Trung Quốc đối mặt "Bão Trump": Nhân dân tệ và chứng khoán nguy cơ chao đảo
Huyền Trần
Junior Analyst
Lợi suất trái phiếu có thể tiếp tục giảm sâu khi dòng tiền tìm đến tài sản trú ẩn. Trong khi đó, một số cơ hội vẫn tồn tại trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là ở các ngành như xe điện và năng lượng mặt trời.
Nếu một cuộc chiến thương mại mới với Mỹ bùng phát, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ không còn cảm giác “đã từng trải qua” như trước.
Bối cảnh hiện nay khác xa so với giai đoạn 2018-2019. Nhân dân tệ đang trượt dần về mức thấp kỷ lục trên thị trường quốc tế, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ cũng chạm đáy. Dù Trung Quốc đã giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ, niềm tin vào nền kinh tế và tài sản tài chính lại xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, làm gia tăng nguy cơ dòng vốn tháo chạy nếu tâm lý thị trường tiếp tục suy yếu.
Trước tình hình đó, giới phân tích cảnh báo về khả năng đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu hơn, còn thị trường chứng khoán vẫn khó khởi sắc.
Từ cuối tháng 9 đến nay, đồng CNY đã mất hơn 5% giá trị so với USD sau khi tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa áp thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo các chuyên gia, tùy vào cách chính quyền mới triển khai chính sách thuế, tỷ giá USD/CNY có thể lên mức 7.5 hoặc thậm chí 8 vào cuối năm nay, từ mức hiện tại dưới 7.35.
Đà suy yếu của đồng tiền này còn đi kèm với sự lao dốc của lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc, vốn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Điều này phản ánh lo ngại rằng căng thẳng thương mại sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề kinh tế vốn đã tồn tại, từ khủng hoảng bất động sản đến áp lực giảm phát. Trong khi đó, thị trường chứng khoán có thể chứng kiến một số ngành như xe điện và năng lượng tái tạo hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy tự chủ công nghiệp của Bắc Kinh.
Dù Trung Quốc đã giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ, nhu cầu bên ngoài vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng, nhất là khi tiêu dùng nội địa còn yếu. Vì vậy, Bắc Kinh có thể không muốn giữ tỷ giá nhân dân tệ quá cao để tránh làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, việc chính phủ không tung ra các gói kích thích tài khóa mạnh mẽ càng khiến niềm tin nhà đầu tư suy giảm, gia tăng áp lực mất giá đối với đồng CNY khi dòng vốn tháo chạy ngày càng mạnh.
“Nhân dân tệ sẽ đóng vai trò như bộ đệm trước các mức thuế cao hơn mà Trump có thể áp đặt trong nhiệm kỳ hai,” Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ, nhận định. “Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể sẽ giới hạn mức độ mất giá của đồng tiền này, do ưu tiên ổn định tài chính hơn là lợi thế cạnh tranh tỷ giá.”
ANZ dự báo tỷ giá USD/CNY sẽ giảm xuống mức 7.5 trong năm nay.
Edmund Goh, Giám đốc đầu tư trái phiếu châu Á tại abrdn Plc, thậm chí dự báo tỷ giá USD/CNY có thể xuyên thủng mốc 7.8 trong sáu tháng tới nếu Trump áp thuế trên 40% đối với hàng hóa Trung Quốc. Nếu mức thuế chỉ ở mức 20%, tỷ giá USD/CNY có thể ổn định quanh mức 7.45.
Một số chuyên gia thậm chí còn lo ngại viễn cảnh tồi tệ hơn.
Đồng CNY chịu áp lực giảm sâu khi chiến tranh thương mại leo thang
George Magnus, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, nhận định: “Bắc Kinh có thể để tỷ giá USD/CNY lên mức 8 trong năm nay.” Ông nhấn mạnh rằng dù vẫn là cuộc chiến thương mại cũ, căng thẳng đang leo thang nghiêm trọng.
Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, Mỹ đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ thép, quần áo đến hóa chất, với mức thuế phổ biến 10%-25%, thậm chí lên đến 50% đối với pin năng lượng mặt trời. Bắc Kinh đáp trả bằng thuế quan tương tự đối với nông sản và ô tô nhập khẩu từ Mỹ.
Căng thẳng này từng đẩy tỷ giá USD/CNY đạt mức tâm lý 7 lần đầu tiên sau một thập kỷ, trong khi chỉ số CSI 300 lao dốc tới 32% trong một năm trước khi phục hồi mạnh vào năm 2019.
Khoảng cách lợi suất giữa Trung Quốc và Mỹ đã gây áp lực lên đồng nhân
Đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục lao dốc?
Các chiến lược gia Bloomberg cảnh báo: “Nếu Trump tái đắc cử, chính sách thương mại bảo hộ có thể mạnh nhất trong gần một thế kỷ, với sự hậu thuẫn từ Quốc hội Mỹ. Điều này sẽ khiến nhân dân tệ cùng nhiều đồng tiền khác đối mặt với biến động mạnh và xu hướng giảm kéo dài.”
Dù Trung Quốc đã giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ, với tỷ trọng giảm từ 20% năm 2018 xuống còn 15% hiện nay do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam và các nước khác, nhưng mức thuế cao hơn mà Trump đe dọa có thể tạo thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ. Khi tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, Bắc Kinh khó có thể giữ vững tỷ giá mà không đánh đổi lợi thế thương mại.
Trái phiếu chính phủ: Điểm sáng giữa bất ổn
Trước rủi ro gia tăng, trái phiếu chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục là lựa chọn an toàn, được hỗ trợ bởi dòng vốn tìm kiếm tài sản trú ẩn và chính sách nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh, theo nhận định từ Societe Generale, BNP Paribas và Citigroup.
Goh từ abrdn dự báo lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm có thể giảm từ 1.63% hiện tại xuống 1.5% vào cuối năm nay.
Chỉ số CSI 300 giảm so với thời điểm chiến tranh thương mại nổ ra vào đầu năm 2018
Dù thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi động năm 2025 với khởi đầu tệ nhất trong chín năm, mức định giá thấp có thể thu hút những nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược vào các ngành có khả năng hưởng lợi từ căng thẳng thương mại với Mỹ. Hiện tại, chỉ số CSI 300 thấp hơn khoảng 10% so với thời điểm chiến tranh thương mại nổ ra vào đầu năm 2018.
Các chuyên gia nhận định, những lĩnh vực được Bắc Kinh ưu tiên phát triển như xe điện, chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời, chất bán dẫn, tự động hóa và dược phẩm sáng tạo có thể là điểm sáng trong bối cảnh bất ổn.
“Trung Quốc vẫn là thị trường đầu tư rủi ro cao, nhưng với các nhà giao dịch có kinh nghiệm, đây là cơ hội lớn,” Liqian Ren, Giám đốc đầu tư định lượng tại WisdomTree Inc., đánh giá. “Vẫn còn nhiều giá trị đáng để khai thác.”
Bloomberg