Chớ nên dại dột đặt cược vào sự bùng nổ giá trị của bạc
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Nếu như vàng là thứ đã khiến những chinh tướng Tây Ban Nha phát cuồng khi khai phá ra Châu Mỹ vào thế kỷ thứ 16, trong một vài thập niên trở lại đây, bạc cũng đang sở hữu một quyền năng tương tự đối với những người nắm giữ chúng. Tôi không muốn gọi họ là “những nhà đầu tư”, bởi lẽ nhận định của những tín đồ “thứ thiệt” này bị chi phối quá nhiều bởi cảm xúc.
Vài tháng gần đây, vàng đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược đầu tư của nhiều tổ chức, đóng vai trò mỏ neo giúp họ đứng vững trước những biến động của thị trường sau đại dịch Covid-19.
Trong xu hướng thịnh hành ấy, bạc dường dư đã bị bỏ lại phía sau. Kim loại này hiện vẫn đang được giao dịch ở mức khoảng trên 18 USD/Oz. Tương quan giá trị của vàng so với bạc đã đạt mức cao nhất trong lịch sử vào ngày 18/03 vừa qua khi giá bạc sụt giảm xuống mức 11.94 USD. Tại thời điểm đó, vàng có giá trị gấp 126.5 lần bạc.
Kể từ sau đó, tỷ lệ trên đã giảm mạnh và dao động ngay sát dưới mức 100 kể từ cuối tháng 5 đến nay. Với những người ưa chuộng bạc, việc chênh lệch giá vàng và bạc mở rộng là một tín hiệu để mua vào. Tuy nhiên, dường như bất cứ điều gì xảy ra cũng đều được họ nhận định sẽ khiến cho kim loại này tăng giá.
Hầu hết mọi người ở bên ngoài nước Mỹ đều sẽ chỉ nghĩ tới ứng dụng của bạc trong sản xuất các dụng cụ nhà bếp, trang sức hay chất dẫn điện cao cấp. Còn đối với một bộ phận người Mỹ, bạc còn thể hiện một phần trong quan điểm chính trị của họ. Những tín đồ ấy tin rằng tỷ lệ giá vàng/bạc cần phải giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với mức 96 hay 98. Chí ít, Isaac Newton, nếu còn sống, cũng sẽ ủng hộ điều này. Ông cho rằng tỷ lệ trên nên được cố định ở mức 16.
Những người giao dịch chuyên nghiệp trên thị trường không đồng ý với quan điểm trên. CPM, một công ty tư vấn không có hoạt động trao đổi hay mua bán kim loại hay các loại chứng khoán liên quan, nhận định rằng giá bạc sẽ không sụt giảm mạnh như thời điểm tháng 3, nhưng nhiều khả năng sẽ cũng chỉ duy trì giao dịch ở mức khoảng 16-20 USD/Oz.
Mức giá trên này sẽ là không đủ hấp dẫn để mọi người đổ xô đi khai thác kim loại này. Mỏ bạc lớn mới nhất tại Sotkamo, Phần Lan đã hoạt động kinh doanh không mấy thành công kể từ khi mở cửa vào năm ngoái. Đội ngũ lãnh đạo, theo báo cáo trước đó đã không thực hiện bảo hiểm cho giá của hàng hóa, đã phải thay đổi quan điểm.
Những nhà đầu tư cho hoạt động khai thác quan tâm nhiều hơn tới triển vọng của các loại kim loại khác như nickel, đồng hay cô-ban. Một trong số họ tiết lộ lý do: “Điều quan trọng nhất vẫn là nguyên tắc hiệu quả của đồng vốn đầu tư. Đối với bạc, nguồn cung có sẵn trên mặt đất đã quá nhiều”.
Và đó chính là vấn đề cần lưu tâm đối với những người say mê kim loại này. Đúng là sản lượng khai thác thô từ các mỏ bạc đang thiếu hụt so với nhu cầu sản xuất công nghiệp, đầu tư và trang sức. Tuy nhiên, hiện đang có tới hàng chục triệu tấn bạc đã được khai thác và tích trữ dưới dạng thỏi hoặc đồ chế tác. Điều này có thể giải thích tại sao bạc đã gặp rất nhiều khó khăn để vượt mức giá 20 USD.
Tin tốt đó là, không giống như vàng, bạc có giá quá thấp để làm giả. Mặt khác, giá trị của nó cũng quá thấp để các ngân hàng lớn thực sự quan tâm. Khoảng 40 -50 năm trước, hoạt động mua bán kim loại quý đã diễn ra sôi động giữa các ngân hàng với hàng tấn hàng chu chuyển trong hệ thống các két sắt. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, việc giao dịch trên đã phát sinh quá nhiều chi phí quản lý do vậy không còn hấp dẫn đối với giới ngân hàng. Kể cả các quỹ phòng hộ lớn nhất hiện nay cũng đang gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận mua vàng vật chất. Còn đối với bạc ư? Còn lâu!
Và nếu bạn vẫn vì sự hấp dẫn của bạc mà lờ đi những cảnh báo trên, bóng ma của Nelson Bunker Hunt có thể sẽ làm bạn tỉnh lại. Gần 40 năm trước, Hunt đã buộc phải thanh lý tài sản của mình do sử dụng đòn bẩy để đầu cơ vào bạc. Để rồi từ một người giàu có nhất Texas, ông ta đã trở nên hoàn toàn trắng tay.