Cơn bão Trump - ETF: Khi nước Mỹ làm thay đổi cuộc chơi Crypto toàn cầu
Quỳnh Chi
Junior Editor
Thị trường tiền mã hóa đang tập trung trở lại Hoa Kỳ trong năm 2025, được thúc đẩy bởi chiến thắng của Donald Trump trong cuộc đua tổng thống và nhu cầu gia tăng mạnh mẽ đối với các quỹ tài sản số cùng sản phẩm phái sinh tại thị trường này.
Tuyên bố biến Hoa Kỳ thành tâm điểm của ngành công nghiệp tiền mã hóa của Trump đã kích hoạt làn sóng giao dịch sôi động, tiếp nối đà tăng trưởng vượt kỳ vọng từ việc ra mắt các quỹ ETF Bitcoin tại Hoa Kỳ từ đầu năm 2024.
Hệ quả là Hoa Kỳ đang dần khẳng định vị thế dẫn dắt về thanh khoản tài sản số và định giá tham chiếu, trong khi trước đó châu Á mới là khu vực được hưởng lợi chính từ các biện pháp siết chặt tiền mã hóa dưới thời Biden - chính sách đang dần được Trump gỡ bỏ.
Các số liệu thống kê dưới đây cho thấy sự chuyển dịch cấu trúc thị trường tiền mã hóa trong 12 tháng đầy biến động, khi lực cầu từ Hoa Kỳ là động lực chính đưa Bitcoin chinh phục cột mốc 100,000 USD lần đầu tiên trong lịch sử.
BTC/USD: Ưu thế thanh khoản nghiêng về phiên Mỹ
Theo phân tích từ Kaiko, tỷ trọng giao dịch cặp BTC/USD trong phiên giao dịch Hoa Kỳ đã tăng từ 40% năm 2021 lên 53%. Thomas Erdösi, Giám đốc Sản phẩm của CF Benchmarks nhận định, việc các tổ chức tài chính gia tăng tham gia đã dịch chuyển "vị thế dẫn dắt thanh khoản" về thị trường Mỹ.
Khối lượng giao dịch năm 2024 vượt ngưỡng nửa nghìn tỷ USD
Các quỹ ETF Bitcoin Hoa Kỳ ghi nhận tổng giá trị giao dịch hàng ngày vượt ngưỡng 500 tỷ USD với dòng vốn ròng đạt khoảng 36 tỷ USD kể từ thời điểm ra mắt hồi tháng 1. Trong đó, iShares Bitcoin Trust của BlackRock được đánh giá là một trong những quỹ thành công nhất lịch sử. Dưới thời Trump, danh mục quỹ ETF tiền mã hóa tại Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ mở rộng ra ngoài phạm vi Bitcoin và Ether như hiện tại.
Hợp đồng tương lai Bitcoin và Ether trên CME thiết lập đỉnh mới
Khối lượng hợp đồng mở của các hợp đồng tương lai Bitcoin và Ether trên sàn CME Group tại Chicago đã thiết lập đỉnh mới trong năm nay. CME hiện dẫn đầu về khối lượng hợp đồng mở của Bitcoin futures, vượt qua vị trí từng thuộc về nền tảng giao dịch nước ngoài Binance Holdings.
Thanh khoản thị trường tiền mã hóa hồi phục về mức trước khủng hoảng FTX
Sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX và quỹ phòng hộ Alameda Research năm 2022 từng gây tổn thương nghiêm trọng đến thanh khoản thị trường. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các quỹ ETF Hoa Kỳ cùng làn sóng lạc quan dưới thời Trump đã góp phần cải thiện tình hình. Theo Kaiko, độ sâu thị trường - khả năng hấp thụ các lệnh giao dịch lớn mà không gây biến động giá đáng kể - đã hồi phục về mức trước khủng hoảng FTX, thu hẹp đáng kể "khoảng trống Alameda" về thanh khoản.
Bloomberg