ tịch của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang - cơ quan quản lý chính sách tiền tệ.
Các ngân hàng dự trữ liên bang khu vực.
- Boston
- New York
- Philadelphia
- Cleveland
- Richmond
- Atlanta
- Chicago
- St. Louis
- Minneapolis
- Kansas
- Dallas
- San Francisco
Trách nhiệm của Fed
Fed phải chịu trách nhiệm trước công chúng, cũng như Quốc hội Hoa Kỳ. Để hệ thống thiết lập chính sách tiền tệ được vận hành rõ ràng và minh bạch, Chủ tịch và các lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang điều trần trước Quốc hội. Vì trách nhiệm giải trình, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ công bố các tuyên bố sau tất cả các cuộc họp hàng năm. Tất cả các báo cáo tài chính đều được kiểm toán độc lập mỗi năm một lần để đảm bảo trách nhiệm giải trình tài chính.
Nhiệm vụ của Fed
Chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ là nhiệm vụ cốt lõi của ngân hàng Dự trữ Liên bang. Các mục tiêu luật định của chính sách tiền tệ do Quốc hội vạch ra, bao gồm:
- Tối đa hóa việc làm: Chính sách tiền tệ do FOMC đề ra phải đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế khi cần thiết để các doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra lợi nhuận và thuê thêm người lao động để phát triển. Hướng tới mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên nằm trong khoảng 4.7% - 5.8%
- Ổn định giá cả: Fed định nghĩa ổn định giá cả là tỷ lệ lạm phát 2% trong dài hạn, mục tiêu này đã được điều chỉnh thành trung bình 2% trong cuộc họp tháng 9/2020
- Duy trì lãi suất dài hạn vừa phải: Điều này hoạt động cùng với sự ổn định giá cả - khi nền kinh tế ổn định, lãi suất dài hạn vẫn ở mức vừa phải
Fed đặt mục tiêu đạt được chính sách tiền tệ thông qua ảnh hưởng của Fed đối với lãi suất và môi trường tài chính chung. Điều này có thể dẫn đến sự biến động của đồng dollar Mỹ, trước các thông báo của Fed và các thay đổi về chính sách.
Ủy ban Thị trường Mở liên bang (Federal Open Market Committee - FOMC)
Chính sách tiền tệ được thiết lập bởi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan giám sát các hoạt động thị trường mở của Hệ thống Dự trữ Liên bang. FOMC đặt mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate -FFR) tại các cuộc họp của FOMC; đây là lãi suất mà FOMC muốn các ngân hàng cung cấp cho nhau để vay qua đêm. Mặc dù FOMC không kiểm soát lãi suất, nhưng FOMC có thể ảnh hưởng đến lãi suất này theo ba cách chính:
- Hoạt động thị trường mở: Điều này có nghĩa là việc mua và bán trái phiếu chính phủ trên thị trường mở - bán trái phiếu làm giảm cung tiền tệ với mục đích tăng lãi suất, mua trái phiếu đưa tiền trở lại nền kinh tế, với mục đích giảm lãi suất
- Lãi suất chiết khấu: Đây là lãi suất mà các ngân hàng phải trả để vay tiền từ Fed. Khi lãi suất này thấp hơn, thì nhiều khả năng lãi suất quỹ liên bang cũng sẽ thấp hơn.
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Các ngân hàng cần giữ một tỷ lệ tiền gửi nhất định của khách hàng để đáp ứng các khoản rút tiền - đây là yêu cầu dự trữ. Khi những khoản này được nâng lên, các ngân hàng không thể cho vay nhiều tiền và phải yêu cầu mức lãi suất cao hơn. Khi hạ xuống, các ngân hàng có thể cho vay nhiều tiền hơn và yêu cầu lãi suất thấp hơn.
Lãi suất quỹ liên bang ảnh hưởng đến đồng dollar Mỹ như thế nào?
Lãi suất của Fed, còn được gọi là lãi suất quỹ liên bang, được thiết lập bởi Hội đồng Thống đốc của Hệ thống Dự trữ Liên bang. Lãi suất hiện tại và kỳ vọng về sự thay đổi lãi suất trong tương lai đều có thể ảnh hưởng đến giá trị của đồng dollar Mỹ. Nếu các nhà giao dịch dự đoán sự thay đổi lãi suất dựa trên thông báo từ Hội đồng thống đốc, điều này có thể khiến đồng dollar tăng giá hoặc giảm giá trị so với các loại tiền tệ khác.
Qua biểu đồ bên dưới, bạn có thể thấy đồng dollar Mỹ đã mạnh lên so với đồng Yên Nhật trước khi Fed công bố lãi suất vào tháng 12/2016 vì nhiều người dự đoán rằng lãi suất cho vay sẽ tăng. Cặp tỷ giá này đạt đỉnh khoảng 118.371 vào ngày công bố, ngày 14/12/2016.
Cách giao dịch để chuẩn bị cho quyết định về chính sách tiền tệ của Fed
Để chuẩn bị cho các quyết định thay đổi lãi suất của Fed, các nhà giao dịch nên làm theo hai bước chính sau:
- Cập nhật tin tức từ Fed: FOMC tổ chức 8 cuộc họp thường kỳ mỗi năm, nơi các chính sách và lãi suất được thảo luận và thống nhất. Cập nhật tin tức trước các cuộc họp này là cách tốt nhất để đưa ra dự đoán về lãi suất và liệu nên mua hay bán đô la Mỹ.
- Cập nhật tin tức từ thị trường: Hãy yên tâm rằng không chỉ riêng bạn sẽ suy đoán về lãi suất - trước các cuộc họp và thông báo của Cục Dự trữ Liên bang, nhiều nhà giao dịch ngoại hối sẽ theo dõi rất chặt chẽ những gì xảy ra. Theo dõi các dự đoán và dự báo của người khác, đồng thời cập nhật đủ thông tin để bạn có thể có ý kiến của riêng mình và thêm logic của riêng bạn vào logic của người khác
Không có phương pháp dự đoán quyết định lãi suất nào có thể hoàn toàn chính xác và những điều bất ngờ sẽ xảy ra. Điều quan trọng là phải tự kiểm soát rủi ro khi giao dịch ngoại hối, vì vậy hãy đảm bảo bạn đặt các điểm dừng trước để đảm bảo bạn giữ mức thua lỗ ở mức tối thiểu nếu thị trường diễn biến ngược lại.
Hãy nhớ tuân theo kế hoạch giao dịch của bạn và không bao giờ vào một giao dịch mà bạn không thể chịu được khoản cắt lỗ. Cho dù bạn có chắc chắn rằng các yếu tố sẽ làm việc có lợi cho bạn hay không, thì vẫn luôn có khả năng là thị trường sẽ diễn biến theo hướng ngược lạ i!