Chặng đường tiếp theo cho vàng dưới "lăng kính" của Giám đốc danh mục đầu tư với 15 năm lăn lộn với thị trường
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Giám đốc quản lý danh mục tại Quỹ đầu tư Horizons, Nick Piquard, cho rằng việc giá vàng tăng phi mã trong mùa hè vừa qua có thể là dấu hiệu thị trường đang mất dần niềm tin đối với vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD
Trong bài phỏng vấn với hãng tin Kitco tuần trước, ông Piquard cho rằng “Sự tăng giá của vàng đang ám chỉ đối với các nhà đầu tư rằng hệ thống tài chính toàn cầu với đồng USD là trung tâm có lẽ sẽ cần có một vài sự thay đổi”
Việc khối lượng nợ toàn cầu gia tăng và in tiền không giới hạn đang làm xói mòn niềm tin đối với vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD.
“Hệ thống tài chính với đồng USD là trung tâm tới nay vẫn hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên chúng ta đang tiến tới thời điểm mà lượng nợ trên toàn thế giới tăng lên quá cao và với cuộc khủng hoảng mới đây, sẽ có thêm nhiều nợ hơn nữa,” ông Piquard giải thích. “Mọi người đang suy nghĩ rằng có thể họ sẽ phải thay đổi cách thức mà đồng USD đóng vai trò là tài sản dự trữ. Hoa Kỳ có thể sẽ in thêm rất nhiều tiền để mua lại tất cả những khoản nợ này. Điều này thực sự sẽ tiếp tục tạo thêm động lực cho đà tăng của vàng.”
Thị trường cũng nhận ra rằng việc giá vàng tiếp tục tăng cao là điều không thể tránh khỏi trước tình hình khó khăn mà Fed và chính phủ Mỹ đang buộc phải đối mặt.
“Các nhà đầu tư đang nhận định rằng cuộc khủng hoảng Covid sẽ chưa thể đi qua trong một sớm một chiều. Số ca nhiễm tiếp tục tăng cao trên toàn cầu. Và khi nó càng kéo dài, càng nhiều nợ sẽ được tạo ra. Quốc hội đang thảo luận về quy mô của gói kích thích tài khóa tiếp theo sau khi đã chi hàng nghìn tỷ USD trước đó.”
Và kể cả khi cuộc khủng hoảng Covid có đi qua, nền kinh tế vẫn sẽ duy trì ở mức yếu trong 1 khoảng thời gian, ông Piquard chỉ ra.
“Với ngần ấy tiền được bơm ra, vấn đề không chỉ đơn giản là tăng thuế để thu lại tiền về hay tăng lãi suất trở lại. Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục phải nới lỏng hơn nữa. Và tất cả những điều trên sẽ đều có lợi cho vàng.”
Fed không thể chỉ đơn giản quay trở lại thời kỳ chính sách bình thường. “Điều này sẽ là tiêu cực với tất cả mọi người. Không ai chiến thắng trong kịch bản đó” ông Piquard nhấn mạnh.
Lạm phát hay giảm phát?
Quan điểm thị trường hiện đang chia làm 2 phe: lạm phát và giảm phát. Trong kịch bản lạm phát, vàng sẽ tiếp tục thể hiện tốt, trong khi đối với kịch bản giảm phát, kim loại này sẽ thể hiện kém hơn, Piqard giải thích.
“Người ủng hộ giảm phát cho rằng vàng sẽ giảm xuống sâu hơn, chứng khoán sụt giảm và đồng USD sẽ tăng mạnh” ông nói. “Về cơ bản, điều họ muốn nói đó là với số nợ khổng lồ trên toàn thế giới và tất cả mọi người đều vay USD và họ sẽ khó có thể trả nợ được ngay lập tức, đặc biệt là với sự suy yếu của nền kinh tế…Khi các khoản nợ đến hạn, tất cả mọi người sẽ đổ xô tìm kiếm USD và sẽ làm giảm giá các tài sản tài chính, đẩy giá trị đồng USD lên cao hơn.”
Phe ủng hộ vàng tăng giá nhờ lạm phát lập luận rằng sự can thiệp của Fed sẽ không để cho giảm phát duy trì.
“Tất cả những điều Fed cần làm đó là mua tất cả những gì đang được rao bán. Và đó chính xác là những điều họ đã làm. Họ trước tiên đã mua TPKB và giờ là TPDN. Các NHTW trên thế giới cũng đang thực hiện điều này. NHTW Nhật Bản đã mua chứng khoán từ rất lâu và Thụy Sỹ cũng đang làm điều tương tự.”
Dựa trên kịch bản lạm phát, Fed sẽ tiếp tục can thiệp, in thêm tiền và làm suy yếu đồng USD. “Đó là điều tích cực cho vàng khi nó là tài sản duy nhất bạn không thể tự in ra thêm,”. Piquard nói.
Lạm phát không cần thiết phải tăng quá cao, vị Giám đốc bổ sung. “Tất cả những điều chúng ta cần đó là giữ lãi suất ở mức rất thấp trong thời gian dài và tỷ lệ lạm phát tăng cao hơn một chút. Miễn là lợi suất thực âm, điều này sẽ có lợi cho giá vàng.”
Làm cách nào để biết khi nào vàng tạo đỉnh
Thị trường vẫn chưa cho thấy đỉnh của giá vàng khi các yếu tố hỗ trợ tiềm năng vẫn đang ở phía trước, Piquard nhận định.
Một dấu hiệu quan trọng cho đỉnh của vàng đó là khi giá bạc bắt kịp đà tăng và vươn tới mức cao nhất mọi thời đại là 50 USD/Oz.
“Giá bạc nhìn chung đang tạo những đỉnh mới báo hiệu lực tăng giá của vàng đang dần suy yếu. Lý do cho điều này là bởi bạc có ứng dụng nhiều hơn trong công nghiệp và được ứng dụng rộng rãi hơn trong nền kinh tế. Do vậy khi giá bạc bắt đầu tăng, điều đó ám chỉ nền kinh tế đang dần phục hồi.”
Tới hiện tại, giá bạc dù đã tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất trong lịch sử. Tại thời điểm viết bài, bạc đang được giao dịch ở mức giá khoảng 24 USD/Oz.
“Vàng đã tạo đỉnh cao nhất mọi thời đại và tôi nghĩ rằng chúng ta cần thấy bạc làm được điều tương tự. Sau đó, các chỉ số sẽ cho thấy sự cải thiện của nền kinh tế. Một khi chúng ta thấy giá bạc bắt kịp đà tăng, đó có thể là dấu hiệu cho đà tăng của vàng mất dần dư địa,” Piquard nói.
Một dấu hiệu khác của việc thị trường tạo đỉnh đó là nền kinh tế dần phục hồi và mục tiêu lạm phát 2% của Fed bị phá vỡ mạnh. “Fed nói rằng họ sẽ chỉ nâng lãi suất khi tỷ lệ lạm phát tăng lên trên mục tiêu 2%. Điều này sẽ cần phải mất một khoảng thời gian – 1 năm hoặc hơn,” ông Piquard lưu ý.
Cơ hội mua vào đối với cổ phiếu các công ty khai thác vàng
Trong một thị trường rất cạnh tranh, cổ phiếu các công ty khai thác vàng đang mang tới một cơ hội mua vào hấp dẫn, theo vị Giám đốc chia sẻ.
“Về giá trị tương đối, các cổ phiếu trên đang khá hấp dẫn. Với hơn 1,900 USD/Oz, hầu hết các công ty khai thác vàng đều đang kiếm ra lợi nhuận. Giá cổ phiếu của các công ty này đang ở mức thấp hơn so với thời điểm 2011,” ông nói. “Không phải tất cả các cổ phiếu trong ngành này đều giống nhau nhưng nếu bạn mua một danh mục các công ty, chúng mang tới tỷ lệ an toàn cao hơn bởi kể cả nếu vàng giảm xuống đôi chút, họ vẫn sẽ kiếm được lợi nhuận.”