Châu Âu không nên nhượng bộ Trump trong cuộc chiến công nghệ
Huyền Trần
Junior Analyst
Ảnh hưởng của Trump đã vươn tới Brussels, gây sức ép lên các cuộc điều tra Big Tech. Châu Âu cần kiên quyết bảo vệ độc lập và hành động mạnh mẽ hơn.
Dù chưa chính thức nhậm chức, ảnh hưởng của Donald Trump có vẻ đã lan rộng từ Silicon Valley đến Brussels. Chỉ vài ngày sau khi Mark Zuckerberg tuyên bố ngừng kiểm chứng tin tức trên Meta, một động thái rõ ràng nhằm lấy lòng Trump thì Ủy ban châu Âu tuyên bố đang "đánh giá" các cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Apple, Alphabet và Meta.
Như thường lệ, xác minh thông tin từ Brussels không hề đơn giản. Một phát ngôn viên Ủy ban châu Âu khẳng định không có cuộc đánh giá nào diễn ra, nhưng một đại diện khác lại thừa nhận rằng "thực tế chính trị có thể gây áp lực lên quá trình kỹ thuật" khi được hỏi về ảnh hưởng từ Trump. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi EU không thể làm ngơ trước những diễn biến từ Washington. Trump từng đe dọa áp thuế lên châu Âu, trong khi Zuckerberg cáo buộc EU "gây khó dễ" cho các công ty Mỹ và kêu gọi chính quyền Trump can thiệp để ngăn chặn các án phạt cùng các quy định mới.
Điều khiến Brussels lo ngại là liệu các quan chức chống độc quyền mới của EU có đủ quyết liệt trong việc thực thi Luật Thị Trường Kỹ Thuật Số (DMA) hay không. Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao tiết lộ rằng chiến thắng của Trump là "một yếu tố" trong quyết định đánh giá lại các cuộc điều tra, điều này là một dấu hiệu cho thấy sự bất an trong nội bộ EU.
Cả ba cuộc điều tra nhắm vào Apple, Alphabet và Meta vẫn chưa dẫn đến án phạt, nhưng EU đang gây áp lực buộc các công ty này thay đổi hành vi kinh doanh. Trước đây, các khoản phạt dường như chỉ là "chi phí hoạt động" đối với Big Tech, minh chứng là khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) phạt Facebook 5 tỷ USD vào năm 2019, giá cổ phiếu công ty này lại tăng.
Ủy ban châu Âu cũng đang nỗ lực chấn chỉnh những hành vi gây tổn hại nghiêm trọng đến người dùng. Trong cuộc đối đầu với Meta, cơ quan này đã yêu cầu công ty cung cấp tùy chọn sử dụng Facebook không bị quảng cáo theo dõi. Đáp lại, Meta đưa ra phương án nhưng kèm phí đăng ký 12.99 euro (13.34 USD). Ủy ban cho rằng điều này chưa đủ, yêu cầu Meta cung cấp một phiên bản miễn phí, bảo vệ dữ liệu cá nhân tốt hơn. Đến tháng 11, Meta buộc phải giảm giá gói này xuống 40%.
Dù là một cuộc đấu tranh đầy cam go, đây vẫn là một bước tiến. Trước đây, các vụ kiện chống độc quyền của EU nhắm vào Big Tech kéo dài nhiều năm do phụ thuộc vào các quy định cũ kỹ, đặt gánh nặng chứng minh lên cơ quan quản lý.
Đạo luật Thị Trường Kỹ Thuật Số (DMA), với 22 quy tắc rõ ràng về lạm dụng thị trường, ra đời nhằm giúp Ủy ban hành động nhanh hơn. Trong bối cảnh các ông lớn công nghệ liên tục sao chép ý tưởng đối thủ, thâu tóm nhân sự và tìm cách "trói chân" người dùng vào hệ sinh thái của mình, thường dễ dàng thoát khỏi chế tài nhờ đội ngũ vận động hành lang và luật sư hùng hậu, việc trang bị những công cụ giám sát mạnh mẽ hơn là điều tất yếu.
Bloomberg