Châu Âu và nhiệm kỳ thứ hai của Trump - sóng gió hay hy vọng đang chờ đợi lục địa già?
Trần Quốc Khải
Junior Editor
Sau đại dịch Covid-19 và cuộc xâm lược Ukraine của Nga, liệu châu Âu có phải đối mặt với cú sốc mang tên Donald Trump? Từ thương mại đến quốc phòng và công nghệ, chính sách kinh tế trọng thương kết hợp khẩu hiệu MAGA (Make America Great Again) của Trump sẽ gây tổn thương - nhưng hy vọng cũng có thể đánh thức châu Âu khỏi sự tự mãn thường thấy.
Danh sách lý do khiến Liên minh châu Âu (EU) lo lắng ngày càng dài. Khối liên minh 27 quốc gia, với nền kinh tế mở định hướng thương mại, phát triển trong môi trường dựa trên quy tắc ổn định, nơi thương mại được ưu tiên hơn xung đột. Điều này hoàn toàn đối lập với phong cách của Trump - hành động nhanh, gây áp lực và giao dịch song phương. Ngay cả trước khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông đã thúc ép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cắt thỏa thuận với Vladimir Putin để kết thúc cuộc xâm lược Nga, đồng thời đe dọa áp thuế 10% lên đồng minh để giải quyết những bất bình lâu nay về thương mại. Kết quả sẽ là một thách thức an ninh mới ở phía đông châu Âu, khi năng lực quốc phòng EU chưa đủ để thay thế sự chuyển hướng của Mỹ sang châu Á, và GDP của EU có thể giảm 0.3% vào năm 2026 nếu thuế quan được áp dụng, theo Citigroup.
Tổng vốn hóa thị trường chứng khoán kể từ cuộc bầu cử Hoa Kỳ
Sự đoàn kết giữ châu Âu gắn kết cũng đang suy yếu. Không giống nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, vốn tạo ra hình ảnh ấn tượng về sự đối đầu giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các nhà lãnh đạo G-7 với Tổng thống Mỹ, danh sách những nhà lãnh đạo có thể tập hợp sự ủng hộ đối phó với sự rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương giờ đây rất ít. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từ vị thế mạnh mẽ, nay phải đối mặt với khủng hoảng và có thể không hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai. Người kế nhiệm Merkel, ông Olaf Scholz, thậm chí còn kém được lòng dân hơn và sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng Hai. Các đảng cực hữu ở châu Âu đang lên ngôi và nhận được sự hỗ trợ không mong đợi từ tài sản và ảnh hưởng của tỷ phú Elon Musk. Tuy vậy, vẫn có thể thấy một tia sáng hoặc một chiến lược ứng phó dần hình thành trong bối cảnh ảm đạm này. Tại một cuộc họp giữa các bộ trưởng và chuyên gia ở dãy Alps, tổ chức bởi Grand Continent, sự thực tế của các nhà lãnh đạo châu Âu đã nổi bật khi họ tập trung đánh giá khả năng lập kế hoạch và phản ứng của EU thay vì kêu gọi những khoảnh khắc thống nhất không tưởng. Thương mại, lĩnh vực mà quy mô thị trường EU cùng 440 triệu người tiêu dùng mang lại sức mạnh thực sự, đã bắt đầu được lên kế hoạch bài bản. Điều này bao gồm việc xác định các "lợi ích" để chủ động đề xuất với Trump, như mua thêm năng lượng, hàng hóa, vũ khí, và các biện pháp trả đũa thuế quan nếu chiến lược này không hiệu quả. Mặc dù đối mặt với thách thức từ "thâm hụt khổng lồ" mà Trump mô tả, EU vẫn có cơ hội chuyển dịch tư duy để giữ vững một lập trường chung toàn khối, đặc biệt nếu Trump chọn chia rẽ và chinh phục bằng cách đưa ra nhượng bộ cho từng quốc gia riêng lẻ.
Thặng dư thương mại của châu Âu với Hoa Kỳ đã tăng lên kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump
Về an ninh, một châu Âu thực sự sẵn sàng cho quốc phòng vẫn còn là viễn cảnh xa vời, ngay cả sau cuộc xung đột toàn diện lớn nhất trên lục địa này kể từ năm 1945. Tuy nhiên, quy mô thị trường của châu Âu có thể mang lại tiếng nói quan trọng khi quyết định số phận của Ukraine. EU nên nắm bắt cơ hội để đóng vai trò dẫn dắt trong công cuộc tái thiết Ukraine, ước tính có thể tiêu tốn tới 486 tỷ USD trong thập kỷ tới. Ngoài việc thực hiện các cam kết hiện tại trị giá 241 tỷ EUR (250.7 tỷ USD), châu Âu cũng có thể tận dụng khoảng 300 tỷ USD tài sản có chủ quyền của Nga đã bị phong tỏa. Những tài sản này có thể được sử dụng một cách sáng tạo để hỗ trợ Kyiv mà không cần tịch thu hoàn toàn. Việc tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Vương quốc Anh, một đối tác quốc phòng hợp lý của EU bất chấp những căng thẳng sau Brexit, cũng có thể mang lại lợi ích khi Thủ tướng Anh Keir Starmer cần sự ủng hộ để đối phó với chính sách công nghiệp và thuế quan công nghệ của Trump. Hình ảnh tỷ phú Elon Musk tại Mar-a-Lago cùng ông Nigel Farage và ông Nick Candy của đảng Cải cách, được cho là do Musk tài trợ, không nên trở thành định nghĩa mới về "mối quan hệ đặc biệt".
Về kinh tế, nếu châu Âu có thể tránh được sự suy thoái lâu dài, lục địa này có thể trở thành cầu nối giữa những gì châu Âu cần và những gì Trump muốn: một châu Âu tự chủ và kiên cường hơn, dựa vào người tiêu dùng trong nước thay vì xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc nhập khẩu khí đốt từ Nga. Dù đã chịu thiệt hại vì thiếu các công ty công nghệ lớn và thị trường vốn vẫn còn phân mảnh, EU vẫn là nơi có tiết kiệm hộ gia đình tương đương 33.5 nghìn tỷ EUR và các công ty mạnh như ASML Holding NV hay Airbus SE. Một loạt khuyến nghị gần đây từ nhà kinh tế Mario Draghi và Enrico Letta chỉ ra cách cắt giảm thủ tục hành chính, phá bỏ các rào cản và tăng cường sức mạnh cho các công ty trong các lĩnh vực phân mảnh như viễn thông. Việc cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có thể kích thích nhu cầu và khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có lẽ, một số yếu tố của chính sách MAGA như giảm quan liêu hoặc đối phó với các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc cũng có thể được áp dụng tại châu Âu.
Tuy nhiên, việc nắm bắt những cơ hội này phụ thuộc vào việc tình trạng bất ổn chính trị tại trung tâm của châu Âu không trở nên tồi tệ hơn. Ít nhất vẫn có một lý do để lạc quan: ứng cử viên hàng đầu thay thế Thủ tướng Đức Olaf Scholz - ông Friedrich Merz - có thể là chìa khóa để giải phóng khoảng 0.7% GDP chi tiêu thêm thông qua việc cải cách "cơ chế phanh nợ", theo UBS, qua đó cải thiện triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, sự thận trọng là cần thiết, đặc biệt khi xem xét tình hình tại Pháp.
Có lẽ điều tích cực nhất có thể nói về năm 2025 của châu Âu là kỳ vọng không thể thấp hơn. Trong khi phần lớn những gì Tổng thống Trump làm sẽ phụ thuộc vào tâm trạng của ông và sức mua của người tiêu dùng Mỹ, châu Âu không nên quên khả năng (dù hạn chế) của mình trong việc phản kháng.
Bloomberg